08/07/2017 06:07
Tiền bạc thay đổi con người như thế nào
Dù giàu hay nghèo, điều chắc chắn là người ta sẽ chẳng bao giờ có thể ngừng nghĩ về tiền bạc, một nghiên cứu tại Mỹ cho biết.
Hãy nhìn vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra. Trong số các ứng cử viên, có một tỷ phú và một nhà xã hội dân chủ. Cả hai đều đưa ra những phương án riêng nhằm giải quyết bất bình đẳng thu nhập.
Paul Riff - Giáo sư tâm lý tại Đại học California đã thực hiện một nghiên cứu về cách tiền bạc thay đổi mối quan hệ giữa người và người.
Hầu hết các kết quả chỉ ra rằng tiền bạc có tác động tiêu cực lên hành vi của con người. "Càng có nhiều tiền, người ta càng có xu hướng tập trung vào bản thân mình, và kém nhạy cảm hơn với hạnh phúc của những người xung quanh", Riff nhận định.
Trong một buổi phỏng vấn trên Reuters, ông cho biết mình nghiên cứu vấn đề này bằng cách mời hàng trăm người chơi Monopoly (Cờ tỷ phú). Họ sẽ được chia thành từng nhóm 2 người, không quen biết nhau.
Một người sẽ được ngẫu nhiên chọn làm người giàu, nhận về nhiều tiền hơn, được gieo xúc xắc hai lần và cũng nhận được tiền thưởng gấp đôi.
Theo luật chơi, đây rõ ràng là không công bằng. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút, họ bắt đầu thay đổi cách cư xử. Người giàu trở nên thô lỗ, to tiếng và hiếu chiến. Họ liên tục hả hê về chiến thắng và không ngừng khoe khoang về số tiền kiếm được.
Sau khi kết thúc, Riff và nhóm nghiên cứu đã hỏi vì sao họ thắng. Người giàu chỉ tập trung vào những quyết định của mình, như chọn mua tài sản gì. Nhưng thật ra, tất cả đều chỉ là do họ may mắn được phân vai có lợi thế hơn ngay từ đầu mà thôi.
Giải thích về sự tương đồng giữa trò Monopoly và đời thực, Riff cho biết: "Bạn không thể quyết định mình sẽ sinh ra trong gia cảnh như thế nào.
Một vài người may mắn có đầy đủ điều kiện từ bé, số khác thì không. Dù vậy, người ta chỉ nghĩ về những gì mình làm được và mình xứng đáng được hưởng thụ như thế nào. Thường thì sự giàu có của cha mẹ sẽ khiến con cái có suy nghĩ như vậy".
Ông cho rằng khi có quá nhiều thứ, người ta sẽ có xu hướng làm những điều sai trái. Trong thí nghiệm của mình, họ thấy rằng con người dễ dàng phá bỏ các chuẩn mực đạo đức vì lợi ích cá nhân, như nói dối, gian lận hay thậm chí là phạm pháp.
Bên cạnh đó, Riff nhận định vấn đề bất bình đẳng thu nhập không chỉ là vấn đề của người nghèo. Mà ngay cả người giàu cũng khó tránh khỏi tác động.
"Vấn đề nằm ở sự ích kỷ, bởi tầng lớp thượng lưu cho rằng họ xứng đáng hưởng những gì mình có, và không có ý thức chia sẻ. Bất bình đẳng khiến khoảng cách giữa người với người ngày càng xa", ông giải thích.
Dù vậy, ông cho rằng người giàu không hẳn là bị tha hóa. Chỉ là sự giàu có luôn đi kèm với những khuynh hướng tâm lý nhất định. Nếu tiền bạc làm thui chột lòng từ bi và sự hào phóng, chúng ta cần tìm cách để giảm bớt tác hại của nó.
"Khi thí nghiệm, chúng tôi nhận ra rằng người nghèo ban đầu thường hào phóng hơn người giàu. Nhưng khi được cho xem một đoạn phim ngắn về sự nghèo khổ, người giàu cũng trở nên hào phóng không kém", ông nói.
Ngày nay, làm từ thiện đã là hoạt động thường thấy của rất nhiều người giàu thế giới. Năm ngoái, nhà sáng lập Facebook – Mark Zuckerberg đã cam kết hiến tặng 99% cổ phiếu Facebook đang nắm giữ để làm từ thiện.
Người giàu nhất thế giới - Bill Gates và huyền thoại đầu tư - Warren Buffett cũng đồng sáng lập Cam kết cho đi (Giving Pledge) - thuyết phục người giàu cho đi ít nhất nửa tài sản của mình.
Riff kết luận giàu có khiến con người tự tách biệt mình. Vì thế, điều cần làm là phải kết nối họ lại với những người xung quanh để đưa họ ra khỏi thế giới riêng.
Advertisement
Advertisement