21/09/2017 10:38
Tiền ảo - quản lý thật
Dropfoods – nhà cung cấp máy bán hàng tự động thông minh tại Việt Nam – vừa ra thông báo sẽ tiến hành một đợt chào bán coin đầu tiên (ICO) vào ngày hôm nay (21/9). Điều này lại đặt ra vấn đề quản lý tiền ảo ở Việt Nam như thế nào?
Mặc dù tài sản ảo, tiền kỹ thuật số và tiền ảo đang “làm mưa, làm gió” trên toàn cầu, nhưng tại Việt Nam chưa có bất kỳ hành lang pháp lý nào để quản lý thị trường “ảo” này.
Dropfoods với Dropcoin
Dropfoods sẽ phát hành loại tiền ảo riêng mang tên Dropcoin thông qua ICO tại Singapore, với kỳ vọng sẽ kêu gọi được 9 triệu USD. Số tiền Dropcoin sẽ được chuyển thành tiền pháp định để rút tiền mặt tại máy bán hàng tự động Dropfoods, hoặc để mua hàng trên các máy bán hàng tự động và các ứng dụng của Dropfoods.
Việc Dropfoods thực hiên ICO tại Singapore đã “nổ phát súng” đầu tiên cho hình thức kêu gọi đầu tư mới của các DN trong lĩnh vực kỹ thuật số. Vấn đề đặt ra ở đây là Việt Nam chưa sẵn sàng “đón nhận” hình thức tiền kỹ thuật số và ICO. Chính vì vậy, Cty này mới lựa chọn Singapore, thay vì Việt Nam để ra mắt Dropcoin.
Sở dĩ Việt Nam chưa đón nhận ICO là do chưa có hành lang pháp lý nào quản lý tiền kỹ thuật số. Mọi hoạt động giao dịch tiền kỹ thuật số ở Việt Nam hiện đang diễn ra tự do thông qua các sàn giao dịch quốc tế.
Đây chính là một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, nhất là khi đồng tiền kỹ thuật số có thể bị lợi dụng cho mục đích rửa tiền.
Nếu phát hành thành công Dropcoin thông qua ICO tại Singapore, đây sẽ là tiền lệ cho các DN khác nối gót Droprfoods ra mắt các đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại việc đầu tư theo hình thức ICO nói chung và Bitcoin nói riêng hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả nhà đầu tư và Chính phủ.
“Chẳng hạn nếu muốn chuyển USD từ Việt Nam ra nước ngoài, thì trước hết phải dùng VND mua USD, dùng USD mua Bitcoin, sau đó giao dịch trên sàn hoặc chuyển trực tiếp cho người nhận. Khi sở hữu Bitcoin, người nhận sẽ hoán đổi nó sang đồng USD. Khi đó, USD sẽ được dùng để mua sắm, mở tài khoản ngân hàng, nhằm hợp thức hóa giao dịch đồng tiền “bẩn”. Điều này sẽ tiếp tay cho hoạt động rửa tiền” – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Cần hành lang pháp lý
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tich HĐQT Cty CP Chứng khoán Sài Gòn- SSI cho rằng, đối với Bitcoin hay các tiền kỹ thuật số khác đang đặt ra rất nhiều thách thức với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có những quy định kiểm soát ngoại hối chặt chẽ như Việt Nam.
“Theo quan điểm của cá nhân tôi, Việt Nam cần sớm ban hành khung pháp lý thừa nhận Bitcoin là một loại hàng hoá và bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch tập trung để Nhà nước có thể giám sát và thu thuế cũng như kiểm soát các nhóm tội phạm lừa đảo”- ông Nguyễn Duy Hưng khuyến nghị.
Sự quan ngại, thận trọng của Việt Nam về việc xem xét cho phép giao dịch tiền ảo cũng tương tự như các nước khác trên thế giới. Theo số liệu báo cáo Global Cryptocurrency 2017, hiện chỉ có 52% sàn giao dịch tiền ảo có quy mô nhỏ đã được Chính phủ các nước cấp phép hoạt động; với sàn quy mô lớn, tỉ lệ này chỉ ở mức 35%.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng Chính phủ sẽ thừa nhận và bảo hộ cho Bitcoin trong tương lai khi đề án này được hoàn thiện, triển khai.
Trong tuyên bố mới đây, NHNN cũng đã khẳng định lại quan điểm (từ năm 2014) không công nhận Bitcoin là một loại tiền tệ.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chỉ nên chấp nhận Bitcoin là một hàng hóa trừu tượng được giao dịch, trao đổi qua lại trong một phạm vi nhất định. Muốn như thế, Chính phủ cần phải có những quy định cụ thể cho các đồng tiền kỹ thuật số, cụ thể phải định nghĩa được các loại tiền kỹ thuật số là gì? Được giao dịch như thế nào? Đặc biêt, cần có quy định chặt chẽ về việc cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch. Theo đó, các sàn giao dịch phải đảm bảo được đăng ký theo Luật DN, phải có vốn hóa, có địa chỉ, có ban quản lý,… nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch.
“Những quy định này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ có điều kiện quản lý dễ dàng được các giao dịch từ phía nhà đầu tư cũng như các sàn giao dịch. Ngoài ra, cũng tránh được tình trạng các cá nhân, tổ chức lợi dụng chuyển tiền kỹ thuật số ra nước ngoài để thực hiện hành vi rửa tiền”- TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Nếu tăng cường quản lý, cấp phép, giám sát các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, Việt Nam có thể sẽ thu hút được dòng vốn ngoại tệ từ nước ngoài thông qua các ICO, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, tất cả các giao dịch tiền kỹ thuật số, tiền ảo sẽ diễn ra theo hướng minh bạch, công khai và công bằng, góp phần giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và phòng chống rửa tiền.
Advertisement
Advertisement