Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tiềm năng lớn, tại sao cổ phiếu PVOil lên sàn lại tụt dốc không phanh?

Chứng khoán

28/06/2018 09:13

PVOil giao dịch được 77 phiên trên Upcom thì chỉ có 26 phiên tăng điểm, 1 phiên trần và còn lại thì đỏ sàn. Thị giá đã mất 37,5%.

Trái ngược

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận cho Tổng Công ty Dầu Việt Nam-PVOil được đăng ký giao dịch trên Upcom với mã chứng khoán OIL. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 7/3/2018 là 20.200 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên này, OIL giao dịch quanh vùng giá 24.200 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên sau phiên chào sàn, OIL bắt đầu chuỗi ngày ngập trong sắc đỏ. Tính đến ngày 27/6, OIL có 77 phiên giao dịch thì thì chỉ có 26 phiên tăng điểm. Duy nhất 1 phiên trần vào ngày 7/5/2018, khi tăng từ 17.800 đồng lên 19.700 đồng/cổ phiếu. Còn lại, OIL có tới 50 phiên mất điểm.

OIL lên sàn rồi giảm mạnh.
OIL lên sàn rồi giảm mạnh.

Điều này sẽ là rất bất ngờ nếu so sánh với lúc PVOil bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Cụ thể, phiên IPO của PV Oil diễn ra ngày 25/1, có 206.845.900 cổ phần được mang ra đấu giá với giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phần.

Tại đây, có tới 3.195 nhà đầu tư tham gia với khối lượng cổ phần đặt mua hơn 483,18 triệu đơn vị, gấp hơn 2,33 lần số lượng cổ phần chào bán. Phiên đấu giá kết thúc, toàn bộ số cổ phần được bán hết với giá đấu thành công trung bình 20.196 đồng/cổ phần. 

Theo phương án cổ phần hóa được Chính phủ phê duyệt, vốn điều lệ của PVOil được xác định là 10.342 tỷ đồng. Sau IPO, PV Oil tiếp theo sẽ bán tiếp hơn 462 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 44,72% vốn điều lệ.

Hiện tại đã có 8 bộ hồ sơ nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến PVOil, gồm 6 nhà đầu tư nước ngoài là Shell, IdemitsuKosan Co., Ltd và Kuwait Petroleum International (KPI), Puma của Thuỵ Sỹ, SK của Hàn Quốc và một nhà đầu tư khác từ Trung Đông. 2 nhà đầu tư trong nước cũng có sự quan tâm đến PVOil là quỹ Sacom và Sovico.

Nền tảng tốt

Về nền tảng kinh doanh, PV Oil là doanh nghiệp độc quyền xuất khẩu dầu thô và là doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai tại Việt Nam. PVOil chỉ xếp sau Petrolimex (PLX) và OIL đang đặt mục tiêu nâng thị phần từ 22% hiện nay lên khoảng 35% trong 3-5 năm tới.

PVOil được thành lập năm 2008 trên cơ sở hợp nhất Tổng Công ty Thương mại Dầu khí (Petechim), Công ty Chế biến và Kinh doanh Sản phẩm Dầu (PDC).

Sau khi nhận chuyển nhượng sản xuất kinh doanh từ PTSC vào năm 2009 và tiếp nhận phần vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Petec vào đầu năm 2013, PVOil trở thành đơn vị duy nhất của PVN tham gia phát triển hoàn chỉnh khâu hạ nguồn của ngành dầu khí trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, kinh doanh dầu thô và chế biến, tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu. 

PVOil chiếm 22% thị phần xăng dầu Việt Nam.
PVOil chiếm 22% thị phần xăng dầu Việt Nam.

PVOil ra đời đánh dấu bước hoàn tất công tác tái cấu trúc, hợp nhất 4 đầu mối kinh doanh xăng dầu của PVN gồm PetroMekong, PDC, Petechim và Petec. Năm 2010, PVOil đã mua toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu của Shell Lào và thành lập PVOil Lào. Nhận chuyển nhượng vốn từ SCIC tại 8 công ty có hoạt động kinh doanh xăng dầu để thành lập các công ty con tại các tỉnh. 

Năm 2013, PVOil hoàn tất việc nắm quyền chi phối tại Công ty Cổ phần Thương mại XNK Thủ Đức (TMC). Năm 2014, PVOil tiếp tục nhận chuyển nhượng toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu mặt đất của Công ty TNHH Xăng dầu Hàng không (Vinapco). Ngoài ra, PVOil cũng liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Comeco (COM), Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau (CMV).

Đến nay, PVOil có 39 đơn vị thành viên gồm 9 chi nhánh, 1 công ty TNHH MTV, 29 công ty cổ phần nắm quyền chi phối và góp vốn tại 12 công ty liên kết. Trong đó có 3 công ty con ở nước ngoài gồm PVOil Lào (vốn hơn 13,67 triệu USD, chiếm 100%), PVOil Campuchia (vốn 10 triệu USD, nắm 51%) và PVOil Singapore (vốn 5 triệu USD, nắm 51%).

Về tình hình tài chính, năm 2014 PVOil lỗ 1.372 tỷ đồng hợp nhất. Đến năm 2015 và 2016 đã có lợi nhuận lần lượt là 674 tỷ đồng và 565 tỷ đồng. Còn tại thời điểm 31/12/2016, PVOil ghi nhận gần 1.992 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 2.477 tỷ đồng, dài hạn gần 202 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2017, doanh thu hợp nhất của PVOIL đạt 56.000 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ đạt 325 tỷ đồng, hoàn thành 114% kế hoạch năm. Sang năm 2018, PVOIL đặt mục tiêu sản lượng sản xuất xăng dầu 854.000m3, sản lượng kinh doanh xăng dầu 3.150.000m3/tấn, tổng doanh thu hợp nhất 41.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 340 tỷ đồng.

PVOil cũng đặt kế hoạch cán mốc lợi nhuận trên ngàn tỷ vào năm 2020, phát triển thêm 1.050 cửa hàng xăng dầu. Đồng thời, PVOil sẽ thoái vốn tại các công ty hoạt động kém hiệu quả và có lĩnh vực hoạt động không phù hợp.

PVOil kỳ vọng sẽ M&A để phát triển mạng lưới bán lẻ với 120 cửa hàng xăng dầu/năm và sản lượng bình quân 120m3/cửa hàng xăng dầu trong một tháng. Đến năm 2022, PVOil cán mốc 1.550 cửa hàng xăng dầu, tổng sản lượng bán lẻ sẽ đạt khoảng 2.360.000m3 vào 2020 và chiếm khoảng 35% tổng sản lượng kinh doanh vào năm 2022.

Lo ngại cạnh tranh

Cả nền tảng kinh doanh và cơ cấu tài chính khá tốt, tại sao cổ phiếu PVOil lại liên tục đỏ sàn. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam-VCBS cho rằng, việc này xuất phát từ việc PVOil phải đối diện với nhiều khó khăn trong tương lai.

Về rủi ro từ các đối thủ, hiện tại Việt Nam có tới gần 30 đầu mối kinh doanh xăng dầu. PVOil đang xếp thứ hai về thị phần xăng dầu toàn thị trường với tỷ lệ 21%. Đứng thứ nhất là PLX với 49%. Ba doanh nghiệp tiếp theo là Thanh Lễ, Saigon Petro, Xăng dầu Quân đội MP chiếm 20% thị phần. Còn lại, hơn 20 doanh nghiệp khác lại chỉ chiếm 10% thị phần.

PVOil sẽ gặp nhiều cạnh tranh trong tương lai.
PVOil sẽ gặp nhiều cạnh tranh trong tương lai.

Tính đến nay, thị trường xăng dầu có khoảng 14.000 cửa hàng thì riêng Petrolimex đã sở hữu đến 2.400 cửa hàng, PVOil chỉ chiếm khoảng 540 cửa hàng. Nếu tính các điểm bán lẻ xăng dầu thì con số này lần lượt là 5.200 và 3.000. Ngoài ra Saigon Petro và Thalexim đạt khoảng trên 1.000 cửa hàng.

VCSB cho rằng, xét về thị phần cũng như kênh phân phối, dù xếp thứ hai nhưng những con số tại PVOil vẫn còn bỏ khoảng quá xa so với Petrolimex. Còn so với những đơn vị xếp sau như Saigon Petro, Thalexim, MP… thì PVOil lại không quá nổi bật. 

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, PVOil còn phải cạnh tranh với những đơn vị đến từ nước ngoài. Điển hình, đối thủ cạnh tranh hiện tại của PVOil là Idemitsu đang nắm giữ 35% cổ phần tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Đây là liên doanh do Tập đoàn Idemitsu Kosan và Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPI) thành lập. Hiện tại, Idemitsu Kosan và KPI cũng đang nắm tổng cộng hơn 70% vốn tại dự án lọc dầu Nghi Sơn.

Rủi ro thứ hai đến từ việc mua nguyên liệu giá cao từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Theo thỏa thuận với Chính phủ và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhà máy này được đảm bảo sẽ được hưởng 7% theo giá bán xăng.

Chính phủ sẽ bù lỗ nếu sản phẩm của Nghi Sơn không thể cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu. Nếu cơ chế thuế ưu đãi không đổi, PVOil sẽ phải chịu rủi ro khi mua xăng dầu tư Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vì chịu thuế cao và bán sản phẩm với giá tính thuế thấp hơn. 

Một rủi ro khác với PVOil mà VCBS chỉ ra là chi phí tăng khi chuyển sang kinh doanh xăng sinh học E5. Cụ thể, từ 1/1/2018 tất cả các cửa hàng xăng dầu phải thay xăng A92 bằng xăng sinh học E5. Xăng sinh học E5 Ron92 được pha với thành phần 5% Ethanol. Vì vậy nhu cầu sử dụng Ethanol sẽ cao đột biến trong năm tới.

Hiện tại, hiệu quả kinh doanh xăng E5 đang ngang bằng với A92 nhưng từ năm sau hiệu quả kinh doanh xăng E5 sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí liên quan tăng, nhất là chi phí xuất nhập khẩu. Đến nay, chỉ có Công ty TNHH Tùng Lâm là đơn vị duy nhất cung cấp Ethanol trong nước.

Do đó, VCBS dự phóng kết quả kinh doanh của PVOil sẽ tăng trưởng về doanh thu với tốc độ trung bình 5% mỗi năm. Con số doanh thu đến năm 2021 dự kiến đạt 67.115 tỷ đồng.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement