24/12/2021 13:17
Tiêm filler nâng mũi, một phụ nữ ở TP.HCM phải đi cấp cứu
Bệnh viện Da Liễu TP.HCM vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy (hay filler) để nâng mũi.
Theo đó, bệnh nhân là chị N.T.K.L. (30 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cấp cứu trong tình trạng vùng mũi, miệng bầm tím, vùng nhân trung và môi phù nề. Trên mũi chị L. xuất hiện các nốt có mủ, đóng mài, đau, ăn uống kém…
Cụ thể cách đây 3 ngày, nạn nhân được người quen giới thiệu đến một cơ sở spa ở quận Bình Tân để tiêm filler nâng mũi. Tại đây, chị được chủ spa tư vấn tiêm 2cc "filler Hàn Quốc" với giá 1.2 triệu đồng/1cc.
Sau khi thực hiện tiêm filler vùng miệng chị L. sưng, bầm đỏ, cảm giác đau, tê… Nhưng spa nhưng tiếp tục được trấn an khách hàng đây là biểu hiện bình thường.

Cô gái biến dạng mũi sau khi tiêm filler ở spa (Ảnh: BVCC).
Sau 2-3 ngày, da nạn nhân bắt đầu đỏ, nổi mủ trắng, ngày một trầm trọng hơn và phải nhập viện cấp cứu.
Theo TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, BV Da Liễu TP.HCM, chia sẻ trên báo Dân Trí, bệnh nhân được chẩn đoán có biểu hiện hoại tử da vùng mũi do tiêm chất làm đầy. Nguyên nhân có thể do việc, tiêm một lượng filler khá lớn (2 cc) vào vùng mũi cùng một thời điểm gây chèn ép mạch máu. Hoặc tiêm không đúng kỹ thuật, dẫn đến việc chất làm đầy đi vào lòng mạch gây thuyên tắc.
Bệnh nhân sau đó được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc vết thương hàng ngày. Sau một tuần, tình trạng hoại tử da cải thiện đáng kể. Tuy nhiên khi da lành sẽ để lại vết sẹo trên mũi của bệnh nhân.
Theo bác sĩ, tiêm chất làm đầy ở vùng mũi là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm về tiêm chất làm đầy để tránh gây tai biến như tắc mạch, hoại tử da, loét da…
Trước đó không lâu, BV Da Liễu TP.HCM cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ ở Vũng Tàu nhập viện trong tình trạng vùng thái dương sưng to, bầm tím, chảy dịch do biến chứng của việc tiêm filler trôi nổi. Bệnh nhân sau đó được các bác sĩ mổ, rạch tháo mủ. Di chứng để lại cho bệnh nhân có thể là một vết sẹo trên vùng thái dương.
Trước đó, tại TP.HCM liên tiếp xảy ra hai trường hợp nữ bệnh nhân tử vong sau khi nâng mũi, hút mỡ bụng, làm đẹp da có gây tê ở thẩm mỹ viện quận 1, quận Tân Phú và Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã vào cuộc điều tra.
Tiêm filler là một thủ thuật ngoại khoa và có những nguy cơ biến chứng nhất định. Biến chứng do tiêm filler có thể chia làm 2 nhóm chính: liên quan đến kỹ thuật tiêm, và sử dụng chất làm đầy không được cấp phép.
Trong đó, biến chứng do kỹ thuật tiêm nghiêm trọng nhất có thể gặp phải là tiêm vào mạch máu. Filler có thể theo mạch máu gây tắc mạch, tắc mạch não gây nhồi máu não, tắc mạch võng mạc gây mù, tắc mạch máu ở da gây hoại tử da… Kỹ thuật tiêm không đảm bảo vô khuẩn dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ ở vùng tiêm. Những nhiễm trùng này thường lan tỏa theo các đường chọc kim trong quá trình tiêm.
Với biến chứng do tiêm các chất không được cấp phép là chất như silicon lỏng và các chất làm đầy không rõ nguồn gốc, không được xử lý tốt có thể ngấm vào mô, gây viêm tấy, kích ứng, nhiễm khuẩn, tạo viêm, xơ, loét… Tình trạng này có thể xuất hiện sớm hoặc muộn tùy từng bệnh nhân.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp