22/10/2019 14:33
Thuỷ sản quý III: Lãi giảm là chủ đạo
Năm 2018 được xem là năm huy hoàng của doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt giá cá tra tăng đỉnh vào cuối năm giúp nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn. Năm nay, từ khoảng quý II, giá cá tra có xu hướng giảm đã tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp so với cùng kỳ.
ACL, AAM, HVG có lợi nhuận suy giảm
Một số doanh nghiệp thuỷ sản vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2019 giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) đạt doanh thu 261 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 19 tỷ đồng, giảm lần lượt 44% và 80% so với cùng kỳ. Hai quý trước đó, Công ty ghi nhận mức lãi 113 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019, ACL đạt doanh thu 1.080 tỷ đồng và lợi nhuận 132 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.
Quý cuối năm 2018 được xem là giai đoạn huy hoàng đối với ngành cá tra khi giá cá tăng mạnh, ACL đạt mức lãi lịch sử 230 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến giá cá tra có xu hướng giảm từ khoảng quý II/2019 khiến ACL và nhiều doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng.
Công ty cổ phần Thuỷ sản Mekong (AAM) có doanh thu quý III/2019 tăng 8%, đạt 55 tỷ đồng, nhưng giá vốn tăng mạnh nên lợi nhuận gộp giảm 31%, chỉ đạt 3,3 tỷ đồng.
Cộng thêm việc không còn khoản lợi nhuận tài chính nên lãi sau thuế vẻn vẹn hơn 600 triệu đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận 9 tháng đầu năm là 7,5 tỷ đồng, cũng giảm so với cùng kỳ.
Kém tích cực hơn là Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG), quý III/2019, doanh thu chỉ đạt 527 tỷ đồng, giảm 64% so với quý III/2018 và lỗ 129 tỷ đồng.
Theo giải trình của HVG, doanh thu giảm do Công ty đã thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã nành, bắp, lúa mì...).
Trong quý III/2019, HVG có giá vốn 559 tỷ đồng, vượt doanh thu, nên Công ty lỗ gần 32 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Công ty lỗ hơn 234 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên 650 tỷ đồng. Việc kinh doanh dưới giá vốn chủ yếu do giá cá nguyên liệu giảm mạnh, từ 34.000 đồng/kg xuống 18.000 đồng/kg, kéo theo giá xuất khẩu giảm sâu.
Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2019, nhưng thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của Công ty - có xu hướng giảm nhập khẩu, nguyên nhân chính là do hàng tồn kho cao, dù giá giảm mạnh.
Tuy nhiên, thị trường Mỹ nhiều khả năng sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm, khi hàng tồn kho được xử lý và các nhà nhập khẩu cần trữ hàng cho các kỳ nghỉ lễ. Theo đó, VHC kỳ vọng xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng, cộng với xuất khẩu tốt ở thị trường EU và Trung Quốc, giúp Công ty hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2019.
Ðiểm sáng ANV
Quý III/2019, Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) ghi nhận doanh thu thuần 1.127 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế hơn 152 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, đánh dấu 8 quý liên tiếp tăng trưởng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của ANV đạt 3.102 tỷ đồng và 506 tỷ đồng, hoàn thành 72% kế hoạch năm.
Theo chia sẻ mới đây của lãnh đạo ANV, Công ty có 3 nhà máy được thiết kế với công suất 600 tấn/ngày và đang thực hiện dự án Bình Phú với hơn 200 ao cá thịt và 40 ao cá giống.
Công ty cũng đang phát triển thêm các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mới nhất là chả cá surimi. Năm 2020, ANV dự kiến hợp tác cùng một doanh nghiệp Hàn Quốc đối với sản phẩm collagen.
Thị trường xuất khẩu của ANV khá đa dạng, bao gồm Mỹ, Mexico, Brazil, EU, Trung Quốc, Ðông Nam Á…
Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu nhờ hai thị trường Trung Quốc và Ðông Nam Á.
Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc ANV cho biết, hiện Công ty đã tăng thị phần xuất khẩu cá tra tại Trung Quốc từ 17% lên hơn 26% và đang phấn đấu lên mức 35%.
Có những tháng, ANV không đủ cá để xuất khẩu, kỳ vọng khi dự án Bình Phú đi vào hoạt động sẽ giúp Công ty gia tăng khả năng cung ứng sản phẩm cho các thị trường.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trên quy mô ngành, bài toán nâng chất lượng giống để ổn định đầu vào cho chế biến thủy sản lâu nay vẫn ì ạch đi tìm lời giải.
Do vậy, ANV được xem là điểm sáng khi là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành có chiến lược đầu tư bài bản cho con giống, hướng đến cả hai mục tiêu: hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Một cấu trúc thị trường đa dạng, hạn chế được ảnh hưởng của các yếu tố biến động địa chính trị tại một số khu vực là lợi thế tại ANV.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp