Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thuỷ sản An Giang kinh doanh thua lỗ và ngập ngụa trong nợ nần

Thị trường 24h

20/06/2018 04:47

Nợ phải trả của AGF chiếm 69,3% nguồn vốn, với 65,4% tổng nợ là các khoản vay ngắn hạn. Trong đó, vay ngoại tệ chiếm phần lớn với 18,79 triệu USD.

Bị phạt gần 160 triệu đồng

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF).

Theo đó, AGF bị phạt tiền 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn đối với hàng loạt các tài liệu như báo cáo thường niên năm 2016, báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2017, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, công văn số 05CV/CPTS ngày 30/1/2018 về giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế trước và sau kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo tài chính quý năm 2018, báo cáo thường niên năm 2017.

Thuỷ sản An Giang kinh doanh thua lỗ và ngập ngụa trong nợ nần

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn xét xét tình tiết tăng nặng bởi AGF đã vi phạm hành chính nhiều lần về công bố thông tin.

Ngoài ra, AGF còn phải chịu phạt thêm 85 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch. Cụ thể, ngày 23/10/2017, AGF công bố báo cáo tài chính quý IV niên độ tài chính 1/10/2016-30/9/2017 ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lũy kế là 4,12 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/9/2017 là 99,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 17/1/2018, AGF công bố báo cáo tài chính kiểm toán niên độ 1/10/2016-30/9/2017 do Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam là đơn vị kiểm toán, ghi nhận lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp tới 187,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/9/2017 là âm 92,3 tỷ đồng. 

Như vậy, báo cáo tài chính quý 4 niên độ tài chính 1/10/2016-30/9/2017 và báo cáo tài chính kiểm toán niên độ 1/10/2016-30/9/2017 của AGF có sai lệch về số liệu của nhiều chỉ tiêu trước và sau kiểm toán, gồm lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, doanh thu bán hàng, giá vốn hàng bán, chi phí quản lý doanh nghiệp.

Để khắc phục hậu quả, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã buộc cải chính thông tin đối với nội dung mà AGF đã công bố sai lệch.

Nợ nần chồng chất

Trước đó, sau 2 lần bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở, ngày 29/2/2018 AGF đã công bố báo cáo tài chính quý I niên độ 2017-2018, từ 1/10/2017-30/9/2018. Trái với kỳ vọng sẽ có sự cải thiện sau khi đã lỗ 187 tỷ đồng trong niên độ tài chính trước đó, kết quả kinh doanh quý I của AGF vẫn gây thất vọng cho nhà đầu tư khi tiếp tục báo lỗ gần 100 tỷ đồng. 

Cụ thể trong quý đầu niên độ, dù xuất khẩu cá vẫn là mảng chủ đạo khi đạt giá trị 348,4 tỷ đồng, chiếm 69% tổng doanh thu và tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận gộp của AGF vẫn chưa thể cải thiện vì tốc độ giảm của giá vốn (9,9%) chậm hơn doanh thu (24,6%). 

Ngoài ra, doanh thu tại các mảng tiêu thụ nội địa như bán cá, phụ phẩm, thức ăn chăn nuôi, cá nguyên liệu… đều giảm, khiến tổng doanh thu nội địa chỉ còn 157,2 tỷ đồng, giảm 52,8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận tại các mảng này cũng không đáng kể khi giá vốn hầu hết đều bằng doanh thu.

Kết quả, do giá vốn cao hơn doanh thu, đạt tương ứng 661,1 tỷ đồng và 505,6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp trong kỳ của AGF bị âm 55,6 tỷ đồng, dẫn tới khoản lỗ 96,5 tỷ đồng, tương đương 34,3% vốn điều lệ, bất chấp các khoản chi phí về tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ.

Lối thoát nào cho AGF?
Lối thoát nào cho AGF?

Không chỉ ghi nhận lỗ, báo cáo tài chính của AGF còn cho thấy những vấn đề đáng lo ngại trong cơ cấu tài sản và nguồn vốn, mà nổi cộm là các khoản phải thu và tồn kho.

Cụ thể, tính đến 31/12/2017, khoản phải thu là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của AGF với tỷ trọng 51,5%, song chất lượng các khoản này đang bị đặt dấu hỏi khi tại thời điểm cuối quý I, AGF đã phải trích lập dự phòng 159,6 tỷ đồng, tương đương 16,5% giá trị.

Trong niên độ 2016-2017, việc phải trích lập các khoản phải thu thêm 82,6 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4,8 lần, đẩy lỗ sau thuế lên đến 187 tỷ đồng.

Trong khi đó, với đặc thù các mặt hàng thủy sản có thời gian tồn kho ngắn, dễ hư hỏng, việc tồn kho chiếm 21,4% tổng tài sản còn khiến AGF đối mặt với rủi ro chi phí lưu kho tăng cao. Trong niên độ 2016-2017, chi phí lưu kho của AGF là 42,9 tỷ đồng, tăng 48,4% so với 2016 và chiếm 34,5% chi phí bán hàng. 

Về cơ cấu tài chính, việc thua lỗ tổng cộng 284 tỷ đồng trong niên độ 2016-2017 và quý đầu năm niên độ mới đã khiến vốn chủ sở hữu của AGF sụt giảm nghiêm trọng, cơ cấu vốn nghiêng hẳn về phía nợ.

Tính đến 31/12/2017, nợ phải trả của AGF chiếm 69,3% nguồn vốn, với 65,4% tổng nợ là các khoản vay ngắn hạn. Trong đó, vay ngoại tệ chiếm phần lớn với 18,79 triệu USD, tương đương 427,4 tỷ đồng và vay nội tệ 313,8 tỷ đồng.

Trên HOSE, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/6, AGF giảm sàn 6,8% xuống mức 4.110 đồng/cổ phiếu. Thời gian gần đây, AGF giao dịch rất trầm lắng khi 10 phiên qua chỉ có 1.823 cổ phiếu được khớp lệnh.

Vốn hoá của AGF trên thị trường chứng khoán cũng chỉ còn khoảng 115 tỷ đồng, dù công ty này niêm yết tới 28.109.743 cổ phiếu. AGF cũng là cổ phiếu chưa được giao dịch ký quỹ theo thông báo số 502.TB-SGDHCM ngày 4/4/2018 của HOSE, vì bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement