22/09/2020 07:41
Thương vụ TikTok – Điểm cộng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump
Mặc dù Mỹ đã đạt được thỏa thuận về thương vụ mua lại TikTok, song các nhà phân tích nhận định không chỉ riêng TikTok mà hiện vẫn còn rất nhiều ứng dụng khác đang lọt vào tầm ngắm của Washington.
Một ngày trước khi lệnh cấm sử dụng ứng dụng chia sẻ video TikTok có hiệu lực, Tập đoàn ByteDance của Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận sơ bộ bán cổ phần TikTok cho các công ty Mỹ là Hãng Oracle và Tập đoàn Walmart, đồng thời chấp nhận để phần lớn hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và chuyên gia an ninh trong ban lãnh đạo của công ty quản lý độc lập sang cho người Mỹ kiểm soát. Thỏa thuận này được xem là một lợi thế giúp Tổng thống Trump ghi điểm trong mắt cử tri.
Gây sức ép tối đa
Ứng dụng TikTok thuộc quản lý của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ứng dụng này hiện có khoảng 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Ứng dụng đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi.
Nền tảng này cho phép người dùng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút. Kể từ khi ra mắt năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần, trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới.
Chính bởi TikTok là “gà đẻ trứng vàng” nên ứng dụng này đã bị lọt vào tầm ngắm của chính quyền Tổng thống Trump, tiếp sau các tập đoàn lớn khác của Trung Quốc như Huawei, ZTE, Hikvision…
Văn phòng TikTok tại thành phố Culver, Los Angeles, Mỹ, ngày 21/8/2020. Ảnh: Getty. |
Vào ngày 15/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump viện dẫn lý do “an ninh quốc gia” đã yêu cầu công ty ByteDance trong vòng 90 ngày phải chuyển nhượng các hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Đồng thời, ông Trump cũng đưa ra một lệnh hành pháp nêu rõ mọi thỏa thuận mua bán với ByteDance nếu không đạt được vào ngày 20/9 thì TikTok sẽ phải dừng mọi hoạt động tại Mỹ.
Tổng thống Trump gọi TikTok và WeChat là những "mối đe dọa nghiêm trọng" và khẳng định ứng dụng TikTok được sử dụng cho các chiến dịch thông tin sai lệch có lợi cho Trung Quốc và Mỹ phải có hành động tích cực chống lại công ty sở hữu TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia.
Theo giới phân tích, bên cạnh lý do an ninh quốc gia, hay mục tiêu mua lại TikTok để mang lại khoản lợi nhuận lớn cho ngân sách Mỹ, thì dường như TikTok đang là “cái cớ” để chính quyền Washington tiếp tục đi tới cùng trong việc loại bỏ “mối đe dọa” Trung Quốc đối với các lợi ích và vị thế của Mỹ trên thế giới.
Vị trí thống trị của các tập đoàn công nghệ Mỹ trên thế giới rõ ràng đang bị đe dọa bởi các tập đoàn công nghệ Trung Quốc ngày càng tỏ ra giỏi nắm bắt các xu thế thời thượng để bứt lên.
Chính bởi vậy, việc bất cứ nền tảng công nghệ hay truyền thông nổi tiếng nào của Trung Quốc cũng đều trở thành “cái gai” trong mắt Washington.
Người Mỹ đã kiểm soát được TikTok
Ban đầu, khi yêu cầu TikTok phải chuyển nhượng ở Mỹ, Tổng thống Trump đã tuyên bố ủng hộ Microsoft là tập đoàn sẽ thực hiện thương vụ mua lại ứng dụng TikTok của ByteDance.
Tuy nhiên, trong quá trình thương thuyết sau đó, công ty ByteDance của Trung Quốc đã từ chối nhượng lại hoạt động tại thị trường Mỹ cho Microsoft.
Ngày 14/9, ByteDance-công ty mẹ của nền tảng xã hội TikTok-đã đề xuất với chính phủ Mỹ về việc để tập đoàn Oracle Corp. tham gia vận hành ứng dụng chia sẻ video TikTok tại thị trường Mỹ.
TikTok Global có thể sẽ đặt trụ sở chính tại Texas và có kế hoạch thuê ít nhất 25.000 người, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng. Ảnh: Agence France-Presse. |
Đến ngày 19/9, Tổng thống Trump tuyên bố ủng hộ về mặt ý tưởng thỏa thuận giữa hai công ty Mỹ gồm Oracle và Walmart với tập đoàn ByteDance Ltd. của Trung Quốc, và mô tả đây là thương vụ lớn “tuyệt vời”.
Theo thỏa thuận, ByteDance sẽ cùng với Hãng Oracle và Tập đoàn Walmart của Mỹ thành lập công ty mới có tên là TikTok Global, đảm nhận các hoạt động của TikTok tại Mỹ và một số nước khác.
Oracle và Walmart lần lượt nắm giữ 12,5% và 7,5% cổ phần của TikTok Global. Oracle sẽ đóng vai trò là đối tác công nghệ, còn Walmart đóng vai trò là đối tác thương mại của TikTok.
Như vậy, cộng với các nhà đầu tư hiện hữu khác trong ByteDance, người Mỹ sẽ nắm giữ trực tiếp và gián tiếp 53% cổ phần của công ty mới.
Các nhà đầu tư Trung Quốc, mà chủ yếu là nhà sáng lập ByteDance Trương Nhất Minh và các nhân viên, giữ 36% cổ phần của TikTok Global, trong khi các nhà đầu tư khác mà đa số từ châu Âu trong ByteDance nắm giữ 11% cổ phần còn lại.
Tính chung, ngoài 2 cổ đông mới là Tập đoàn công nghệ Oracle và chuỗi siêu thị bán lẻ Walmart, ByteDance vẫn nắm giữ 80% cổ phần của TikTok Global, nhưng các nhà đầu tư Mỹ lại chiếm 40% cổ phần của ByteDance.
Biểu tượng công ty Oracle tại văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/9/2020. Ảnh: AFP/Getty Images. |
Ðáng chú ý, có 4/5 ghế hội đồng quản trị của TikTok Global sẽ do người Mỹ nắm giữ. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Trump thông báo: “Công ty mới sẽ hoàn toàn do Oracle và Walmart kiểm soát, toàn bộ quyền điều hành thuộc về Oracle và Walmart. An ninh sẽ được đảm bảo 100%. Ðó là thương vụ lớn cho nước Mỹ”.
Các công ty ByteDance, Oracle và Walmart sau đó cũng đã xác nhận thông tin trên. Oracle cho biết tập đoàn này sẽ là nhà cung cấp công nghệ điện toán đám mây tin cậy cho TikTok Global, qua đó giúp người sử dụng TikTok tại Mỹ được đảo đảm dữ liệu cá nhân.
Nữ Giám đốc điều hành (CEO) của Oracle, Safra Catz, nhấn mạnh “Oracle sẽ triển khai nhanh và đưa vào vận hành hệ thống của TikTok trên nền đám mây Oracle. Chúng tôi có lòng tin 100% vào khả năng đảm bảo môi trường an ninh cao cho TikTok và bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người sử dụng Mỹ và trên toàn cầu”.
Theo đánh giá của báo New York Times, thương vụ trên là thắng lợi của Oracle, tập đoàn đồng minh có quan hệ gần gũi với chính quyền Tổng thống Trump.
Tập đoàn này từng sát cánh và ủng hộ các sáng kiến quốc sách của chính quyền Trump, đồng thời đóng góp hơn 150.000USD cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump.
Thương vụ này đặc biệt đã giúp Tổng thống Trump ghi điểm trong mắt cử tri Mỹ bởi TikTok hiện có khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ và rất được giới trẻ ưa thích.
Bên cạnh đó, thương vụ trên cũng được nhận định không đơn thuần chỉ là vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia (nhờ dữ liệu của TikTok được lưu trữ ở Mỹ) mà còn là cơ hội kinh tế và việc làm, bởi công ty TikTok Global sẽ đặt trụ sở tại bang Texas và cam kết tuyển dụng ít nhất 25.000 lao động tại Mỹ, so với con số khoảng 1.500 việc làm hiện nay.
Ðể so sánh, chúng ta có thể thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay là Facebook đã sử dụng khoảng 45.000 lao động tại Mỹ trong năm 2019, còn Twitter thì chỉ sử dụng 4.900 lao động.
Với những tiến bộ đạt được trên, Bộ Thương mại Mỹ ngày 20/9 cũng đã thông báo quyết định hoãn ít nhất tới ngày 27/9 lệnh cấm tải ứng dụng TikTok tại Mỹ để các bên chốt lại thỏa thuận cuối cùng.
Người phát ngôn của TikTok bày tỏ hy vọng thỏa thuận 3 bên sẽ giúp “giải quyết những lo ngại của chính quyền Mỹ về an ninh quốc gia và hóa giải những nghi ngờ về tương lai của TikTok tại Mỹ”.
Nhưng căng thẳng vẫn còn
Mặc dù Mỹ đã đạt được thỏa thuận về thương vụ mua lại TikTok, song các nhà phân tích nhận định không chỉ riêng TikTok mà hiện vẫn còn rất nhiều ứng dụng khác đang lọt vào tầm ngắm của Washington, như mạng xã hội WeChat của Tencent.
Việc Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh ngày 6/8 cấm mọi cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent (chủ sở hữu WeChat) chính là bằng chứng cho thấy, bất cứ nền tảng công nghệ hay truyền thông nào nổi tiếng của Trung Quốc cũng đang trở thành “cái gai” trong mắt Washington.
WeChat là một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến và toàn diện của Trung Quốc. Năm 2018, mạng xã hội này đã vượt qua 1 tỷ người dùng trên thế giới.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian qua đã tăng cường các nỗ lực nhằm xóa các ứng dụng được Washington cho là “không đáng tin cậy” của Trung Quốc khỏi kho ứng dụng của các công ty phát triển và sản xuất điện thoại di động của Mỹ.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Mỹ đang mở rộng chương trình “Mạng lưới sạch” nhằm vào các ứng dụng dành cho điện thoại di động và các dịch vụ điện toán đám mây của Trung Quốc mà Washington cáo buộc là "rủi ro an ninh" đối với Mỹ.
Theo ông Pompeo, các ứng dụng có công ty mẹ tại Trung Quốc như TikTok, WeChat và một số ứng dụng khác của Trung Quốc là "mối đe dọa lớn" đối với dữ liệu cá nhân của người Mỹ.
Đồng thời, Washington cũng đang hành động để ngăn các thiết bị không dây và điện thoại của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei, thực hiện việc cài đặt sẵn hoặc để chế độ sẵn sàng tải các ứng dụng do Mỹ sản xuất.
Theo dữ liệu từ Sensor Tower, một công ty phân tích dữ liệu ứng dụng di động của Mỹ, ngoài TikTok, các phần mềm ứng dụng của Trung Quốc được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ trong năm qua còn có Bigo và Likee của tập đoàn Thời đại Đoàn Tụ. Lựa chọn đầu tiên cho kế hoạch mở rộng toàn cầu của Likee trong năm nay cũng là Mỹ.
Đó cũng lý do khiến Bắc Kinh trong thời gian qua liên tục chỉ trích Washington đang “chính trị hóa” các vấn đề thương mại.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, hành vi của Mỹ đi ngược lại các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, không phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo các nhà phân tích, thương vụ TikTok đối với Mỹ chính là một bước đi nhằm đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu khác nhau trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Nhưng dù vì bảo đảm an ninh, lợi ích kinh tế hay gì đi nữa thì cuộc chiến về công nghệ, một mặt trận khác của cuộc đọ sức Mỹ-Trung, chắc chắn sẽ còn dai dẳng. Kèm theo đó là những tổn thất được dự báo đến với cả hai bên.
Thực tế ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc thời gian qua đã phải nỗ lực để tồn tại dưới sự đe dọa của các sắc lệnh cấm của chính quyền Mỹ. Sự trừng phạt của Mỹ cũng khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài suy nghĩ lại trước khi đặt quan hệ đối tác với các công ty Trung Quốc.
Bắc Kinh đã đầu tư đáng kể về chính trị cũng như kinh tế để nuôi dưỡng các nhà vô địch công nghệ thế giới của họ, nhưng Washington giờ đây đang dùng uy thế của mình trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng Internet và hệ thống điều hành để ngăn chặn toan tính của Trung Quốc.
“Ngón đòn” này của chính quyền Mỹ nhắm vào các công ty công nghệ của Trung Quốc khiến Trung Quốc phải nỗ lực chống chọi.
Còn với Mỹ, các lệnh cấm cũng có thể ảnh hưởng đến các công ty nước ngoài tại Mỹ, mà Nhật Bản là một ví dụ, buộc các công ty này phải xem xét chuyển đổi để tránh sử dụng các sản phẩm từ các công ty Trung Quốc. Theo thống kê, hiện chính phủ Mỹ đang có quan hệ hợp tác với hơn 800 doanh nghiệp Nhật Bản.
Thêm nữa, các lệnh cấm sử dụng các ứng dụng internet của Trung Quốc cũng có thể cắt nguồn thu nhập đến từ quảng cáo của các nhãn hiệu Mỹ muốn vươn đến người tiêu dùng ở Trung Quốc.
Bởi vậy, người dân và doanh nghiệp hai nước chính là những đối tượng gánh chịu cái giá của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung một cách rõ rệt.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp