07/02/2017 11:38
Thương vụ ít biết giữa hai đại gia họ Trần
Họ cùng mang họ Trần, cùng là những thế lực thực sự trong giới doanh nhân Việt.
Một người tuổi Tý (sinh năm 1960), người kia tuổi Tuất (sinh năm 1970); Một người lập nghiệp trong nước, một người trở về từ Séc; Một người cởi mở, người kia kín đáo – nếu không muốn nói là chưa từng xuất hiện trước truyền thông. Họ từng là (hoặc có thể vẫn là) một cặp bài trùng trong các thương vụ đình đám.
Họ là Trần Bá Dương – Chủ tịch kiêm người sáng nghiệp CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) và Trần Đăng Khoa – Người sáng lập và sở hữu 67% CTCP Đầu tư Mai Linh (Mai Linh), chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản quy mô.
Người đầu tiên là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng nghiệp Thaco. (Ảnh: Internet) |
Hạnh ngộ
Thị trường bắt đầu biết đến sự hợp tác của hai ông Dương – Khoa từ năm 2011, khi Mai Linh và Thaco bắt tay lập nên CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh - chủ đầu tư của dự án khu đô thị Sala Thủ Thiêm, cũng như 4 dự án tuyến đường vào trung tâm dự án Thủ Thiêm theo hình thức BT. Tại công ty có vốn điều lệ 4.200 tỷ này, ông Khoa đứng đầu HĐQT với vị trí Chủ tịch, còn ông Dương đứng đầu Ban điều hành với cương vị Tổng Giám đốc.
Có lẽ ít người biết ông Trần Đăng Khoa cũng giữ một vai trò đáng kể tại Thaco. Tuy nhiên, không phải trực tiếp mà thông qua Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoàng Cường (Hoàng Cường), doanh nghiệp do ông và vợ là bà Nguyễn Thị Minh Hồng thành lập và chi phối 98% vốn.
Tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 mà Thaco cung cấp cho thấy, cập nhật đến ngày 31/3/2016, tỷ lệ sở hữu của Hoàng Cường tại Thaco là 21,59%, qua đó trở thành một trong 3 cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp có vốn điều lệ 4.145 tỷ đồng này, sau Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Trân Oanh (38,99%) và cổ đông đến từ Singapore là Jardine Cycle & Carriage Limited (25,10%).
Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoàng Cường, do bà Nguyễn Thị Minh Hồng – vợ ông Trần Đăng Khoa làm người đại diện, là nhà đầu tư duy nhất tham gia các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ của Thaco suốt từ 2014. |
Theo tìm hiểu của VietTimes, Hoàng Cường bắt đầu xuất hiện trong cơ cấu cổ đông Thaco kể từ ngày 19/5/2014, sau khi đã bỏ ra 660 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 27,5 triệu cổ phần Thaco (THA) theo hình thức phát hành riêng lẻ. Mức giá chào bán trong thương vụ này là 24.000 đồng/cổ phiếu – khá rẻ nếu so sánh với thị giá hiện nay của cổ phiếu THA trên OTC (khoảng 150.000 đồng/cổ phiếu).
Kế đó, tháng 4/2015, Thaco lại tiếp tục phát hành riêng lẻ 32 triệu cổ phiếu THA và chào bán toàn bộ cho Hoàng Cường với giá 32.000 đồng/cổ phiếu. Đợt phát hành diễn ra thành công và kết thúc vào ngày 20/4/2015.
Chưa dừng lại, ngay trước thềm Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, ngày 21/3/2016, Thaco tiếp tục phát hành riêng lẻ thêm 30 triệu cổ phần khác, nhà đầu tư được lựa chọn vẫn là Hoàng Cường. Với giá chào bán không thấp hơn 45.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến Hoàng Cường đã đầu tư tối thiểu 1.350 tỷ đồng cho thương vụ.
Rất khó để tìm thấy một bức ảnh khác của đại gia kín tiếng Trần Đăng Khoa. (Ảnh: Internet) |
Như vậy, trong thời gian chưa đầy 2 năm, ông Trần Đăng Khoa đã liên tiếp đầu tư khoảng 3.034 tỷ đồng để sở hữu 89,5 triệu cổ phần (21,59% VĐL) tại doanh nghiệp con cưng của ông Trần Bá Dương. Đây đích thị là cái bắt tay nghìn tỷ khác - nhưng kín đáo hơn nhiều - sau thương vụ nổi đình nổi đám trên bán đảo Thủ Thiêm, giữa hai đại gia họ Trần.
Người ta vẫn nói, Đại Quang Minh là chuyến phiêu lưu của “vua ô tô” Trần Bá Dương sang một địa hạt kinh doanh hoàn toàn mới, đó là bất động sản. Vậy thì, ở hướng ngược lại, thương vụ thâu tóm cổ phần Thaco cũng sẽ là một cuộc phưu lưu mới lạ trong lĩnh vực công nghiệp xe hơi của đại gia địa ốc Trần Đăng Khoa?
Chưa hẳn vậy…
Thương vụ lạ
Theo Thông báo giao dịch gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 30/11/2016, Công ty TNHH Sản Xuất & Thương mại Trân Oanh (Cty Trân Oanh) đăng ký sẽ mua thêm 32 triệu cổ phiếu THA, để nâng tỷ lệ sở hữu tại Thaco từ 45,62% lên mức 53,34%.
Thời gian dự kiến thực hiện là từ ngày 5 - 30/12/2016, phương thức giao dịch được áp dụng là thỏa thuận.
Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng cuối năm 2016 mà CTCP Ô tô Trường Hải công bố sau này cho thấy, giao dịch trên đã diễn ra suôn sẻ. Tính đến cuối năm 2016, Cty Trân Oanh đã sở hữu đủ 221.110.099 cổ phần THA, tương ứng với 53,34% vốn điều lệ. Báo cáo còn cho biết, trong nửa cuối 2016, Cty Trân Oanh đã mua vào tổng cộng 59,5 triệu cổ phiếu THA.
Nhấn mạnh rằng, Cty Trân Oanh là doanh nghiệp có sở hữu của vợ chồng ông Trần Bá Dương, và do vợ ông Dương, là bà Viên Diệu Hoa đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc. Khá thú vị, Trân – Oanh cũng là tên hai cô con gái đầu lòng của vợ chồng ông Dương (con trai út mang tên Trường Hải). |
Có một chi tiết cần được làm rõ là Cty Trân Oanh đã nhận chuyển nhượng 59,5 triệu cổ phiếu THA từ đâu? Thông báo giao dịch mà Trân Oanh gửi lên UBCKNN không công khai nội dung này.
Như đã đề cập, cơ cấu sở hữu tại Thaco rất cô đặc. Cập nhật tại 31/2/2016, 98% cổ phần công ty được sở hữu bởi 5 cổ đông lớn là: Cty Trân Oanh (38,99%); Jardine Cycle & Carriage Limited (25,10%); Hoàng Cường (21,59%); Trần Bá Dương (6,76%); Viên Diệu Hoa (4,97%).
Ắt hẳn 59,5 triệu cổ phiếu THA mà Trân Oanh mua thêm sẽ đến từ 4 cái tên còn lại. Trong số này, theo báo cáo quản trị, tỷ lệ sở hữu của Jardine Cycle & Carriage Limited và ông Trần Bá Dương tại Thaco không có biến động trong năm 2016 (cả 2 cổ đông này đều phải báo cáo giao dịch vì thuộc diện cổ đông nội bộ và người có liên quan của cổ đông nội bộ); Còn tỷ lệ sở hữu của bà Viên Diệu Hoa – tuy có thay đổi – nhưng lại là theo hướng mua thêm, chứ không phải bán ra.
Như vậy, 59,5 triệu cổ phiếu THA mà Cty Trân Oanh mua thêm sẽ được nhượng lại từ Hoàng Cường?
Vừa hay, con số 59,5 triệu cổ phiếu cũng vừa bằng khối lượng cổ phiếu mà Hoàng Cường đã nhận từ phát hành riêng lẻ từ Thaco trong hai đợt: Tháng 5/2014 (27,5 triệu cổ phiếu) và tháng 4/2015 (32 triệu cổ phiếu). Hợp lý hơn khi cả hai lô cổ phiếu này đều đã hết thời gian hạn chế chuyển nhượng (1 năm kể từ ngày hoàn tất phát hành).
Sẽ không có gì bất ngờ nếu trong thời gian tới, sau khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng, 30 triệu cổ phiếu THA mà Thaco phát hành cho Hoàng Cường vào tháng 3/2016 sẽ lại được sang tay cho Cty Trân Oanh.
Đại gia Khoa "khàn" và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoàng Cường toan tính gì trong thương vụ đầu tư ở Thaco? (Ảnh: Internet). |
Đến đây, sẽ có người đặt dấu hỏi về mục đích đầu tư cổ phiếu THA của Hoàng Cường (hay xa hơn là đại gia Trần Anh Khoa), cũng như các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ mà Thaco đã tiến hành.
Hoàng Cường đã chuyển nhượng cổ phiếu THA cho Trân Oanh với giá bao nhiêu và kiếm được gì từ thương vụ?
Có lẽ cần phải nhắc lại rằng, giá chào bán cổ phiếu THA mà Hoàng Cường đã nhận trong các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ (từ 24.000 – 45.000 đồng/cổ phiếu) là rất rẻ, nếu so sánh với diễn biến thị giá của cổ phiếu THA giai đoạn cuối năm 2016 trên OTC (thường xuyên ở mức trên 100.000 đồng, thậm chí lên đến 150.000 đồng/cổ phiếu). Trong khi, tại các lần phát hành, 4 cổ đông lớn của Thaco là Cty Trân Oanh, Jardine Cycle & Carriage Limited, ông Trần Bá Dương, bà Viên Diệu Hoa đều đồng ý không tham gia.
Còn một chi tiết khá lạ khác, đó là dù đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ - hơn 3.000 tỷ đồng, nắm giữ 21,59% cổ phần và sắm vai là một trong 3 cổ đông lớn nhất nhưng suốt từ khi bỏ vốn vào Thaco, chưa khi nào thấy ông Trần Đăng Khoa, bà Nguyễn Thị Minh Hồng hay lãnh đạo nào khác của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoàng Cường trong cơ cấu Hội đồng quản trị hay cơ quan lãnh đạo cấp cao của Thaco (!).
Chia phôi...
Không chỉ là vụ sang nhượng cổ phiếu THA, cái bắt tay tại Thủ Thiêm của hai đại gia họ Trần cũng đang có vẻ lỏng dần.
Theo thông báo mới đây của Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 29/6/2016, CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (Đại Quang Minh) đã được cấp thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với thay đổi quan trọng liên quan đến cổ đông sáng lập.
Theo đó, tỷ lệ sở hữu của Thaco tại Đại Quang Minh đã được điều chỉnh tăng từ 45% lên 90%. Trong khi, ở hướng ngược lại, tỷ lệ sở hữu của ông Trần Đăng Khoa và doanh nghiệp thân hữu của mình là CTCP Đầu tư Mai Linh đã bị thu hẹp nghiêm trọng.
Cụ thể, CTCP Đầu tư Mai Linh đã thoái hết 37,5% vốn còn ông Khoa giảm tỷ lệ sở hữu từ 17,5% xuống còn 5%.
Song song với đó, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT của ông Trần Đăng Khoa tại DN có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng – chủ đầu tư của dự án bất động sản và BT hạ tầng đình đám ở bán đảo Thủ Thiêm – đã được chuyển giao cho ông chủ Thaco, Trần Bá Dương. Tương tự, từ ngày 4/7/2016, ông Dương cũng chính thức trở thành người đại diện theo pháp luật của Đại Quang Minh.
Thực tế, đây không phải là dự án có yếu tố hợp tác công – tư (BT) đầu tiên mà vợ chồng đại gia Khoa “khàn” (biệt danh của ông Trần Đăng Khoa) lao tâm khổ tứ “đấu” về rồi lại cam tâm nhượng lại cho người khác.
Còn nhớ, giữa năm 2013, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã Quyết định số 3157 chấp thuận thông qua Đề xuất Dự án khu công viên – hồ điều hòa phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch theo hình thức đầu tư BT. Dự án được giao cho nhà đầu tư là CTCP Bất động sản Hồng Ngân – một thành viên thuộc Tập đoàn Hồng Ngân do bà Nguyễn Thị Minh Hồng, vợ ông Trần Đăng Khoa điều hành.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 975 tỷ đồng, quy mô diện tích 151.569m2. Trong đó, tiền xây dựng là 265,7 tỷ, chi phí bồi thường tạm tính 433,8 tỷ, tư vấn hơn 11,4 tỷ,…và những chi phí khác.
Dự án đối ứng của công trình BT nêu trên là Dự án Khu đô thị Thành phố Xanh tại thị trấn Cầu Diễn, có diện tích hơn 17,6ha, dự kiến quy mô dân số đạt 8.760 người và mật độ xây dựng là 25,5%, với vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.500 tỷ đồng.
Đầu năm 2014, dự án chính thức nhận được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, tiền đề quan trọng của để triển khai trên thực tế. Nhưng đáng nói ở chỗ, ít tháng sau đó, doanh nghiệp dự án là CTCP Bất động sản Hồng Ngân bất ngờ “đổi chủ”.
Theo đó, ngày 10/9/2014, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (thành viên của Vingroup) đã bỏ ra 2.316 tỷ đồng để mua lại 128,6 triệu cổ phần (98,99% VĐL) Cty Bất động sản Hồng Ngân, để trở thành chủ sở hữu mới của dự án BT “khủng” phía Tây thủ đô.
Tất nhiên, với mức giá chuyển nhượng lên tới 18.000 đồng cho một cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng của CTCP Bất động sản Hồng Ngân, vợ chồng đại gia Khoa “khàn” cũng không đến nỗi thiệt thòi.
Vậy với trường hợp của Đại Quang Minh, sau cuộc chuyển nhượng cổ phần cho công ty của ông Trần Bá Dương, ông Trần Đăng Khoa đã thu được những gì?
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp