09/05/2021 15:09
Thương vụ bán FE Credit và tham vọng lớn của VPBank
Dự kiến tăng vốn "phi mã" lên 75 nghìn tỷ đồng vào 2022 từ nguồn bán 50% vốn và các kênh khác, VPBank cho thấy sự khôn ngoan phía sau việc nâng hệ số CAR lên trên 20%.
Thương vụ "khủng" Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC thu về 1,4 tỷ USD và 1% cho Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dần khép lại. VPBank cho thấy đã khôn ngoan khi hệ số CAR và quy mô tín dụng được mở thênh thang...
Định giá cao hơn gần 40% so với thị trường
Theo số liệu tài chính năm 2020 và dư nợ tại cuối quý I/2021 của VPBank, FiinGroup – Công ty chuyên cung cấp dữ liệu tài chính và phân tích thị trường nhận định rằng, FE Credit được định giá P/B (giá trên giá trị sổ sách) ở mức 3,4 lần khi bán 49% cổ phần cho SMBC; P/E (giá trên thu nhập) 22 lần và định giá dựa trên dư nợ ở mức 0,9 lần.
Như vậy, nếu so sánh bốn thương vụ chuyển nhượng cổ phần của các công ty tài chính Việt Nam cho đối tác ngoại 5 năm qua, FE Credit được định giá cao hơn 39,7% so với mức bình quân thị trường.
Tuy nhiên, con số này được FiinGroup cho là "xứng đáng" vì FE Credit có thị phần lớn nhất trong khối các công ty tài chính tiêu dùng, chiếm gần 50% thị phần cho vay.
Hơn nữa, dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khiến doanh thu và lợi nhuận giảm , tỷ lệ nợ xấu tăng lên đáng kể nhưng tình hình tài chính của FE Credit về cơ bản vẫn ở mức cao hơn bình quân ngành, thể hiện rõ nhất ở NIM, nợ xấu, thanh khoản và các chỉ số lợi nhuận.
Ngoài ra, mức định giá này cũng cao hơn mặt bằng của các cổ phiếu ngân hàng ở Việt Nam hiện có, với bình quân P/B khoảng 1,79 lần và P/E xấp xỉ 16 lần.
Giới phân tích cho rằng, định giá cao bởi FE Credit là đơn vị đầu ngành và dư địa thị trường còn lớn hơn so với các ngân hàng truyền thống. Ngoài ra, điểm mấu chốt là các mô hình kinh doanh khác nhau mặc dù có thể cùng đối tượng khách hàng.
Nếu so sánh bốn thương vụ chuyển nhượng cổ phần của các công ty tài chính Việt Nam cho đối tác ngoại 5 năm qua, FE Credit được định giá cao hơn 39,7% so với mức bình quân thị trường.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng tiết lộ, khi bán vốn tại FE Credit, ngân hàng có hai phương án gồm IPO rồi niêm yết hoặc bán cho cổ đông chiến lược. Thậm chí, vị chủ tịch này còn khẳng định, nếu IPO thì định giá FE Credit còn lên tới 4 tỷ USD, nhưng ngân hàng vẫn quyết định bắt tay với SMBC để tận dụng cả kinh nghiệm của công ty này.
Cũng theo FiinGroup, về ngắn hạn, tiền chảy vào FE Credit khoảng 3.572 tỷ đồng (tương đương 154 triệu USD) do VPBank tăng vốn điều lệ FE Credit lên 10.900 tỷ đồng ngay trước giao dịch.
Còn phần lớn dòng tiền còn lại của giao dịch là 1,2 tỷ USD sẽ chảy vào túi VPBank. Trong đó, VPB sẽ hạch toán lợi nhuận từ giao dịch này ở mức tầm 1,14 tỷ USD, tức giao dịch thoái vốn này sẽ đóng góp khoảng 26.500 tỷ vào lợi nhuận ngân hàng trong năm 2021.
Mở rộng quy mô
Thương vụ bán vốn của FE Credit thu hút sự quan tâm của thị trường. Tại Đại hội đồng cổ đông, đã có cổ đông đặt câu hỏi rằng: sau khi bán “gà đẻ trứng vàng”, đâu sẽ là động lực tăng trưởng cho VPBank?
Trả lời cho băn khoăn này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết: việc bán cổ phần tại FE Credit không phải từ bỏ "gà đẻ trứng vàng", mà vẫn nắm giữ 50% vốn. Do đó, lợi nhuận của công ty này vẫn được hạch toán vào báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng.
Bổ sung thêm, ông Ngô Chí Dũng chia sẻ, việc hợp tác với SMBC có thể giúp ngân hàng tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ họ để tiếp tục phát triển FE Credit. Ngoài ra, nguồn tiền thu về từ thương vụ bán cổ phần sẽ giúp ngân hàng mẹ VPBank có thêm nguồn lực phát triển.
Về định hướng phát triển trong năm 2021 và các năm tiếp theo, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết VPBank sẽ dành 80% nguồn lực để phát triển hai phân khúc chiến lược, gồm khách hàng bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Nhìn nhận FE Credit sẽ đóng góp ra sao vào ngân hàng mẹ trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, chi phí hoạt động thấp hơn là yếu tố duy nhất góp phần tạo ra lợi nhuận khả quan trong quý I/2021 của FE Credit. Do ngân hàng quyết định không mở rộng hoạt động kinh doanh cho đến quý III/2021, tổng dư nợ đi ngang và thu nhập lãi ròng (NII) tiếp tục ở mức 4,4 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ.
NIM tiếp tục giảm xuống còn 26,9% (so với mức 30,1% trong quý 1/2020 và 27,3% trong quý 4/2020). Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động trước dự phòng (PPOP) có mức tăng trưởng 9% so với cùng kỳ do số lượng nhân viên giảm. Số lượng nhân viên trung bình tại FE Credit là khoảng 12.500 nhân viên trong quý 1/2021 (giảm 28% so với cùng kỳ từ 17.380 nhân viên). Do đó, chi phí hoạt động được kiểm soát ở mức 1 nghìn tỷ đồng ( giảm 28% so với cùng kỳ).
SSI cũng cho rằng, chi phí tín dụng của FE Credit dự kiến cao hơn vào cuối năm. Hiện tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 8,2% do 1,3 nghìn tỷ đồng (1,9% tổng dư nợ) được phân loại lại từ dư nợ tái cơ cấu sang nợ xấu.
"Trong năm 2021 hoặc 1-2 năm đầu, lợi nhuận thu được từ FE Credit có thể không tăng, nhưng dài hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng. FE Credit vẫn là một trong những bộ phận quan trọng của ngân hàng VPBank", ông Nguyễn Đức Vinh.
Tổng tài sản có vấn đề (bao gồm nợ nhóm 2, nợ xấu và dư nợ tái cơ cấu) tương đối ổn định ở mức 15,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 24% tổng dư nợ. Trong khi đó, chi phí dự phòng bao nợ xấu vẫn ở mức thấp là 1,8 nghìn tỷ đồng và chi phí tín dụng liên tục thấp hơn mức tỷ lệ nợ xấu mới hình thành kể từ quý II/2020.
“Chất lượng tín dụng của FE Credit có thể mất thêm thời gian để trở về mức bình thường. Do đó, chi phí tín dụng dự kiến sẽ cao hơn vào cuối năm nay”, nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định.
Vì các yếu tố trên, năm 2021, SSI ước tính FE Credit sẽ đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 4.400 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Và khoản tiền này sẽ tiếp tục được ghi nhận vào ngân hàng mẹ VPBank.
Ngoài ra, VPBank nhiều khả năng sẽ đàm phán lại hợp đồng bancassurance với hãng bảo hiểm AIA, từ đó giúp gia tăng thêm lợi nhuận cũng như vốn tự có.
Chưa dừng lại, VPBank còn đang đàm phán phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài. Kế hoạch này bắt đầu từ năm 2019 và có thể hoàn thành vào cuối năm nay.
Với việc vốn tự có sẽ tăng "phi mã", ngân hàng này dự kiến tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng trong năm 2022, từ mức 25.299 tỷ đồng thời điểm cuối quý 1/2021. Đây có thể là cơ sở giúp ngân hàng tăng trưởng trong quãng thời gian dài.
Khi vốn điều lệ tăng lên mức 75 nghìn tỷ đồng, đạt mức đỉnh của thị trường thì đầu tiên, hệ số CAR đang từ xấp xỉ 12% (hết 2020) sẽ được kéo lên trên 20% vào thời gian tới. Nhờ đó, ngân hàng có thể tiếp cận dần với chuẩn Basel 3.
Và đặc biệt, khi hệ số CAR nâng cao thì quy mô tín dụng sẽ được mở rộng thêm nữa, thoả mãn mục tiêu chiến lược đáp ứng nhu cầu vốn cho khối SME, trụ cột thu nhập của VPBank hiện nay. Chưa kể, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất hiện nay đang khá cao (quý 1/2021 là 3,46%/tổng dư nợ - mức cao của thị trường) sẽ được pha loãng.
Tuy nhiên, khi vốn điều lệ tăng thì cổ phiếu sẽ bị pha loãng và thu nhập trên cổ phiếu bị giảm, ban điều hành sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn trong việc tìm kiếm cơ hội bổ sung lợi nhuận để giữ hình ảnh đẹp cho các chỉ số.
“Chất lượng tín dụng của FE Credit có thể mất thêm thời gian để trở về mức bình thường. Do đó, chi phí tín dụng dự kiến sẽ cao hơn vào cuối năm nay”, nhóm nghiên cứu SSI nhận định.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp