04/08/2017 07:58
Thương cha mẹ bị cáo đâm con mình 28 nhát dao vì quan hệ đồng tính, mẹ bị hại xin bãi nại
Thấu cảm cho tấm lòng của cha mẹ bị cáo khóc nức nở vì thương con, nên người mẹ của thanh niên bị bạn đồng tính đâm đến chết bằng 28 nhát dao đã làm đơn bãi nại.
Ngày 3/8, Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án giết người do bị cáo N.P.A.K (17 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) thực hiện. Bị hại trong vụ án là anh N.A.V. Giữa K. và V. có quan hệ đồng tính từ lúc K. 13 tuổi.
Ngày 27/1/2017, tại phòng trọ V. đãđưa một điếu thuốc lá có chứa ma túycho K. sử dụng. Sau đó, K. đòi về nhà nhưng V. khôngđồng ý. Nghĩ V. ép mình quan hệ đồng tính, K. dùng dao và kéo đâm bạn tình 28 nhát.
Vụ án này đặc biệt ở chỗ, mẹ bị hại đã làm đơn bãi nại cho kẻ đã giết con mình, vì bà đồng cảm và quá thương cho cha mẹ bị cáo.
Từ đứa trẻ ngoan giỏi đến nghiện ma túy, quan hệ đồng tính
Tại tòa, anh N.V.T (cha bị cáo K.) cho biết, K. là một đứa con ngoan, từ năm học lớp 1 đến năm học lớp 7 em đều đạt học sinh giỏi. Anh và gia đình rất tự hào, đặt niềm tin rất nhiều ở con trai. Anh không ngờ rằng, ở tuổi 13 con trai lại trái ngược hoàn toàn.
K. hút chích ma túy, ham chơi, bỏ bê việc học và có quan hệ tình cảm với người đồng tính. Biết chuyện, anh rất buồn, tìm mọi cách khuyên can và đưa con đi cai nghiện ma túy. K. không nghe lời ba mẹ, cãi lại rồi cứ thế trượt dài trên con đường sai trái của mình.
Anh T. quyết định cho con nghỉ học, gửi con vào trung tâm cai nghiện ma túy. Nhưng chỉ được ba tháng, K. lại bỏ trốn tiếp tục sử dụng ma túy. Anh T. tìm cách gửi về quê, để con tránh xa môi trường xấu nhưng chẳng được.
“Tôi khuyên con rất nhiều mà thằng bé không nghe. Vợ chồng tôi buồn và khóc rất nhiều. Chúng tôi khóc vì giận, khóc vì thương và khóc để mong cho con hiểu mà tránh xa ma túy, tiếp tục đi học mà chẳng được. Hôm nay, đứng trước tòa, nhìn thằng con mình phải chịu hình phạt vì những gì mình gây ra, tôi đau vô cùng.”, người cha ấy vừa khóc, vừa nhìn con.
Mẹ bị hại cảm động vì nhìn thấy cha bị cáo khóc
Chị H.K.L (là mẹ bị hại) cho biết, chị chỉ có V. là con duy nhất. Mất con, chị rất đau buồn. “Nhận thi thể con, tôi thương nó lắm. Thương con bao nhiêu, tôi giận và hận thằng K. bấy nhiêu. Lúc đó tôi nghĩ, sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho kẻ đã giết con mình.
Nó ác quá. Nó dùng dao và kéo đâm con tôi đến 28 nhát. Một kẻ giết người mất nhân tính như vậy thì phải chịu hình phạt nặng của pháp luật. Dù nó có quỳ lạy, làm bao nhiêu việc thiện cũng không bao giờ nhận được sự tha thứ của tôi”, chị L. kể.
Cho đến khi chị gặp vợ chồng anh T. “Lần đầu, hai vợ chồng anh T. đến nhà tôi xin lỗi, tôi giận lắm. Làm sao tôi có thể tha thứ được khi con tôi nằm đó. Con người ta đi tù, nhưng nó vẫn còn đó. Còn tôi, chẳng bao giờ nhìn thấy con mình nữa. Nó mãi rời xa tôi rồi”, chị L nghẹn ngào kể.
Lần thứ hai, vợ chồng anh T. lại qua nhà để xin lỗi, chị L. vẫn không đồng ý. Cho đến khi, anh T. vừa khóc, vừa xin lỗi thì người mẹ ấy không cầm lòng được.
“Gia đình anh T. đã rất đau khổ vì con. Họ đã tìm mọi cách để mong thằng K. đừng hư nữa nhưng chẳng được. Họ đã khóc rất nhiều. Lúc đó, tôi hiểu, mình hãy tha thứ để được thanh thản”. Vì vậy chị L. đã làm đơn xin bãi nại cho K.
Ở tòa, chị nói với K. rằng: “Tôi tha thứ không phải vì bị cáo. Tôi rất giận về hành vi mà bị cáo giết con tôi. Tôi tha thứ là vì cha mẹ bị cáo. Họ cũng đau khổ như tôi. Bản thân họ cũng không muốn con mình như vậy”.
Vị chủ tọa“Sai ở đâu thì đứng lên ở đó”
Tòa hỏi: “Tại sao bị cáo cãi cha mẹ, mặc cha mẹ khuyên ngăn vẫn quyết đi dùng ma túy”. K. đáp: “Bị cáo rất hối hận. 6 tháng rồi, bị cáo không dùng ma túy, bị cáo thấy mình rất nhẹ nhàng và thấy có lỗi với cha mẹ, có lỗi gia đình bị hại. Cha mẹ ơi! Hãy tha lỗi cho con. Con xin lỗi gia đình cô chú (cha mẹ bị hại)”.
Vị chủ tọa nói: “Cái tội lớn nhất của bị cáo là làm cho cha mẹ hai bên rất đau lòng. Tôi cũng đang làm mẹ, tôi hiểu rất rõ nỗi đau mà cha mẹ bị cáo phải nhận khi nhìn thấy bị cáo như ngày hôm nay.
Trong tay tôi hiện đang có những cuốn sổ học bạ của bị cáo, nhìn vào tôi rất buồn. Bị cáo từng học rất giỏi, có hạnh kiểm tốt, từng làm cho ba mẹ tự hào. Đáng lẽ bây giờ bị cáo đang mặc chiếc áo học sinh, đến trường đi học chứ không phải đứng ở đây.
Bị cáo hãy quay sang nhìn cha mình đi. Một người đàn ông rất hiếm khi khóc, vậy mà ngày hôm nay cha bị cáo đã khóc vì con giữa chốn công đường. Bị cáo hãy nhìn mẹ bị hại đi. Bị cáo có đền bao nhiều tiền cũng không bù lấp được những vất vả, cực nhọc cho một người mẹ khi sinh con, chăm sóc con những lúc con ốm, con đau. Bây giờ thì mẹ bị hại đã mất con mãi mãi rồi.
Tôi mong rằng, bị cáo hãy giành thời gian ngồi tù để suy nghĩ lại tất cả những việc mình đã làm, đã sai ở đâu và phải sửa như thế nào. Và bị cáo nên nhớ, mình vấp ở đâu thì đứng lên ở đó, chứ đừng trượt dài trên con đường tội lỗi. Mẹ bị hại xin bãi nại cho bị cáo cũng chỉ mong có vậy. Và sau khi ra tù, hãy đến nhà bị hại để cảm ơn người ta”.
Sau khi xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, tòa tuyên K. 11 năm tù về tội giết người, đồng thời yêu cầu cha mẹ bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại tổng cộng 70 triệu đồng (gồm tiền mai táng phí, tiền tổn thất tinh thần).
Phiên tòa kết thúc, nhín cha bị cáo rối rít cảm ơn mẹ bị hai, vị chủ tọa nói: “Tôi mong rằng, vụ án này là bài học cho những người làm cha, làm mẹ hãy quan tâm, chia sẻ và hiểu con mình nhiều hơn. Làm cha, làm mẹ đừng nghĩ rằng, con mình ngoan, học giỏi mà yên tâm, không tìm hiểu xem bên ngoài con mình đang làm gì, quan hệ ra sao… Hãy quan tâm đến con nhiều hơn nữa”.
Advertisement
Advertisement