12/05/2017 08:34
Thuế nhập khẩu ô tô sắp về 0%, Thaco, Hyundai vẫn chi chục nghìn tỷ mở rộng sản xuất
Chỉ còn tính bằng tháng để thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN về mức 0%, tuy nhiên thời gian vừa qua, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), Tập đoàn Hyundai Thành Công đều mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp với vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, lên kế hoạch xuất ngược lại thị trường ASEAN.
Những dự án chục nghìn tỷ
Đầu tháng 3/2017, Thaco đã chính thức khởi công nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 4/2018.
Cũng trong tháng 3, Tập đoàn Thành Công chính thức ký kết thoả thuận hợp tác với Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc trong việc liên doanh, mở rộng sản xuất lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam. Theo đó, Thành Công Hyundai cũng cho biết về việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp tại nhà máy Ninh Bình vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 10.600 tỷ đồng.
Như vậy, 2 dự án với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng của Thaco và Hyundai Thành Công được xây dựng cùng với diễn biến của thị trường ô tô theo chiều ngược lại, đó là xe nguyên chiếc bắt đầu được nhập khẩu về nhiều và các công ty đang giảm, thu hẹp dần thậm chí “đánh tiếng” về việc có thể ngưng lắp ráp chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc khi thuế nhập khẩu giảm từ 30% trong năm nay về bằng 0% trong năm 2018.
Thống kê của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, 4 tháng đầu năm 2017, lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam đạt khoảng 35.000 xe, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong 4 tháng đầu năm 2016 lại giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi nguyên chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia trong khu vực ASEAN cụ thể như Thái Lan, Indonesia chiếm số lượng lớn. Trong tháng 4, Thái Lan là quốc gia dẫn đầu lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu với số lượng gần 2.000 xe, Indonesia đứng thứ 2 với 1.572 xe.
Mọi rủi ro đều có thể xảy ra, nhưng…
Thừa nhận trong kinh doanh mọi rủi ro đều có thể xảy ra nhưng theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công nếu phân tích cụ thể rủi ro sẽ được giảm thiểu, vấn đề còn lại giảm thiểu rủi ro chính là sự quyết liệt của các nhà chuyên môn.
“Trước bối cảnh 1/1/2018 đến rất gần các xe nhập khẩu từ ASEAN theo FTA đã ký thuế nhập khẩu về 0%, với việc này sẽ dẫn đến các xe của các thương hiệu được sản xuất ở ASEAN đưa về có cơ hội giảm trong khi thương hiệu chưa có trung tâm sản xuất ở ASEAN thì cần tích, tiếp tục cho thị trường Việt Nam và ASEAN hay bỏ thị trường. Rõ ràng câu chuyện này chúng ta đều nhận thấy đây là thị trường tiềm năng và càng thành điểm nhấn khi thị trường Thái Lan, Malaysia đã đến giai đoạn bão hoà nên các thương hiệu ô tô lớn đều có chiến lược dài hạn và ngắn hạn dành cho thị trường Việt Nam và ASEAN”, ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho biết, 2017 là thời điểm bản lề và Tập đoàn Thành Công xác định nếu không mở rộng đầu tư, sản xuất, Thành Công sẽ mất đi cơ hội ở thị trường Việt Nam. Vấn đề còn lại giảm thiểu rủi ro chính là sự quyết liệt, góc nhìn của nhà chuyên môn. “Không chỉ riêng Việt Nam, trên thế giới, công nghiệp ô tô chỉ phát triển khi có sự “ủng hộ” của Chính phủ. Ngay trong ASEAN, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia họ có công nghiệp ô tô trong nước là nhờ sự quản lý của Chính phủ, bảo hộ sản xuất trong nước”, ông Đức dẫn chứng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô ở các nước trên thế giới từ trước đến nay là bảo vệ thị trường hợp lý để được chuyển giao công nghệ và bắt đầu từ lắp ráp, qua đó phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện phụ tùng, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá cho sản phẩm ô tô.
“Với thị trường phát triển ổn định và gia tăng trong thời gian tới nhất là sau 2018 chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ gia tăng tỷ lệ nội địa hoá đặc biệt cho dòng xe con với mức phấn đấu 40% để có thể xuất khẩu ngược lại các nước trong khu vực ASEAN”, ông Dương cho hay.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp