Tương tự, anh Nguyên (ngụ TP.HCM) cũng cho biết, năm ngoái anh có thuê lại một căn nhà của người chủ cũ với giá 10 triệu đồng/tháng, hợp đồng trong 3 năm. Sau đó, sửa sang lại, mua sắm đồ nội thất, tổng cộng hết khoảng 150 triệu đồng.
“Sau khi thiết kế, cải tạo các căn phòng, tôi chụp hình và đăng tải trên các website chào cho thuê. Ngay sau đó đã có người đến hỏi thuê với giá khoảng từ 3 - 5 triệu đồng/tháng/phòng. Tính ra, mỗi tháng tôi thu về khoảng 20 - 30 triệu đồng”, anh Nguyên cho biết.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm trong việc kinh doanh mô hình này, anh Nguyên tiết lộ, trước tiên phải tìm hiểu nhu cầu khu vực định thuê. Những khu vực có nhiều trường đại học hoặc khu công nghiệp sẽ là lựa chọn tốt nhất. Bên cạnh đó, chỉ thuê những căn nhà có nhiều phòng khép kín và chủ nhà đồng ý giao toàn quyền quyết định việc sửa chữa và cho thuê lại của mình.
Còn theo kinh nghiệm của ông Nam, việc quản lý khách hàng thuê, chi phí điện, nước một cách chặt chẽ nhằm tránh những phát sinh ngoài ý muốn về tài chính cũng rất quan trọng.
Những rủi ro cần lưu ý
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc xây nhà rồi cho thuê đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn tại các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều lao động nhập cư, sinh viên.
Trên thực tế, hình thức kinh doanh này đã đáp ứng được rất lớn nhu cầu nhà ở của những người có thu nhập thấp, hay những doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này vẫn tồn tại nhiều rủi ro.
Đơn cử, anh Tuấn (đường D5, quận Bình Thạnh, TP.HCM), một nhà đầu tư theo hình thức này cho biết, tháng trước có cho 2 thanh niên thuê phòng, nhưng sau đó lại phát sinh thêm 1 người nữa mà anh không biết. Khi cơ quan cảnh sát điều tra gọi anh lên để làm việc, lúc đó anh mới biết, người mới vào ở là một tội phạm, đang bị công an truy nã.
Không chỉ rủi ro với nhà đầu tư, người thuê trọ cũng có thể gặp rắc rối, mất tiền nếu gặp phải người cho thuê không đàng hoàng. Đơn cử, chị Hoài cho biết, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, chị muốn đổi nhà trọ để thuận tiện cho việc đi làm. Sau một hồi hỏi thăm, chị tìm được một căn phòng ưng ý. Tuy nhiên, nếu muốn dọn vào ở thì chủ nhà yêu cầu phải đóng tiền thuê phòng trước 1 năm, nếu chưa hết 1 năm mà chị chuyển đi thì không lấy lại được tiền cọc.
Vì chưa có chỗ ở nên chị đồng ý đóng tiền trước 1 năm, nhưng mới ở được 2 tháng, chủ nhà gây khó dễ bằng nhiều cách như cắt nước, cắt tiện, tính thêm tiền coi xe…, buộc chị phải dọn đi chỗ khác mà không lấy lại được tiền cọc.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội
Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nhu cầu thuê nhà của những người thu nhập thấp, dân nhập cư tại TP.HCM là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay lại không có nhiều sản phẩm dành cho những đối tượng này.
“Đối với khách hàng khi thuê phòng ở ngoài thì nên cẩn trọng, phải xem xét thông tin thật kỹ và hỏi thăm những người xung quanh về ngôi nhà định thuê. Còn đối với nhà đầu tư, trước khi cho thuê nhà phải yêu cầu khách hàng xuất trình giấy tờ tùy thân và báo cáo với cơ quan sở tại để thuận tiện cho việc quản lý, tránh những rủi ro về sau”, ông Châu cho biết.
Được biết, TP.HCM vừa chấp thuận đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê - Khu dân cư Lê Thành tại phường An Lạc, quận Bình Tân cho Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành. Tuy nhiên, số lượng nguồn cung cho thuê tại đây vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu của người dân.