26/09/2017 08:57
Thực phẩm chức năng gắn mác 'xách tay'
Thực phẩm chức năng đang tràn ngập chợ, trên mạng xã hội... với hàng ngàn loại, mỗi nơi một giá, mua bao nhiêu cũng có. Đáng nói là tất cả được gắn mác 'hàng xách tay' để lừa khách hàng.
“Xách tay”, lấy đâu ra hóa đơn ?
Quay lại hỏi đến lần thứ 2, bà T.H, chủ sạp hàng chuyên kinh doanh hóa mỹ phẩm sỉ và lẻ lớn trong chợ Tân Bình, TP.HCM, mới dè dặt bảo chúng tôi chờ một lát, đoạn ngồi thụp xuống sau quầy hàng, lục lọi một hồi, rồi chìa ra hai hộp dầu cá (Fish Oil) và glucosamine, giới thiệu cả hai đều là “hàng xách tay Mỹ”.
Bà T.H giải thích: “Xin lỗi, lúc nãy nghĩ em bên quản lý thị trường hỏi, chị không dám bán”. “Bán hàng có gì đâu mà sợ chị", chúng tôi hỏi. "Hàng xách tay, không có hóa đơn là bị "hốt" ngay. Năm ngoái chị mất nguyên thùng hàng gần 60 triệu đồng. Họ theo dõi đi vào tận kho trong hẻm bên kia đường. Năm nay, chị nói không mua bán gì nữa, nên không ai hỏi thăm”, bà T.H bảo. "Không hóa đơn làm sao biết hàng thật, giả?”, chúng tôi hỏi. “Nguồn hàng của chị đảm bảo hàng nhập”, bà T.H chắc nịch. Tuy nhiên, khi hỏi tên đơn vị nào nhập thì bà này từ chối cung cấp và cho biết chỉ gọi điện thoại là họ giao hàng, muốn lấy sỉ hay mua lẻ đều có và được giao hàng tận nơi.
Cũng tại chợ Tân Bình, quầy bán mỹ phẩm lớn khác được những người mua hàng sỉ về tỉnh bán giới thiệu là “đại siêu thị làm đẹp” nằm ở cuối dãy chuyên đầm voan dạ hội. Dù không trưng bày bất kỳ loại thực phẩm chức năng (TPCN) nào, nhưng hỏi mua vẫn được người bán giới thiệu hàng loạt sản phẩm tảo Nhật, sữa ong chúa viên nang, collagen của Nhật, Mỹ, Pháp, Úc… “Bảo đảm hàng tốt, giá cũng tốt luôn. Hàng nào cũng có!”, cô gái trẻ bán hàng tên Hồng khẳng định. Tất cả hàng hóa ở đây đều không có hóa đơn và được gắn mác “hàng xách tay”. Hồng cho biết riêng hàng tảo Nhật đóng đi các tỉnh trung bình mỗi tuần hơn 200 lọ.
Tại chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM), các loại vitamin bổ sung như collagen, glucosamine, omega-3, tảo, thuốc chống rụng tóc... đều được các quầy hàng mỹ phẩm giới thiệu nhưng hoàn toàn không chưng trên quầy kệ. Người bán ở đây cảnh giác hơn, câu trả lời đầu tiên chúng tôi nhận được của nhiều quầy khi hỏi mua TPCN là "ra quầy thuốc mà mua". Nhưng nếu kiên nhẫn và "thành tâm" sẽ được dẫn vào những sạp bên trong để xem hàng xách tay.
Đặt lên mặt tủ kính quầy một lọ dầu cá omega-3 của Hãng Nature Made (Mỹ) và một lọ collagen Youtheory, chị V., chủ sạp hàng thì thào: “Đây là hàng một số người thân trong gia đình đi du lịch mua về sử dụng nhưng quá nhiều nên đem ra bán bớt". Thế nhưng "hàng dùng thừa" của nhà chị V. không hạn chế số lượng và chủng loại. Ngoài tảo Nhật, collagen, còn có nhau thai cừu, sữa ong chúa, thực phẩm bổ sung, thuốc uống chống rụng tóc, vitamin cho bà bầu, chống biếng ăn cho em bé… “Muốn mua hàng gì, em cứ chụp hình đưa đây, chị đều có hàng xách tay theo đường hàng không, nên không có hóa đơn đâu”, chị V. nói thẳng.
Hàng nhái, giả, nhập lậu... tràn lan
Hàng xách tay được hiểu là những mặt hàng chính hãng do người đi du lịch, công tác, du học sinh, tiếp viên hàng không... mua tại siêu thị, công ty, cửa hàng ở nước ngoài nên thường số lượng hạn chế; trái ngược hoàn toàn với số lượng "mua bao nhiêu cũng có" ở các chợ trên địa bàn TP.HCM.
Thực tế thời gian qua, đã có nhiều vụ kiểm tra phát hiện các cơ sở, các điểm buôn bán thuốc giả, thuốc nhái từ Lào Cai về Hà Nội, TP.HCM... Cuối tháng 7 vừa qua, Đội quản lý thị trường 12B, thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, qua kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Sindo VN (quận 12, TP.HCM) đã phát hiện hơn 10.000 lọ thực phẩm bổ sung gồm 7 loại, trên nhãn ghi tiếng Hàn và tiếng Anh. Các sản phẩm được xác định là hàng nhập lậu, không nguồn gốc và xuất xứ. Hay trước đó vào tháng 6.2016, UBND TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với nhà thuốc Minh Châu (đường Hai Bà Trưng, quận 3) vì có gần 22.000 đơn vị tân dược các loại, trong đó có nhiều loại thuốc đặc trị các bệnh nan y, các loại thuốc kháng sinh đều là hàng nhập lậu. Ngoài ra, nhà thuốc này còn bán hơn 1.000 đơn vị TPCN không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc cùng 22 đơn vị mỹ phẩm cũng trong tình trạng trên.
Tại Hà Nội, cuối tháng 8 vừa qua, 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN giả bị kiểm tra và phạt gần 200 triệu đồng. Trước đó tại Hải Phòng, cơ quan chức năng đã khám xét phòng khám đa khoa An Lành (quận Lê Chân) và thu giữ số lượng lớn các loại vitamin được ghi sản xuất tại Mỹ nhưng thực tế được sản xuất, đóng gói ngay tại tầng 4 và tầng 5 của ngôi nhà này. Được biết, từ tháng 4.2014 đến thời điểm bị phát hiện, phòng khám này đã bán ra hơn 19.000 sản phẩm vitamin giả, chủ yếu phân phối cho các nhà thuốc ở Hải Phòng và Hà Nội.
Thống kê của Bộ Y tế, năm 2016, cả nước có 4.000 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu TPCN, trong đó có khoảng 60% TPCN được sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu. Các vụ bị phát hiện và xử lý liên quan đến sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng, phần lớn nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch rồi được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ.
Vì vậy, nếu không cẩn trọng, người tiêu dùng rất dễ mua phải TPCN "xách tay" từ Nhật, Mỹ, Hàn Quốc nhưng thực tế là nhập lậu từ Trung Quốc hay sản xuất ngay trong nước với chất lượng kém.
Advertisement