11/07/2021 07:20
Thuận Kiều Plaza: Từ dự án dành cho người Hong Kong di cư bỏ không gần 30 năm tới bệnh viện dã chiến mùa dịch
Một phần tòa nhà Thuận Kiều Plaza được trưng dụng làm nơi điều trị cho bệnh nhân F0 với quy mô khoảng 1.000 giường.
TP. HCM dự kiến cải tạo một phần tòa nhà Thuận Kiều Plaza (nay là The Garden Mall) để làm bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 5. Bắt đầu từ ngày 8/7, công tác cải tạo, sửa chữa lầu 1 và 2 của tòa nhà được thực hiện, dự kiến kéo dài 8 - 10 ngày, cung cấp khoảng 1.000 giường bệnh. Việc cải tạo được thực hiện ở khu vực trung tâm thương mại, không liên quan đến các căn hộ ở 3 tòa tháp.
Đây là chung cư thứ 3 tại TP. HCM được trưng dụng để điều trị cho bệnh nhân F0. Trước đó, 2 chung cư tái định cư khác tại quận 12 và TP Thủ Đức cũng được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến thu dung.
Dự án hoàn thành từ năm 1998 nhưng hiếm người mua
Thuận Kiều Plaza được khởi công năm 2014, do Công ty xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (nay thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) hợp tác cùng nhà đầu tư Kings Harmony Intl Ltd (Hồng Kông) xây dựng, trong đó phía Việt Nam góp 25% vốn. Công trình tọa lạc trên khu "đất vàng" của quận 5, diện tích 1 ha, mặt tiền đường Hồng Bàng. Tổng kinh phí đầu tư hơn 55 triệu USD.
Tòa nhà Thuận Kiều Plaza trước khi được sửa chữa. Ảnh: Duy Khánh |
Dự án được hoàn thành năm 1998 với 3 tòa tháp cao 33 tầng, gồm khối thương mại và khu nhà ở khoảng 648 căn hộ. Các căn hộ ở đây có nhiều diện tích khác nhau: loại căn hộ 2 phòng ngủ 80 m2, loại 3 phòng ngủ khoảng 100 m2, loại căn hộ mở rộng 180 m2, loại 2 tầng 154 m2 - 195 m2. Giá bán căn hộ thời điểm đó vào khoảng 1 - 3 tỷ đồng/căn.
Khu thương mại có diện tích xây dựng khoảng 20.000 m2, từng được biết đến với giá thuê mặt bằng kinh doanh vào hàng cao nhất TP.HCM thời đó, khoảng 200.000 đồng/tháng (thu nhập bình quân nhóm thu nhập cao của cả nước năm 1999 là 742.000 đồng/tháng).
Truyền thông dẫn lời ông Lưu Trọng Hải, nguyên Trưởng phòng quản lý kiến trúc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết dự án ban đầu nhằm mục tiêu đón dòng người di cư từ Hong Kong trước sự kiện Hong Kong được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997. Tuy nhiên sau đó, Nhà nước Trung Quốc có chính sách cởi mở đối với đặc khu Hong Kong, nên không có làn sóng di cư này.
Về thiết kế, các căn hộ được sở hữu diện tích nhỏ và chật chội, khoảng cách giữa các tầng chỉ hơn 2,7 m. Khoảng 5 - 6 năm kể từ khi đưa vào hoạt động, dự án vẫn không bán được căn hộ nào, chỉ có phần khu trung tâm thương mại và giải trí là hoạt động. Cũng theo ông Hải, ngay từ đầu, chủ đầu tư đã nhận nhiều ý kiến đề nghị phải làm nhà thoáng hơn, rộng hơn để phù hợp với xứ nhiệt đới, nhưng họ không chấp nhận.
Đổi chủ đầu tư
Hợp đồng liên doanh xây dựng và khai thác Thuận Kiều Plaza có hiệu lực 20 năm, từ 1994 đến 2014. Gần hết thời hạn, liên doanh đã bán lại dự án cho CTCP Đầu tư An Đông (nay là Tập đoàn An Đông) thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tòa nhà đổi tên thành The Garden Complex. Giá chuyển nhượng được cho là 600 tỷ đồng.
Bộ mặt mới của The Garden Complex, thời điểm Tết 2019. Ảnh: Khổng Chiêm |
Sau khi về tay chủ mới, tòa nhà đã được cải tạo lại, đổi màu sơn mới từ hồng sang xanh. Khối trung tâm thương mại được phát triển thành 2 khu vực chuyên biệt: The Garden Art là không gian tổ chức sự kiện, sinh hoạt cộng đồng, sáng tạo dành cho giới trẻ và The Garden Mall là trung tâm giải trí, ẩm thực.
Chủ ý của nhà đầu tư muốn biến nơi đây thành điểm đến của cộng đồng với dịch vụ đa dạng, đặc biệt là giải trí, văn hóa. Trong đó, The Garden Art với diện tích 8.000 m2, nằm ở tầng thượng khối đế, bố trí khu ẩm thực, hồ bơi ngoài trời, có mái che linh hoạt với quán giải khát, các sảnh tổ chức sự kiện trong nhà và ngoài trời, khu bán hàng lưu niệm...
The Garden Mall nằm ở tầng trệt và 2 tầng lầu, là địa điểm kinh doanh của nhiều thương hiệu giải trí, ẩm thực lớn.
Báo cáo của JLL vào năm 2017 ghi nhận giá thuê mặt bằng tại The Garden Mall tăng ấn tượng sau khi được sửa chữa, cải tạo. Giá thuê thấp nhất 20 USD/m2/tháng, cao nhất 50 - 60 USD/m2/tháng, gấp đôi so với cuối năm 2015.
Dù khu thương mại có những chuyển động mới nhưng các tầng căn hộ vẫn không có sự thay đổi nào. Hầu hết, các căn hộ vẫn được bỏ trống, chủ đầu tư cũng không có động thái rao bán.
Tiềm lực An Đông
Tập đoàn Đầu tư An Đông được thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Công ty này ngoài sở hữu The Garden Complex còn là chủ hàng loạt dự án tại quận 5 như khách sạn thương mại An Đông (Windsor Plaza Hotel), cao ốc văn phòng An đông Tower, Trung tâm thương mại An Đông Plaza; một dự án tại quận 10 là căn hộ 15 tầng Elegant Residence.
Tính tới 31/12/2020, An Đông có tổng tài sản 45.257 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn (34.372 tỷ đồng). Doanh thu thuần đạt 423 tỷ đồng, giảm 44% năm trước; lợi nhuận thuần 56,7 tỷ đồng, tăng 51% năm trước.
Đơn vị: tỷ đồng |
"Sau lưng" tập đoàn An Đông là tập đoàn Vạn Thịnh Phát với vốn điều lệ cập nhật gần nhất là 13.000 tỷ đồng. Khởi đầu ở lĩnh vực kinh doanh ngành dịch vụ nhà hàng và khách sạn, VTP Group đã đầu tư và phát triển thêm nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, hạ tầng giao thông, dịch vụ tài chính, nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, du lịch...
Trong lĩnh vực bất động sản, Vạn Thịnh Phát sở hữu nhiều khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị, thương mại, văn phòng cho thuê loại A, cao ốc căn hộ dịch vụ, khu dân cư...
Tập đoàn này cũng có hàng loạt những dự án thuộc vị trí đắc địa tại TP HCM như Unicon Square, tháp SJC Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực, khu tứ giác Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng, tòa nhà Times Square (quận 1); biệt thự cổ Võ Văn Tần (quận 3) hay dự án Mũi Đèn Đỏ 6 tỷ USD tại quận 7...
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp