04/07/2018 08:06
Thua lỗ nặng nề, hàng loạt quỹ ngoại vẫn mua ròng gần 39.000 tỷ đồng cổ phiếu
Giá trị tài sản ròng của các quỹ ngoại đều đang âm từ 1,5-19,4% trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn mua ròng 38.752 tỷ đồng cổ phiếu.
Tài khoản âm
Thống kê cho thấy, các quỹ đang hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều không có kết quả tốt và hầu hết đều tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm. Đứng đầu danh sách thua lỗ là Hestia khi giá trị tài sản ròng (NAV) âm 19,4% trong nửa đầu 2018.
Người anh em với Hestia là Passion Investment (PIF) cũng ghi nhận NAV âm 8,6% và là một trong những quỹ có diễn biến tệ nhất thị trường. Việc tất tay vào cổ phiếu VPB là nguyên nhân khiến hai quỹ Hestia và Passion có hiệu quả kém trong nửa đầu năm.
Giá trị tài sản ròng của các quỹ ngoại đều đang âm từ 1,5-19,4% trong 6 tháng đầu năm. |
Ngoài Hestia, Passion Investment, nhiều quỹ nội cũng hoạt động kém hiệu quả trong nửa đầu năm như Techcom Capital TCEF âm 5,3%, VCBF-BCF âm 4,6%, VnDirect Active Fund âm 1,8%, nhóm quỹ Thiên Việt TVAM TVGF2 âm 11,6%, TVAM TVGF1 âm 8,3%, SSI SCA âm 4,6%.
Bộ đôi quỹ ETF ngoại lâu năm tại Việt Nam là VNM ETF và FTSE Vietnam ETF cũng có kết quả không khả quan. NAV của VNM ETF trong nửa đầu năm 2018 âm 8,9%, trong khi FTSE Vietnam ETF tích cực hơn đôi chút với mức âm 1,5%.
Các quỹ do VFM quản lý cũng trong tình trạng tương tự khi NAV các quỹ VFMVF4, VFMVF1 hay quỹ ETF VFMVN30 cũng đều tăng trưởng âm. Tương tự, những tên tuổi lớn như Pyn Elite Fund, JPMorgan VOF, Vietnam Holding cũng không ngoại lệ.
Đến cả những quỹ có quy mô tỷ USD như Dragon Capital VEIL hay Kim Vietnam Growth Securities cũng tăng trưởng âm, lần lượt là âm 3,5% và âm 2,3%.
Tuy nhiên, thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, dù thị trường chứng khoán có nhiều biến động do chịu sự tác động từ thị trường chứng khoán thế giới nhưng vẫn đạt được một số kết quả khả quan.
Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng với 38.752 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 1.788 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Tính chung 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 40.539 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
Dòng tiền gián tiếp mua ròng từ ngày 1/6 - 26/6 ước đạt 34 triệu USD. Tính từ đầu năm đến ngày 26/6, dòng tiền mùa ròng ước đạt 2,28 tỷ USD. Về giá trị danh mục cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, tính đến ngày 26/6 đạt 35,7 tỷ USD.
Dù thị trường chứng khoán cơ sở đang trong xu hướng giảm điểm nhưng giá trị giao dịch phái sinh trong tháng 6 đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với tổng khối lượng giao dịch đạt 1.983.614 hợp đồng với tổng giá trị giao dịch tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt 193.371 tỷ đồng. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư.
Vào nhiều hơn ra
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thực tế dòng chảy của vốn ngoại vẫn âm thầm chọn những địa chỉ tiềm năng để ở lại. Tính tổng thể, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài chưa rút khỏi Việt Nam như nhiều thị trường mới nổi và trong khu vực.
“Dòng vốn quan trọng này vẫn vào ra hàng ngày theo các kênh khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn đang vào nhiều hơn ra. Chính vì vậy, vẫn có thể có kỳ vọng tích cực đối với dòng vốn ngoại bởi tiền đang ở lại thị trường và chờ thời cơ thích hợp để giải ngân. Điều này được chứng minh qua số dư về tiền mặt của các quỹ, vẫn đang tương đối cao”, ông Dũng nói.
Thị trường chứng khoán chao đảo nhưng khối ngoại vẫn mua ròng tới 2,28 tỷ USD. |
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dẫn chứng, trong thời gian này có nhiều giao dịch mua thỏa thuận lớn của nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay khối ngoại đã bỏ vốn vào các đợt IPO của doanh nghiệp Nhà nước cuối 2017 và đầu 2018 như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVOil, PVPower.... cũng như tập trung vào các cổ phiếu mới lên sàn Vinhomes, Techcombank, Vincom Retail.
Thời gian gần đây, dù khối ngoại có xu hướng bán ròng trên thị trường cổ phiếu nhưng trên thị trường trái phiếu vẫn đang mua ròng. Dù vậy, không thể chủ quan với diễn biến kinh tế, tiền tệ, thương mại như hiện nay.
“Việc Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, căng thẳng thương mại leo thang là hai yếu tố rất quan trọng cần được bám sát và có nhiều giải pháp để chủ động nắm bắt cũng như ứng xử trong mọi trường hợp có thể xảy ra”, ông Dũng khuyến nghị.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, tác động từ quy luật lãi suất tăng, chứng khoán giảm tới xu hướng rút về của dòng vốn ngoại trên toàn cầu là khó tránh khỏi và Việt Nam ít hay nhiều cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.
Tuy nhiên, nguyên tắc dòng tiền sẽ không bao giờ đứng yên, nếu có cũng chỉ có thể là tạm thời co cụm hoặc bảo toàn vốn để tìm kiếm địa chỉ đầu tư mới hiệu quả hơn. Do vậy, Việt Nam đang có nhiều cơ hội và tiềm năng để thu hút vốn ngoại, vấn đề là làm thế nào để phát huy được lợi thế so sánh đó.
Với tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo đạt tối thiểu 6,5% trong giai đoạn 2018-2020, những cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, hỗ trợ kinh tế tư nhân, quyết tâm thực hiện các đợt thoái vốn Nhà nước, IPO doanh nghiệp Nhà nước và niêm yết các doanh nghiệp lớn, chất lượng... thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều hấp dẫn giúp thu hút mạnh dòng các dòng vốn tham gia, nhất là dòng vốn ngoại.
Nếu nhìn trên bình diện khách quan, Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước trong khu vực và các thị trường chứng khoán thế giới. Dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đang gia tăng và gần đây nhất, dòng vốn từ Thái, Malaysia cũng đang đến Việt Nam.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp