11/08/2020 07:50
Thủ tướng Lebanon tuyên bố từ chức sau vụ nổ ở thủ đô Beirut
Sau cuộc họp ngày 10/8, nội các Lebanon đã nhất trí từ chức sau vụ nổ tại nhà kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat ở thủ đô Beirut, cướp đi sinh mạng của ít nhất 163 người và khiến khoảng 6.000 người bị thương vào tuần trước.
Thủ tướng Lebanon Hassan Diab đã chính thức tuyên bố từ chức trong bối cảnh phải chịu sức ép liên quan tới vụ nổ ở Beirut và khủng hoảng kinh tế.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Hassan Diab nhấn mạnh đất nước đang phải đối mặt với một thảm kịch lớn và tất cả các bên cần hợp tác để vượt qua thử thách này. Ông cũng cho biết sẽ ủng hộ những lời kêu gọi của những người Lebanon bình thường để những người chịu trách nhiệm về “tội ác này” bị đưa ra xét xử.
Đơn từ chức của ông Diab đã được Tổng thống Lebanon Michel Aoun chấp nhận, nhưng yêu cầu chính phủ tiếp tục hoạt động cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính Ghazi Wazni, Bộ trưởng Tư pháp Marie Claude Najm, Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad, Bộ trưởng Môi trường và phát triển hành chính Lebanon Damianos Kattar đều đã đệ đơn xin từ chức.
Thủ tướng Diab tại trụ sở của Chính phủ Lebanon ở Beirut, ngày 10-8. Ảnh: Reuters. |
Nội các của ông Diab mới được thành lập hồi tháng 1/2020 với sự hậu thuẫn của phong trào Hồi giáo Hezbollah. Đối với nhiều người dân Lebanon, vụ nổ kinh hoàng hôm 4/8 đã “giáng một đòn mạnh” khiến cuộc khủng hoảng ở quốc gia này thêm trầm trọng, đẩy nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ, đồng thời cũng cho thấy vấn nạn tham nhũng và quản lý yếu kém của các cơ quan công quyền.
Lebanon đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ đã làm tê liệt đất nước, đẩy hàng ngàn người ra nước ngoài và làm dấy lên các cuộc biểu tình ở khắp nơi trong cả nước nhằm chống lại hệ thống chính trị tham nhũng trong thời gian qua.
Theo thống kê chính thức, gần một nửa dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ và 35% người dân ở quốc gia này không có việc làm.
Vào tháng 3, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Lebanon tuyên bố họ không trả được nợ. Nợ quốc gia của nước này là 92 tỷ USD - gần 170% GDP - một trong những tỷ lệ nợ cao nhất thế giới.
Vào tháng 5, nước này đã tiến hành các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm đảm bảo viện trợ quan trọng, theo kế hoạch giải cứu nền kinh tế được chính phủ thông qua. Tuy nhiên các cuộc đàm phán đã bị đình trệ.
Theo Guardian vào tháng trước, nhiều người ở Lebanon phải đối mặt với một tương lai ảm đạm.
Ngày 4/8 vừa qua, một vụ nổ đã xảy ra tại nhà kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat ở cảng Beirut, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 163 người, trong khi hơn 6.000 người bị thương và hiện còn 21 người mất tích.
Vụ nổ còn khiến khoảng 300 nghìn người mất nhà cửa và thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ USD. Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên.
Một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế hôm 9/8 đã đưa ra cam kết trị giá gần 253 triệu euro (298 triệu USD) cho hoạt động cứu trợ nhân đạo nhằm làm giảm nhẹ tác động của thảm họa tại Lebanon, nhưng họ đang yêu cầu minh bạch về cách sử dụng khoản viện trợ. Ngoài ra, Tổng thống Trump khẳng định chính quyền của ông sẽ hỗ trợ "đáng kể" cho Lebanon sau vụ nổ kinh hoàng hôm 4/8 song không tiết lộ thông tin cụ thể. "Dựa trên vấn đề nhân đạo cơ bản, chúng tôi phải làm điều đó. Đất nước này sẽ tồn tại như thế nào sau một thảm họa như vậy? Người dân ở đây đã phải chịu đựng thảm họa trên ở một mức độ mà chúng ta chưa từng chứng kiến trước đó", Tổng thống Trump cho hay. |
Toàn cảnh vụ nổ ở thủ đô Beirut nhìn từ trên cao. |
Advertisement
Advertisement