Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thủ tướng: Không thể bán hải sản ngon, giá rẻ tại châu Âu nếu đánh bắt trái phép

Tài chính

06/08/2020 13:46

Thủ tướng nhấn mạnh: EVFTA mở ra nhiều cơ hội, nhưng doanh nghiệp thiếu sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng sẽ không có chỗ đứng tại thị trường châu Âu.

Thủ tướng: EVFTA không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì

Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) diễn ra hôm nay (6/8) với sự tham gia của đại diện 63 tỉnh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định EVFTA có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho hai bên. 

  Thủ tướng: EVFTA không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì. Ảnh: VGP.

Thủ tướng: EVFTA không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì. Ảnh: VGP.

Riêng đối với Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng trong điều kiện bình thường thì hiệp định sẽ giúp GDP tăng thêm bình quân đến 3,25% giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, tăng đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% trong 5 năm sau đó. 

Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, EVFTA dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU thêm khoảng 42% vào năm 2025, gần 45% vào năm 2030 và tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ. Do đó, sẽ không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng khi EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm trong nước phải cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU. Khi đó, bắt buộc phải thực hiện đúng cam kết, không thể đóng cửa, dựng nên hàng rào bảo hộ mà phải tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh. 

Ông cũng cho rằng yêu cầu về phát triển bền vững là nội dung quan trọng trong EVFTA, không chỉ về nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đi đôi với các yêu cầu khắt khe về làm tốt hơn nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội, lao động, việc làm và bảo vệ môi trường.

“Không thể bán hải sản tươi ngon, giá rẻ tại thị trường EU nếu là hải sản đánh bắt trái phép. Chúng ta phải làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp trong và cơ quan quản lý quan tâm cùng hành động”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Từ những điều trên, Thủ tướng nhận định EVFTA sẽ mở ra cơ hội để thúc đẩy doanh nghiệp Việt tự nâng cấp, chấp nhận luật chơi khó hơn để vươn lên trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu.

Việt Nam sẵn sàng thông xe “cao tốc EVFTA”

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định EU có cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính bổ trợ với Việt Nam, không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa cùng phân khúc của Việt Nam. Do đó, những mặt hàng mà EU có thế mạnh khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam như máy móc, thiết bị… sẽ giúp hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước.

  Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việt Nam sẵn sàng thông xe “cao tốc EVFTA”. Ảnh: VGP.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việt Nam sẵn sàng thông xe “cao tốc EVFTA”. Ảnh: VGP.

Riêng việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, Bộ trưởng cho rằng đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khuyến khích, đầu tư nhiều hơn vào công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút nghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào. 

Đồng thời, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm đầu ra. Có như vậy, mới có thể xây dựng và củng cố ngành sản xuất đủ năng lực cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

“Tư lệnh” ngành công thương cũng cho rằng để giúp các doanh nghiệp tận dụng được tối đa những cơ hội EVFTA mang lại thì lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo, xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông đề xuất các chính sách hỗ trợ có thể thực hiện, như tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu có thế mạnh trong những ngành như logistics, viễn thông, giao thông… Do vậy, một mặt EVFTA sẽ tạo cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp châu Âu vào đầu tư tại Việt Nam. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để cơ sở hạ tầng của Việt Nam được phát triển.

“Nếu EVFTA được ví như con đường cao tốc cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, thì ngày hôm nay chúng ta đã tự tin sẵn sàng thông xe cho con đường đó, để giúp các phương tiện lưu thông, chính là doanh nghiệp và nền kinh tế, được vận hành một cách thuận lợi, thông suốt và hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

KHOA MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement