25/05/2017 06:09
Thủ tục hành chính 'hành' doanh nghiệp bất động sản
Trong thời gian gần đây, các công trình không phép, sai phép trên địa bàn cả nước mọc lên như “nấm sau mưa”.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp chỉ ra một phần do thủ tục hành chính quá rườm rà, khiến nhiều doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn liều.
Tại cuộc họp báo định kỳ Quý I/2017, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong gần 115.000 lượt kiểm tra công trình, Sở phát hiện có tới gần 3.000 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, chiếm tỷ lệ 2,52% trên tổng số lượt kiểm tra.
Biết sai nhưng vẫn liều
Trong đó, xây dựng không phép "đội sổ" vi phạm với 1.395/2.096 trường hợp, chiếm tỷ lệ 59,3% (tăng 28 trường hợp, tỷ lệ tăng 2% so với cùng kỳ). Xây dựng sai phép có 956/2.096 trường hợp, chiếm tỷ lệ tới 40,7%. Các công trình tập trung chủ yếu tại các địa bàn Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn, Quận 7 và Quận 12.
Còn tại Hà Nội, theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2014 đến năm 2016, Hà Nội phát hiện hơn 3.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Đặc biệt có 18 dự án khu đô thị vi phạm, trong đó, 6 dự án không phép, 10 dự án sai phép, quy hoạch, thiết kế...
Các sai phạm của những công trình vi phạm chủ yếu liên quan đến xây dựng vượt tầng, sai quy hoạch, sử dụng sai công năng đối với các phần diện tích dùng chung, sai nội dung giấy phép, tăng diện tích sàn, xây trên đất nông nghiệp...
Không khó có thể nhận ra là công trình trên phố Đào Duy Anh, công trình trên phố Đặng Dung, công trình cao tầng ven hồ Tây, công trình 8B Lê Trực…
Thậm chí mới đây, hàng loạt dự án trên địa bàn Đà Nẵng bị phanh phui như công trình xây dựng khách sạn, căn hộ cao cấp Central Coast (Đà Nẵng) đã lên đến tầng 10 mà không có giấy phép xây dựng, Công ty CP Biển Tiên Sa với 40 căn biệt thự trái phép được xây trên bán đảo Sơn Trà…
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên được các chuyên gia ngành xây dựng chỉ rõ, đầu tiên là do các cấp chính quyền buông lỏng quản lý, thứ hai là thủ tục hành chính cấp phép phức tạp, rườm rà khiến nhiều doanh nghiệp sợ, chấp nhận làm sai pháp luật và bị phạt. Đây là nguyên nhân sâu xa nhất.
Còn nhớ trong buổi tiếp xúc doanh nghiệp với Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng diễn ra mới đây, ông Trương Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Cty địa ốc Hoàng Quân cho biết, thủ tục hành chính phức tạp khiến chỉ riêng việc xin cấp phép xây dựng dự án của Cty ông ở quận 8 đã chờ đợi 2 năm nay vẫn chưa xong.
Hay ông Nguyễn Thanh Sơn - đại diện chủ đầu tư dự án Central Coast bị phát hiện xây không phép mới đây cho biết, dự án đã được Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy; hồ sơ thiết kế xây dựng công trình được Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng có văn bản về việc thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng công trình tuy nhiên quá trình hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép bị kéo dài, trong khi áp lực tiến độ lại gấp rút nên chủ đầu tư xin phép vừa thi công vừa hoàn thiện giấy tờ theo yêu cầu.
“Là chủ đầu tư không ai muốn rơi vào tình huống này, hơn nữa quá trình tạm dừng thi công dự án đã gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, không chỉ về vốn mà còn về uy tín và tiến độ bán hàng tại dự án” – ông Sơn cho biết.
Chế tài phải đủ sức răn đe
Trong bức "tâm thư" gửi đến Thủ tướng, một vị Tổng giám đốc doanh nghiệp phản ánh, thủ tục hành chính đang càng ngày càng giăng mắc, trói chặt các doanh nghiệp bằng các sợi dây vô hình tưởng như không thể nào nới ra được. Theo vị Tổng giám đốc, nếu thực hiện đúng theo quy định pháp luật thì để có một giấy phép xây dựng không quá khó khăn, nhưng trên thực tế lại vô cùng phức tạp.
Trong bức thư gửi Thủ tướng, vị Tổng giám đốc này cho rằng, mặc dù cơ chế “một cửa” được coi là bước tiến trong cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân, nhưng trên thực tế, “một cửa” vẫn như “nhiều cửa” và xu hướng còn rắc rối hơn. Nói là một cửa, nhưng số chông gai mà doanh nghiệp phải vượt qua vẫn gần bằng tất cả chông gai của "nhiều cửa" ngày trước cộng lại!
Còn theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng, Bộ đề nghị bổ sung quy định những đối tượng được miễn cấp Giấy phép xây dựng như: công trình xây dựng đô thị và nhà ở nếu đã có quy hoạch 1/5000, Bản vẽ chi tiết và thiết kế kỹ thuật; công trình công cộng; viễn thông công cộng…
Đồng thời, Bộ cũng đề nghị uỷ quyền cho các tỉnh, thành phố cấp giấy phép các công trình đặc biệt, công trình cấp bộ. Như vậy, Bộ Xây dựng không cấp phép bất kỳ công trình nào, mà phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, để chặn đứng tình trạng xây dựng không phép, trái phép, ông Đỗ Viết Chiến - Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng bên cạnh việc đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho DN theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho DN tham gia đầu tư, cơ quan quản lý cần tăng cường lực lượng thanh tra xây dựng, có chân rết đến tận phường, xã; đồng thời áp dụng hình thức kiểm tra chéo địa bàn, xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra vi phạm trong trật tự xây dựng để làm gương.
“Điều quan trọng, cũng đã đến lúc các nhà làm luật cần đưa quy định về xây dựng sai phép, vượt tầng vào bộ luật hình sự để làm căn cứ để xử lý nghiêm các chủ đầu tư, chế tài xử phạt này phải có tính răn đe hơn việc chỉ xử lý hành chính” – ông Chiến khẳng định.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp