Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thu nhập của người Việt giảm vì Covid-19

Doanh nghiệp

06/07/2021 14:38

Thu nhập bình quân một người đạt 4,2 triệu đồng/tháng trong năm vừa qua, giảm khoảng 1% so với 2019.

Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư 2020 được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay (6/7) cho thấy thu nhập bình quân một người trên cả nước tính theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 1% so với 2019. Trong khi đó, bình quân thu nhập mỗi người trong giai đoạn 2016-2020 lại tăng 8,2%/năm. Thu nhập bình quân mỗi người ở khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn. Nhóm hộ giàu nhất có thu nhập bình quân mỗi người đạt 9,1 triệu đồng/tháng vào năm vừa qua, cao hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất có mức thu nhập 1,1 triệu đồng/tháng.

np-file-33225-jpeg60-162554656-5236-1348
Các hoạt động kinh tế bị hạn chế bởi dịch bệnh đã tác động lên thu nhập của người dân. Ảnh minh họa: AFP

Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt 6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 2 lần so với vùng thấp nhất - Trung du và miền núi phía Bắc.

Báo cáo cũng chỉ ra, trong tổng thu nhập của người dân năm vừa qua, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm hơn 55%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm hơn 11% và thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm gần 23%, thu khác chiếm gần 11%. "Cơ cấu thu nhập qua các năm có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm. Kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm", Tổng cục Thống kê nhận định.

Năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước gần 2,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. Mức tăng này thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với 2016 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, gia đình ở thành thị có mức chi tiêu bình quân khoảng 3,8 triệu đồng người/tháng, con số này cao hơn 1,6 lần so với mức chi tiêu ở nông thôn.

Xu hướng tiêu dùng lương thực, thực phẩm có sự thay đổi theo hướng người dân giảm dần việc tiêu thụ tinh bột. Nếu như sản lượng gạo tiêu thụ vào 2010 là 9,7kg/người/tháng thì đến 2020, con số này đã giảm xuống chỉ còn 7,6 kg/người/tháng. Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng tại vùng nông thôn lại ngược lại, đạt mức 8,5 kg/người/tháng. Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả nhất, tương ứng 9,1kg/người/tháng và  6,6 kg/người/tháng.

Ngoài ra, lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng vào 2010 lên mức 2,3 kg/người/tháng vào 2020. Tiêu thụ trứng tăng trong năm vừa qua cũng tăng do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội.

Báo cáo còn chỉ ra, lượng tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu tăng nhẹ. Từ mức 0,9 lít/người/tháng vào 2010 lên 1,3 lít/người/tháng vào 2020. Lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất, lần lượt ở mức 2,2 lít/người và 1 lít/người/tháng).

NGỌC HÀ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement