06/10/2019 05:16
Thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng, người trẻ đừng mơ có nhà ở Sài Gòn
Giá nhà đất tại TP.HCM gia tăng liên tục, có lúc mất kiểm soát, khiến cơ hội sở hữu nhà của người trẻ ngày càng xa vời...
Nhà giá 1,3 tỷ đồng, chỉ dành cho quảng cáo
Theo nhận định của ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với cơ cấu đạt 96,2 triệu người, trong đó đối tượng người trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 36%. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam xấp xỉ 2.600 USD/năm, riêng ở TP.HCM khoảng 6.400 USD/năm, trung bình từ khoảng 10 - 20 triệu đồng/tháng.
Theo ghi nhận của DKRA Việt Nam, trong 10 năm qua, tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi trong số lượng khách hàng mua nhà ngày càng tăng, hiện tại đạt mức 23%. Theo đó, nhu cầu an cư của người trẻ ngày càng tăng và cấp thiết.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam. |
Theo định hướng của Bộ Xây dựng, diện tích nhà ở bình quân phấn đấu đạt mức 22 m2/người. Hiện tại, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở TP.HCM năm 2019 mới chỉ ở mức 19,4 m2/người, theo quy hoạch thành phố hiện đang thiếu khoảng 35.000 đơn vị nhà ở, chưa kể nhà ở ven kênh rạch chưa quy hoạch, chung cư cũ xuống cấp, dân số nhập cư gia tăng 1 triệu người trong vòng 5 năm... gây áp lực lên cơ sở hạ tầng, giao thông...
Mỗi năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 5 năm, giá nhà cũng đã tăng 50 - 60%, từ khoảng 16 triệu đồng/m2 lên 25 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ hạng C ngày càng sụt giảm, cá biệt trong quý 2/2019 không có nguồn cung mới. Loại hình nhà ở xã hội tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu to lớn của người dân.
Theo ghi nhận, trong 5 năm qua, giá nhà đất tại TP.HCM gia tăng liên tục, chưa kể trải qua những đợt nóng sốt khiến giá đất tăng mạnh ở một số khu vực. Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu ngày càng xa vời, trong khi những dự án bất động sản mới, có mức giá trên dưới 1,5 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm.
Ông Phạm Lâm chia sẻ: “Trước đây có rất nhiều quảng cáo chỉ cần khoảng 900 triệu có thể mua được nhà nhưng bây giờ đó chỉ là con số trong mơ, thực tế không còn nữa. Mà thấp nhất phải ở giá 1,3 tỷ đồng trở lên mới mua được nhà nhưng đây chỉ là con số dùng để quảng cáo chứ thực tế giá còn cao hơn thế nhiều”.
Mức tăng giá của đất nền còn "kinh khủng hơn" khi trong 5 năm qua tăng hơn 100%, có chỗ tăng hơn 200%. Giá nhà đất tăng phi mã trong khi thu nhập, lương củangườilao độngtăng theo không kịp. Căn hộ hạng C người trẻ dễ mua nhất, nhưng lượng căn hộ hạng C rất ít. Nếu năm 2016 căn hộ hạng C chiếm khoảng 30% thì đến năm 2018 còn khoảng 17%, đến tháng 9/2019 gần như đã biến mất khỏi thị trường. Càng ngày giá đất cần tăng cao, người trẻ rất khó tiếp cận để mua nhà và buộc họ phải mua nhà xa trung tâm thành phố.
Chấp nhận ở xa trung tâm để có nhà
Nếu một người trẻ thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, muốn mua căn nhà khoảng 1,5 tỉ đồng thì phải vay 50% và phải tích cóp trong 20 năm. Bởi để có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, thì người trẻ phải chi ra 9 triệu đồng làm sinh hoạt phí, như vậy còn dư 6 triệu đồng/tháng (đó là chưa nói đến thuế TNCN) thì 1 năm còn dư được 72 triệu đồng. Nếu muốn mua căn hộ khoảng 1,5 tỉ đồng (căn hộ rẻ nhất hiện nay) thì người trẻ phải mất khoảng 20 năm. Nhưng lúc đó, giá nhà có còn ở mức 1,5 tỉ đồng/căn hay đã tăng gấp mấy trăm %.
Người trẻ mua nhà có khó không? Ảnh: Cẩm Viên |
Một giải pháp được ông Phạm Lâm đưa ra đối với những người đã có khoảng 50% vốn (căn hộ trị giá 1,5 tỷ đồng), phải vayngân hàng50% thì sau khi trả góp ngân hàng, mỗi tháng họcòn dư khoảng 3,8 triệu đồng. Với số tiền này họ sẽ không sống được ở TP.HCM.
Như vậy, người trẻ phải có thu nhập ít nhất khoảng 20 triệu đồng/tháng mới có thể mua được căn nhà 1 tỉ đồng. Nhưngcăn nhà 1 tỉ đồnghiện nay không có. Vì thế, để người trẻ mua được nhà là cực khó nếu không có sự hỗ trợ của người thân.
Vì vậy người trẻ muốn mua nhà phải tính toán kế hoạch, phải xác định rõ thu nhập đủ và ổn định; lựa chọn căn nhà phù hợptài chínhvà nhu cầu thực tế; lựa chọn các dự án có chương trình hỗ trợ về tài chính như các nhà ở xã hội; chuẩn bị tiền có sẵn từ 30-50%; kế hoạch vay và trả nợ ngân hàng phù hợp với thu nhập ổn định, gia tăng thu nhập và phân bổ kế hoạch tài chính cá nhân cho hiệu quả và cuối cùng là phải theo dõi biến động của thị trường để chớp lấy thời cơ. Ngoài ra, người trẻ còn phải trang bị cho mình kiến thức bất động sản để đưa ra quyết định đúng.
Lấy ví dụ về bản thân, ông Lâm cho biết: "Đầu tiên là chọn giải pháp ở thuê, sau đó có tiền thì tiến tới mua căn hộ đầu tiên với diện tích nhỏ ở xa trung tâm. Tiếp đến là đầu tư tích góp và đổi nhà với diện tích lớn hơn gần trung tâm. Người trẻ cần xác định rõ mục tiêu, khả năng tài chính, phải chấp nhận vấn đề đi xa để có được nhà".
Bên cạnh đó, theo ông Lâm Chính phủ cần có chính sách bền vững về nhà ở dành cho người lần đầu tiên sở hữu nhà ở. Chẳng hạn nhưgói giải cứu 30.000 tỉ trước đây, nhiều người đã chớp lấy thời cơ lúc đó và có được nhà. Rất tiếc là sau đó, Chính phủ không có gói nào tiếp theo, khiến phân khúc nhà giá rẻ gần như biến mất khỏi thị trường.
"Chính phủ cần có một cơ chế để giảm bớt thủ tục, hoặc tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở giá rẻ", ông Lâm đề xuất.
Để giá bất động sản không còn tăng mạnh, mất kiểm soát, thì phải đánh thuế vào những người có nhiều bất động sản, ai sở hữu nhiều nhà thì đánh thuế cao, có như vậy giá bất động sản mới giảm nhiệt. Hiện nay, nhiều khu vực vùng ven trở thành các khu đô thị hoang, không người ở thì cần đánh vào bất động sản bỏ hoang.
Ông Lâm cho biết thêm, về lâu dài cần có một chính sách đồng bộ của Chính phủ. Còn về phía người trẻ cũng nên tham gia vào một số cơ hội của thị trường để gia tăng thu nhập. Việc đầu tư vào bất động sản hiện nay chưa phong phú, nhưng cổ phiếu cũng là một cách gia tăng thu nhập, chứ không thể ngồi chờ và hài lòng với mức thu nhập 15-20 triệu mỗi tháng thì biết khi nào mới có được nhà.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp