Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thu hồi sổ hộ khẩu giấy khi người dân thay đổi thông tin

Chính sách - Hạ tầng

25/03/2021 17:26

Từ ngày 1/7, khi người dân đăng ký thay đổi thông tin trong hộ khẩu, cảnh sát sẽ cập nhật vào trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thu hồi sổ giấy.

Ngoài ra, cảnh sát quản lý cư trú cũng sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Cục Pháp chế cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, cho biết đây là một trong những điểm mới trong Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực từ 1/7.

Với việc thay đổi quản lý đăng ký thường trú, tạm trú từ sổ giấy sang công nghệ thông tin, cảnh sát quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo Cục Pháp chế cải cách hành chính tư pháp, từ ngày Luật Cư trú có hiệu lực, thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Về thủ tục đăng ký thường trú lần đầu, người dân sẽ phải khai vào tờ khai điện tử về thay đổi thông tin cư trú, cung cấp giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp để cảnh sát kiểm tra và cập nhật vào hồ sơ trên hệ thống cơ sở dữ liệu cư trú. Thủ tục này được rút ngắn tối đa còn 7 ngày thay vì 15 ngày.

Một người dân cầm chứng minh thư và hộ khẩu giấy đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip, ngày 9/3. Ảnh:Giang Huy

Một người dân cầm chứng minh thư và hộ khẩu giấy đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip, ngày 9/3. Ảnh:Giang Huy

Liên quan đến các điều kiện đăng ký thường trú (hộ khẩu), lãnh đạo Cục Pháp chế cải cách hành chính tư pháp cho rằng qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), việc thực hiện quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương chưa hiệu quả vì chỉ hạn chế được số người đăng ký thường trú chứ không hạn chế người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống tại các đô thị lớn.

Hơn nữa, việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú. Vì vậy Luật cư trú năm 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân.

Luật Cư trú năm 2020 cũng quy định công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình hoặc vợ chồng, anh chị em... về ở với nhau thì được đăng ký thường trú.

Ngày 1/7, Bộ Công an sẽ hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn 2, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam, như họ tên, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số định danh cá nhân... Thông tin này được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ và quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Khi hoàn thiện dự án cơ sở dữ liệu này, từ ngày 1/7 người dân có thể không cần phải cầm sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch. Mỗi công dân có một mã số định danh, một tệp hồ sơ riêng, cảnh sát chỉ cần tra họ tên trên máy tính để xem xét, hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến.

undefined

Bá Đô

BÁ ĐÔ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement