27/09/2019 15:38
Thời hạn doanh nghiệp được nợ lương người lao động là bao lâu?
Có những trường hợp doanh nghiệp làm ăn không thuận lợi để có thể trả lương đúng hạn. Vậy doanh nghiệp được nợ lương người lao động bao lâu?
Người lao động được trả lương vào lúc nào?
Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động mới nhất, tiền lương sẽ bao gồmmức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Đồng thời, người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm hoặc khoán.
Nếu trả lương theo thời gian: Với người hưởng lương giờ, ngày, tuần: Được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
Với người hưởng lương tháng: Được trả lương 1 lần/tháng hoặc nửa tháng một lần.
Nếu trả lương theo sản phẩm hoặc khoán: Lương được trả theo thoả thuận của hai bên. Nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Nguyên tắc trả lương
Tiền lương ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống thường ngày của người lao động, chính vì vậy, pháp luật đảm bảo cho người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn.
Bên cạnh đó, theo Điều 24 Nghị định số 05 năm 2015 của Chính phủ, trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn theo thỏa thuận thì không được trả chậm quá 1 tháng.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải trả thêm cho người lao động 1 khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Cụ thể:
Tiền trả thêm (ít nhất) = Số tiền trả chậm x Lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố
- Nếu trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;
- Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản:
Khi Ngân hàng Nhà nước không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
Căn cứ quy định nêu trên, có thể khẳng định, chỉ khi bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà doanh nghiệp đã tìm cách khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hẹn thì mới được nợ lươngnhân viên và chỉ nợ trong vòng 1 tháng.
Nợ lương, chậm trả lương, doanh nghiệp bị phạt
Người lao động phải được trả tiền lương, tiền công xứng đáng với công sức của mình. Do đó, để bảo vệ người lao động, theo khoản 10 Điều 1 Nghị định số 88/2015, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền nếu vi phạm quy định về nghĩa vụ trả lương:
- Từ 5 - 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 1 - 10 người lao động;
- Từ 10 - 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 - 50 người lao động;
- Từ 20 - 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 - 100 người lao động;
- Từ 30 - 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 - 300 người lao động;
- Từ 40 - 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đồng thời, doanh nghiệp còn buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại công bố tại thời điểm bị xử phạt.
(Nguồn: LuatVietNam)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp