07/11/2017 01:50
Thịt heo bị tiêm thuốc an thần: Đến thương lái còn không thể nhận biết, huống hồ người tiêu dùng!
Heo bị tiêm thuốc an thần sau khi giết mổ, thịt giữ được độ dẻo, tươi đỏ lâu và luôn bán được cao hơn 10-20%...
Đó là tiết lộ của một số chủ chảo (người thuê chảo tại cơ sở giết mổ) từng thuê chảo để giết mổ heo tại cơ sở giết mổ (CSGM) Xuyên Á, khi cơ sở giết mổ này còn hoạt động.
Bất chấp để bán được giá cao
Tìm gặp một số thương lái ký hợp đồng thuê chảo tại CSGM Xuyên Á sau sự cố hơn 4.000 con heo tại cơ sở này bị bắt quả tang tiêm thuốc an thần vào heo. Chuyện xảy ra đã hơn một tháng nhưng nhiều thương lái vẫn đang đau đầu về hệ quả của nó.
Xuyên Á có khoảng 20 chảo cho thương nhân thuê để giết mổ heo. Một số chủ chảo trong nhóm 13chủ chảo bị bắt quả tang khi đang tiêm thuốc cho heo vào đêm 28/9, tìm cách từ chối những câu hỏi của chúng tôi liên quan đến vụ việc.
Nhómchảo còn lại cởi mở hơn, phần vì hành vi gian dối bị phan phui, phần vì họ tức giận bị vạ lây sau khi xảy ra vụ việc khiến CSGM bị tạm dừng hoạt động, phải mang heo ngược xuôi đi các tỉnh kiếm lò thuê giết mổ với chi phí “ăn hết” cả đồng lãi.
Trong câu chuyện của những chủ chảo này, chung quy lại cùng vì muốn miếng thịt bán được giá cao mà không ít gian thương bất chấp tất cả.
Chị X, một chủ chảo dãi bày, do thịt từ chợ đầu mối chủ yếu về các chợ lẻ, đây là kênh phân phối truyền thống. Người mua chủ yếu nhận diện bằng mắt và bằng tay, nhìn miếng nào nạc, hồng, tươi thì chỉ người bán cắt… nên tiểu thương bán lẻ thấy nhu cầu của người mua sao, đặt hàng ngược lại với các chủ dậu (chủ sạp) tại chợ đầu mối. Chủ dậu lại đặt điều kiện cho các chủ chảo cung cấp.
Chợ đầu mối về đêm chẳng khác gì một sàn giao dịch giữa các thương lái. Những người giết mổ heo tại các lò mổ xong chở heo đến đây cung cấp cho các chủ dậu. Giá heo trong đêm được xác định ngoài việc dựa trên nguồn cung từ các lò mổ đổ về còn dựa trên độ tươi,nạc của sản phẩm.
Chị X cho biết, thịt phân phối qua kênh chợ đầu mối toàn bộ là thịt nóng (giết mổ trong đêm đem bán trực tiếp ra chợ đầu mối) chứ không phải hàng cấp đông rồi mới bán. Nên mức độ cạnh tranh tươi hay không tươi của miếng thịttheo từng giờ, từng phút. Từ thực tế này đã nảy sinh những chiêu trò bất chính.
Xưa nay miếng thịt tươi nhất là là phần thịt nạc đùi và nạc mông được lấy ngay sau khi con heo được mổ. Thịt này được đưa vào cối giã hoặc máy xay xây nhuyễn làm chả lụa, giò hay chả quế… vì thịt còn nóng nên thớ thịt dẻo, dai, hồng… độ bám dính tốt, giò chả nhờ đó ngon hơn.
Nhưng giờ lò mổ thủ công bị xóa sổ, ai muốn giết mổ phải đến lò mổ tập trung. Mà ở đây không thể làm tươi, làm nóng như ở nhà. Heo thịt từ nửa đêm, về chợ đầu mối rồi ra đến chợ lẻ khi trời đã sáng thì thịt sao còn nóng được.
Theo chị X và chị L, không biết từ bao giờ, nhiều chủ chảo nghĩ ra cách tiêmthuốc an thần cho heo. Thuốc này giúp dễ vận chuyển, dễ giết mổ mà giết mổ xong thịt dẻo, hồng hào… chủ dậu nào chẳng thích.
Heo thịt tại CSGM xong, phân làm hai mảnh chở thẳng ra chợ đầu mối. Chủ dậu nhìn vào độ nạc, độ dẻo và màu sắc của mảnh thịt để định giá. Và giá giữa mảnh thịt tươi luôn được trả cao hơn từ 10.000-20.000 đồng/kg so với miếng thịt không tươi, không nạc, không dẻo… Đây là động cơ khiến nhiều chủ chảo bất chấp để chích an thần để có được những mảnh thịt tươi, dẻo…
Heo không tiêmthuốc, sau vài giờ đồng hồ ra đến chợ đầu mối màu sẽ nhợt nhạt, bề mặt thịt khô, khớp chân heo cứng lại… Các chủ dậu đánh giá heo không còn tươi vàluôn bị định giá rất thấp hơn khá nhiều.
Nỗi lo thịt độc
Lý do khiến những chủ chảo “bóc mẽ” toàn bộ mánh nới gian dối này bởi họ muốn thị trường thịt phải được cạnh tranh công bằng hơn. Và hơn hết chính bản thân những chủ chảo cũng thấy sợ hãi về những nguy cơ mà loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Mình không biết thuốc gây hại thế nào cho người ăn thịt dính thuốc, nhưng cứ nhìn những miếng thịt từ những con heo được tiêm thuốc trước khi giết mổ sau nhiều giờ vẫn cứ tươi rói, hồng hào… sợ lắm. Thịt không có thuốc cùng thời gian vậy sẽ khô và biến màu liền”, L, một chủ chảo có hơn 20 năm làm nghề cho hay.
Một chủ chảo tên V cho biết, tác hại của thuốc an thần với người tiêu dùng anh chỉ biết các nhà chuyên môn nói qua báo chí, truyền hình. Nhưng bản thân anh không ít lần thấy những miếng thịt từ các con heo được tiêm thuốc trước khi giết mổ tươi mãi, đỏ mãi của những chủ chảo khác cũng thấy… rùng mình.
Những chủ chảo chấp nhận chia sẻ với chúng tôi về những góc khuất trong nghề bởi lý do, dù làm mổ heo nhưng toàn bộ là cung cấp sỉ trong đêm nên đôi khi, ban ngày gia đình, người thân có nhu cầu mua thịt ăn lại ra chợ lẻ mua màlo ngay ngáy.
Các chị cho biết, thịt heo bơm nước thì có thể dễ dàng nhận biết vì miếng thịt luôn có độ ướt, nhưng thịt tiêm an thần thì ngay cả những người làm nghề hơn 20 năm cũng chẳng thể nhận biết.
Vì vậy, sau sự cố lớn tại CSGM Xuyên Á, những thương nhân này càng muốn mở rộng kiểm soát ra toàn ngành thịt với lý do. Toàn bộ thịt khi không có an thần, không có chất cấm thì sự cạnh tranh giữa tiểu thương với nhau công bằng hơn. Và người tiêu dùng được an toàn hơn.
Advertisement