26/11/2020 15:34
Thiếu container rỗng trong mùa cao điểm khiến xuất khẩu gặp khó khăn
Việc thiếu các thùng container rỗng cho xuất khẩu kể từ đầu tháng 10 là nguyên nhân khiến kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện có đến 40% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết container và khi chủ hàng đến nhận mới được thông báo báo là chưa có. 43% doanh nghiệp cho biết là do bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép và 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu.
Công ty TNHH VRICE là một trong những doanh nghiệp đang gặp tình trạng này bởi từ đầu tháng 10/2020 tới nay không thể xuất khẩu hàng đúng hẹn cho đối tác. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE - cho biết: Các đơn hàng xuất khẩu gạo đến kỳ phải giao cho đối tác của chúng tôi đang phải nằm trong cảnh chờ đến lượt được hãng tàu thông báo tập kết mới được xuất đi. Điều này có thể do các hãng tàu giảm thời gian lấy container tại cảng xuất hàng và thời gian vận chuyển hàng giữa các cảng lâu hơn bình thường từ 7-20 ngày.
Việc thiếu container rỗng cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu gặp khó khăn. Ảnh minh họa |
Theo ông Có, việc phải “nằm chờ” đang gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp bởi chi phí bị đội lên ước tính từ 5-10% giá trị lô hàng vì phải chờ ở cảng. Đó là chưa kể thời gian vận chuyển lâu hơn bình thường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT của Vina T&T Group cho biết, do lượng container rỗng về các cảng không nhiều nên Vina T&T cũng phải chờ đợi để đóng hàng xuất khẩu.
Liên quan đến thực trạng này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam lý giải: Những tháng đầu năm 2020 đơn hàng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam chậm vì ảnh hưởng dịch bệnh và mới chỉ khởi sắc gần đây nên dẫn tới tăng nhiều hơn so với thời điểm giữa năm.
Ngoài ra, trong suốt 10 tháng đầu năm nay Việt Nam liên tục xuất siêu nhưng nhập khẩu lại giảm đã làm thay đổi cán cân xuất nhập khẩu, càng khiến tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng hơn.
Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 440,09 tỷ USD, tăng 2,7% với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu đạt trị giá 229,79 tỷ USD, tăng 5% (tương ứng tăng 10,85 tỷ USD) và nhập khẩu đạt gần 210,3 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3% (tương ứng tăng 661 triệu USD). Như vậy, qua 10 tháng, kim ngạch hàng hóa của cả nước đã đạt mức xuất siêu gần 19,5 tỷ USD. Thêm vào đó hiện nay dịch bệnh chưa được kiểm soát trên thế giới nên mỗi chuyến hàng xuất đi thì các thuyền viên khi cập cảng sẽ phải thực hiện cách ly - cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
“Thông thường cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu để kịp thời tiến độ giao hàng cho đối tác, trong khi năm nay chuỗi cung logistics lại đình trệ do dịch bệnh nên thiếu container là điều khó tránh khỏi”- ông Nguyên nhận định.
Trước việc thiếu container rỗng xuất khẩu, buộc các doanh nghiệp phải đàm phán với đối tác nhập khẩu để họ thông cảm vì gián đoạn trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng nêu trên, một số cảng ở khu vực phía Nam cho biết đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao nguồn lực để tăng cường chất lượng dịch vụ vận chuyển container, rút ngắn thời gian quay vòng container. Cụ thể là Trung tâm Dịch vụ Logistics Tân Cảng (SNPL) đang đẩy mạnh vận chuyển container rỗng giữa cảng Cái Mép và ICD Tân Cảng Long Bình, cũng như tại các ICD khác như Sóng Thần, Nhơn Trạch, Hiệp Phước.
Ngoài ra, một số đang đề xuất cần liên kết các nhà xuất nhập khẩu có nhu cầu sử dụng container để tái sử dụng container. Đồng thời khuyến cáo các chủ hàng cần linh hoạt sử dụng container rỗng, ở vùng nào thì chủ động lấy container vùng đó để tránh tình trạng ùn tắc và thiếu hụt khi chỉ tập trung vào một chỗ.
(Theo Bộ Công thương)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp