17/03/2017 07:00
"Thiến hóa học" tội phạm ấu dâm có hiệu quả?
Một cán bộ nhà nước có trách nhiệm thiến hóa học mà nhận tiền để không tiêm thuốc thì sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng hơn là tống kẻ thủ ác vào tù.
Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress về hình phạt thiến hóa học đối với tội phạm ấu dâm.
Câu chuyện thiến hóa học không mới với nhiều nước. Trường hợp bị thiến hóa học nổi tiếng nhất và cũng gây tranh cãi nhất là của Alan Turing, nhà khoa học Anh đã có công tiên phong trong việc tạo ra chiếc máy vi tính đầu tiên. Ông còn là người giúp phá mã liên lạc của phát xít Đức trong thế chiến thứ hai nhờ phát minh của mình.
Alan Turing bị thiến hóa học khi ông bị bắt vì tội quan hệ tình dục với nam giới. Thời ấy, đó là một tội tình dục được xếp vào hàng ghê tởm ở Anh. Sau cùng thì Alan tự tử, một kết quả mà nhiều người cho là do tác động trực tiếp của loại hóa chất mà ông buộc phải dùng.
Cũng có nhiều giả thiết khác thuyết phục hơn. Chỉ riêng việc bị bắt và bị xử tội chỉ vì xu hướng tình dục, cái mà nhiều người giờ cũng biết là bình thường, thì cũng đã đủ để nhiều người lâm vào trạng thái quẫn bách.
Đấy là hơn nửa thế kỷ trước. Bây giờ thì các loại hóa chất dùng cho việc thiến hóa học đã tân tiến hơn nhiều và một số loại thật ra là thuốc dùng cho các bệnh khác nhau.
Ví dụ như thuốc để chữa ung thư tuyến tiền liệt, thuốc chữa nam hóa do tăng testosterone ở nữ giới hay cả thuốc ngừa thai. Các loại thuốc này làm giảm ham muốn tình dục và có thể làm giảm khả năng cương dương.
Những hậu quả y tế do tác dụng phụ của các loại thuốc này đều có thể được kiểm soát tốt. Vì vậy nên khá nhiều nước áp dụng loại hình phạt này, thường là tội phạm được chọn hình phạt này để đổi lấy án tù nhẹ hơn. Cũng có trường hợp thiến hóa học là bắt buộc.
Vậy phương pháp này có hữu hiệu không? Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả đối với các cá nhân bị tiêm thuốc thiến hóa học là khá tốt, mặc dù phương pháp này vẫn không hiệu nghiệm trong một số trường hợp. Mặt khác, khi dừng thuốc thì các cá nhân này có thể sinh hoạt tình dục trở lại, tất nhiên là cũng còn tùy vào tuổi và sức khỏe của từng người.
Trở ngại lớn nhất của việc áp dụng biện pháp này là sự tốn kém và bất tiện. Thiến hóa học chỉ có tác dụng khi phạm nhân thường xuyên được tiêm thuốc đúng định kỳ, còn khi không tiêm thuốc nữa thì có khả năng là đâu vẫn hoàn đấy. Để có kết quả, phạm nhân phải luôn có mặt đúng định kỳ ở một cơ sở của nhà nước để tiêm thuốc.
Đối với Việt Nam thì có hai trở ngại: khả năng cấp thuốc đúng thời hạn cho các cơ quan quản lý thiến hóa học và khả năng đặt các cơ quan này ở đúng chỗ. Ví dụ như ở các tỉnh thành xa xôi thì nhà nước có đủ điều kiện để thiến hóa học các tội phạm này trong thời gian dài hay không?
Sau cùng, biện pháp này đòi hỏi sự minh bạch lâu dài của bộ phận hành pháp. Một cán bộ nhà nước có trách nhiệm thiến hóa học mà nhận tiền để không tiêm thuốc thì càng gây thiệt hại nghiêm trọng hơn là tống kẻ thủ ác vào tù.
Các biện pháp trừng phạt bọn ấu dâm ở các nước phát triển là cực kỳ nghiêm ngặt và thiến hóa học là một phần trong đó. Hiệu quả của các biện pháp này thường không nằm trong bản thân của biện pháp mà nằm trong khả năng thực thi của cơ quan luật pháp.
Việc xem xét đưa hình phạt này vào trong số hình phạt cho tội ấu dâm là hợp lý nhưng việc xem xét cách thức và ngân quỹ để tiến hành mới là quan trọng. Bản thân tôi thì nghĩ rằng hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay có rất nhiều lỗ hổng trong quá trình truy tố và xét xử bọn tội phạm ấu dâm, ví dụ như quá trình thu thập bằng chứng, nghiệp vụ lấy lời khai của nạn nhân nhỏ tuổi, khả năng cách ly nạn nhân khỏi kẻ thủ ác... đều yếu kém.
Chính những lỗ hổng này mới là nguyên nhân khiến cho bọn ấu dâm lộng hành. Nếu bắt được và kết tội được chúng với tần suất cao hơn thì nạn ấu dâm sẽ giảm bớt, còn trừng phạt thì có nhiều cách khác nhau.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp