Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thị trường xe hơi Việt Nam: Kỳ 3 - Nếu một ngày, đường phố toàn 'bốn bánh'

Thị trường

08/10/2017 06:36

Sự bùng nổ của xe hơi cá nhân là vòng xoay không thể ngăn cản, mốc thời gian 2018, khi thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN về 0%, được dự đoán sẽ là thời điểm xe hơi bùng nổ tại Việt Nam, các hệ lụy cũng nên được tính đến.

Thị trường xe hơi phát triển nhanh nhất thế giới

Đông Nam Á đang được cho là thị trường xe hơi nóng nhất trên thế giới. Ở Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, công nghiệp xe hơi đã phát triển từ rất lâu, sản lượng xe tiêu thụ đi ngang và thậm chí còn giảm, các hãng xe hơi đang phải tìm kiếm “mỏ vàng” mới để tồn tại. Trung Quốc hay Ấn Độ là hai điểm nóng và đang được các hãng xe hơi “xâu xé” kịch liệt. Tuy nhiên, tăng trưởng nóng nhất lại là Đông Nam Á, khu vực có rất nhiều nước đông dân và tỉ lệ sở hữu xe cá nhân còn rất thấp.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, tính tới tháng 7/2017, dân số toàn khu vực Đông Nam Á là khoảng 650 triệu người trong đó Indonesia khoảng 263 triệu, Philippines 104 triệu, Việt Nam 95 triệu, Thái Lan 68 triệu, Myanmar 55 triệu, Malaysia 31 triệu người. Trong số này, chỉ có Malaysia và Thái Lan là có tỉ lệ sở hữu xe hơi tương đối cao (82% tại Malaysia và 51% tại Thái Lan), còn lại các nước đông dân khác đều có tỉ lệ thấp (6% tại Indonesia, 4% tại Philppines và 2% tại Việt Nam).

Với việc kinh tế khu vực đang phát triển mạnh mẽ, BMI Research – đơn vị chuyên về thông tin tài chính của Fitch Group dự báo, tổng doanh số bán xe tại Đông Nam Á năm 2017 sẽ tăng 8,1%, đây là tỉ lệ trung bình trong khu vực, nó sẽ lớn hơn rất nhiều với các quốc gia có tỉ lệ sở hữu xe hơi thấp, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo nghiên cứu của BMI Research, Việt Nam có thể đạt mốc tăng trưởng xe hơi lên tới 18-20% trong các năm tới. Rõ ràng xu hướng sở hữu xe hơi là phương tiện cá nhân là tương lai của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực. Xe hơi được dự báo sẽ bùng nổ ở các thành phố lớn, làm trầm trọng hơn tình trạng tắc nghẽn giao thông, khi cơ sở hạ tầng không thể thay đổi kịp.

Nhìn từ các nước láng giềng

Theo khảo sát, Bangkok của Thái Lan và Jakarta của Indonesia luôn nằm trong danh sách những thành phố tắc nghẽn giao thông nhất trên thế giới. Tại Bangkok, tình trạng kẹt xe gần như diễn ra hàng ngày tại các trục đường chính. Cho dù đã có hệ thống đường sắt trên cao tương đối hoàn thiện, nhưng ở trục đường Sukhumwit và các nhánh rẽ, những hàng dài xe hơi luôn nối đuôi nhau đi với tốc độ rất chậm, cho dù nhiều lúc không phải giờ cao điểm. Người viết đã từng chứng kiến, để đi được 5km qua con đường này, tài xế Uber phải mất tầm 1,5 giờ đồng hồ nếu đường ùn tắc.

Tình trạng giao thông tại Bangkok, Thái Lan giờ cao điểm.

Indonesia dù ít xe hơi hơn hẳn Thái Lan, nhưng là quốc gia tiêu thụ xe máy lớn nhất thế giới, những con đường của thủ đô Jakarta cũng luôn nêm kín người, khung cảnh đường phố rất giống với tại Việt Nam, Hà Nội hay TPHCM.

Manila của Philippines bớt tồi tệ hơn so với hai thành phố trên, nhưng có vẻ như vẫn còn tồi tệ hơn giao thông tại Việt Nam. Cựu Tổng Giám đốc FordViệt Nam, ông Jesus Metelo Arias 'Met', vào năm 2013, khi được hỏi về giao thông Manila so với Hà Nội, đã thẳng thắn nhận định rằng, tắc đường tại Việt Nam chưa là gì so với đất nước quê hương ông.

Xe hơi quá nhiều chính là nguyên nhân khiến giao thông tại Bangkok tồi tệ mỗi ngày

Trong khi Thái Lan vẫn tiếp tục xây dựng những tuyến đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm, để giảm tải giao thông đường bộ, thì cả tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lẫn tổng thống Indonesia Joko Widodo, đều lấy việc nâng cấp giao thông công cộng để cải thiện tình trạng giao thông là vấn đề cốt lõi.

Nếu như Thái Lan đi trước Việt Nam hàng chục năm, thì Indonesia hay Philippines là hai quốc gia khá gần gũi với Việt Nam, và những kinh nghiệmcủa các quốc gia này sẽ giúp ích rất nhiều, nếu như Việt Nam muốn cải thiện tình trạng giao thông.

Nếu một ngày, đường phố Việt Nam toàn xe hơi

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam (VAMA), trong năm 2016, toàn thị trường xe hơi đạt doanh số 304.472 xe, tăng 24% so với năm 2015. Từ đầu năm tới nay, tính riêng các thành viên VAMA đã đạt doanh số cộng dồn 165.586 xe, dù năm 2017 được đánh giá là năm có doanh số bán xe không cao, nhưng cũng không giảm đáng kể so với năm 2016.

Xu hướng tăng được dự đoán sẽ trở lại mạnh mẽ vào năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực ASEAN giảm về 0%, đi kèm sẽ là làn sóng nhập khẩu xe ào ạt vào Việt Nam. Các hãng xe hơi trong nước đã sẵn sàng cho các kế hoạch nhập khẩu những mẫu xe hấp dẫn vào Việt Nam, từ các nước có công nghiệp xe hơi phát triển hơn trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Tình hình giao thông tại các đô thị lớn của Việt Nam những năm qua có chiều hướng phức tạp.

Ở trong nước, Trường Hải, Hyundai Thành Công, và mới đây nhất là VinFast, đang xây dựng cũng như mở rộng nhà máy, với sản lượng tối đa từ 100.000 xe/năm (Trường Hải) cho tới 500.000 xe mỗi năm (VinFast). Viễn cảnh xe hơi tràn ngập đường phố có lẽ sẽ không còn quá xa vời nữa. Khao khát sở hữu xe hơi của người Việt là rất lớn, sau một thời gian dài phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy, phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ tai nạn cho tới ô nhiễm, khói bụi, mưa nắng, vì vậy nếu không có những thay đổi lớn về mặt chính sách khiến chi phí lăn bánh một chiếc xe hơi không thể giảm như kỳ vọng, thì thị trường xe hơi chắc chắn sẽ bùng nổ trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Mặt trái của bùng nổ xe hơi, nhìn rõ nhất ở Thái Lan hay Indonesia. Hạ tầng giao thông đường bộ không thể đáp ứng được nhu cầu của phương tiện cá nhân như xe hơi, đặc biệt ở những điểm nóng giao thông và trong giờ cao điểm. Việc này khiến tình trạng ùn tắc xảy ra liên miên, kéo dài, gây mệt mỏi cho người lái xe, làm người dân mất nhiều thời gian ở trên đường, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Đó là tình trạng ở các quốc gia có văn hóa giao thông tốt hơn Việt Nam rất nhiều, và sẽ là khủng khiếp hơn nếu Hà Nội hay TP.HCM xuống đường toàn xe hơi.

Việc quá nhiều năm sử dụng xe máy, với thói quen luồn lách, chen lấn, lái xe kiểu không hàng không lối, kiểu “điền vào chỗ trống” đã khiến rất nhiều người Việt, dù đã sử dụng xe hơi, vẫn giữ nguyên thói quen này. Số lượng này hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ khi giá xe hơi rẻ đi đáng kể trong năm 2018, nhiều người đang đi xe máy sẽ dễ dàng hơn sở hữu xe hơi, và tiếp tục đi theo kiểu xe máy ở trên đường. Cách đi không hàng lối này, có thể khiến một chiếc xe máy về đích sớm hơn, nhưng phản tác dụng với một chiếc xe hơi, vốn to lớn và chiếm nhiều không gian giao thông trên đường hơn. Lấn làn, luồn lách, sẽ khiến những chiếc xe hơi tự đưa mình vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.

Kiểu chạy xe không hàng lối sẽ khiến giao thông tại Hà Nội hay TP.HCM trở nên hỗn loạn, khi thị trường xe hơi bùng nổ.

Điều kiện đường xá tại Hà Nội và TP.HCM hiện tại đã trở nên quá tải, chưa kể phải gánh thêm hàng trăm ngàn xe xe hơi nữa mỗi năm, trong khi số lượng xe máy chưa có dấu hiệu giảm. Giao thông tại Hà Nội trong những ngày thời tiết đẹp không quá khủng khiếp, do nhiều người lựa chọn xe máy để di chuyển. Tuy nhiên, vào những ngày mưa, người dân chuyển sang sử dụng xe hơi, và ngay lập tức đường tắc, từ đường vành đai cho tới trung tâm thành phố.

Tắc đường, kẹt xe, nghĩ đơn giản, là do phương tiện giao thông quá nhiều, hạ tầng giao thông không đáp ứng được, và do ý thức tham gia giao thông còn kém. Nếu tất cả cùng xếp hàng, thì dù đông xe hơi, dù phải di chuyển lâu hơn trên đường, thì rồi người ta cũng tới đích, nhưng với văn hóa giao thông chen lấn kiểu Việt Nam, khi xe hơi bùng nổ, sẽ là tình trạng kẹt xe kinh hoàng mà nhiều người thậm chí không dám tưởng tượng.

Mà hạ tầng giao thông là thứ công cộng, nó không thể phát triển kịp với tốc độ tăng trưởng của thị trường xe hơi. Tại các nước phát triển, tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra, dù điều kiện giao thông là tốt hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển. Moscow – Nga hay Los Angeles – Mỹ, hàng ngày vẫn phải hứng chịu tình trạng tắc đường với những hàng xe xếp hàng dài nhiều km. Vì vậy, phương tiện giao thông công cộng được cho là tối quan trọng, giúp người ta có thể đi học và đi làm đúng giờ.

Trong những ngày mưa, người dân ưu tiên sử dụng xe hơi, và tắc đường cũng nghiêm trọng hơn nhiều lần ngày thời tiết đẹp.

Phương tiện giao thông công cộng như xe buýt làn đường riêng BRT, đường sắt trên cao, hay tàu điện ngầm, là những thứ sẽ luôn đúng giờ, bất chấp tình trạng giao thông ở làn đường xe hơi – xe máy. Việc đi bộ, chuyển bến, đợi tàu xe, có thể sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, nhưng người ta có thể biết chắc chắn mấy giờ sẽ đến cơ quan, và lúc nào sẽ kịp giờ vào học. Phương tiện giao thông công cộng được lựa chọn ở các quốc gia phát triển cũng như nhiều quốc gia đang phát triển vì vậy.

Hà Nội và TP.HCM đang gấp rút hoàn thành hệ thống giao thông công cộng tiên tiến này, một tín hiệu vui khi mà thị trường xe hơi đang được dự báo sẽ sớm bùng nổ, và nếu không có gì thay đổi, giao thông sẽ trở nên tồi tệ hơn. Khi mà tình trạng tắc đường có thể giữ chân chiếc xe hơi cả giờ đồng hồ trên đường, thì việc phải đi bộ 20-30 phút có lẽ sẽ không còn là vấn đề quá lớn.

Hệ thống đường sắt trên cao cũng như metro đang được gấp rút hoàn thiện tại Hà Nội và TP.HCM. Dù mang nhiều hoài nghi, nhưng đây là niềm hi vọng của một môi trường giao thông văn minh.

Trên thực tế, không ai mong tình trạng giao thông tồi tệ hơn nữa xảy ra tại Việt Nam, và nhu cầu sở hữu xe hơi của người dân là hoàn toàn chính đáng, một phương tiện an toàn và tiện nghi hơn so với xe máy hiện nay. Vài năm nữa, có thể xe thương hiệu Việt của VinFast sẽ chạy đầy đường, có thể Trường Hải, Hyundai Thành Công sẽ lật đổ "sự thống trị" của Toyota tại Việt Nam trong thời gian qua, có thể xe sản xuất tại Việt Nam sẽ xuất khẩu sang Indonesia hay Philippines, những quốc gia đông dân và cũng là những thị trường đầy tiềm năng.

Quan trọng là, khi thị trường xe hơi bùng nổ, nguồn thu từ đây sẽ được giữ lại và sử dụng đúng cách, cho việc phát triển giao thông công cộng và cải thiện điều kiện giao thông đường bộ, cũng như nâng cao ý thức tham gia giao thông. Với mỗi người dân, có lẽ điều cần thiết nhất ngay lúc này, là tự mình tiếp cận với giao thông văn minh, với văn hóa xếp hàng và từ bỏ kiểu chạy xe chen lấn, nếu không muốn mỗi lần ra đường là mỗi khoảng thời gian tồi tệ nhất trong ngày.

TÔ TÙNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement