Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thị trường vàng thế giới chưa 'bắt được sóng' lạm phát

Vàng - Ngoại tệ

18/02/2024 07:24

Giá vàng liên tục điều chỉnh giảm trong những phiên giao dịch gần đây do các số liệu lạm phát Mỹ liên tục tăng mạnh hơn dự kiến, dù lạm phát đã giảm khá mạnh so với mức đỉnh cao vào năm 2022.

Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã giảm từ mức 2.031 USD/oz xuống tới mức 1.984 USD/oz, sau đó lại phục hồi lên 2.015 USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 2.013 USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng giảm từ mức 78,85 triệu đồng/lượng xuống 77,69 triệu đồng/lượng, sau đó phục hồi lên mức 78,95 triệu đồng/lượng.

Sở dĩ giá vàng liên tục điều chỉnh giảm trong những phiên giao dịch gần đây do các số liệu lạm phát Mỹ liên tục tăng mạnh hơn dự kiến, dù lạm phát đã giảm khá mạnh so với mức đỉnh cao vào năm 2022.

Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1/2024 của Mỹ đã tăng 0,3% so với tháng 12/2023, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8 năm 2023, sau khi giảm 0,1% trong tháng 12/2023. Trong khi đó, các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự báo PPI chỉ tăng 0,1%. Trong 12 tháng tính đến tháng 1, PPI đã tăng 0,9%.

Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 của Mỹ đã tăng 3,1%, cao hơn nhiều so với mức dự kiến 2,9% theo kết quả khảo sát của Reuters.

Dựa trên số liệu CPI và PPI, các chuyên gia kinh tế ước tính chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cơ bản trong tháng 1/2024 của Mỹ (không bao gồm lương thực và năng lượng) có thể tăng 0,4% trong tháng 1/2024. Trong 12 tháng tính đến tháng 1, PCE cơ bản dự báo tăng 2,9%.

Đáng lưu ý, theo khảo sát của Đại học Michigan, chỉ số tâm lý tiêu dùng tháng 2/2024 đã tăng lên 79,6 điểm, tăng nhẹ so với mức 79 điểm của 1/2024. Đồng thời, báo cáo của Đại học Michigan cho biết người tiêu dùng nhận thấy lạm phát sẽ tăng 3% vào thời điểm này trong năm tới, cao hơn so với mức 2,9% được báo cáo vào tháng 1/2024.

Nền kinh tế Mỹ vẫn tiến lên phía trước trong quý 4/2023, đánh dấu quý thứ sáu tăng trưởng liên tiếp. Diễn biến này trái ngược với nhiều dự đoán được đưa ra hồi năm ngoái rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ khó tránh khỏi suy thoái vì tác động của lãi suất cao.

Nền kinh tế Mỹ có thể duy trì được thể trạng tốt như thế một phần lớn là nhờ chi tiêu hộ gia đình, yếu tố chiếm phần lớn nền kinh tế nước này, vẫn mạnh mẽ bất chấp nhiều thách thức.

Chính sách kích thích của chính phủ đã giúp các hộ gia đình vượt qua giai đoạn đầu của đại dịch và sự leo thang của lạm phát. Và giờ đây, sự gia tăng tiền lương đang giúp họ ứng phó với tình trạng giá hàng hóa và dịch vụ cao.

Báo cáo được công bố ngày 15/2 cho thấy có ít người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu hơn trong tuần trước. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn rất khỏe mạnh, bất chấp làn sóng sa thải gây chú ý trong thời gian gần đây. Sự vững mạnh của thị trường lao động đang góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều nguy cơ, và giới chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể loại bỏ nguy cơ suy thoái. Lạm phát có thể tăng trở lại. Những lo ngại về khối nợ lớn của Chính phủ Mỹ có thể chi phối các thị trường tài chính, từ đó dẫn đến các khoản vay để mua ô tô và các tài sản khác trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, tình trạng thua lỗ gia tăng liên quan đến lĩnh vực bất động sản thương mại có thể là một vấn đề lớn đối với hệ thống tài chính.

Ông Everett Millman, chuyên gia phân tích thị trường trưởng của công ty kinh doanh kim loại quý Gainesville Coins, nhận định vì FED không có khả năng sẽ hạ lãi suất trong tháng Ba, nên vàng có thể sẽ khó tăng mạnh ở trên ngưỡng 2.000 USD/ounce. Ông dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục giảm xuống mức 1.960 USD/ounce.

Giới giao dịch đã lùi thời điểm mà FED được dự đoán sẽ hạ lãi suất từ tháng Ba sang tháng Sáu. Theo công cụ FED Watch của CME, xác suất FED hạ lãi suất vào tháng Sáu là 73%. Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta Raphael Bostic mới đây cho biết FED cần thêm thời gian để xem xét khả năng hạ lãi suất, theo TTXVN.

Các nhà phân tích lưu ý rằng giá vàng tuần tới có thể sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều lực cản khi PPI và CPI tăng mạnh hơn dự kiến khiến các nhà đầu tư phải dự báo lùi thời điểm bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ của FED. Hiện nay, thị trường đang kỳ vọng chỉ có khoảng 10% khả năng FED cắt giảm lãi suất trong tháng 3/2024 và khoảng 33% khả năng FED cắt giảm lãi suất trong tháng 5/2024. Tuy nhiên, vẫn có những kỳ vọng vững chắc rằng FED có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024.

Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng dù vàng có thể tiếp tục chịu áp lực bán trong thời gian tới, nhưng ông vẫn kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trong dài hạn.

“Giá vàng có khả năng vẫn sẽ bị mắc kẹt cho đến khi chúng ta nhìn thấy rõ hơn về các đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai của FED. Dù giá vàng có thể giảm hơn nữa, nhưng sẽ tăng mạnh khi FED bắt đầu thực hiện cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong chu kỳ này”, ông Colin nhận định.

Xét về mặt phân tích kỹ thuật, giá vàng có thể cũng sẽ giảm hơn nữa trong ngắn hạn trước khi phục hồi trở lại. Theo đó, nếu giá vàng tuần tới vẫn trụ vững trên mức 1.970 USD/oz (MA50) thì có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy trên vùng này cho tới khi có lực hỗ trợ mới đẩy giá vàng tăng cao hơn. Tuy nhiên, nếu giá vàng tuần tới bị đẩy xuống dưới mức này, thì có nguy cơ giảm sâu hơn nữa và có thể xuống tới 1.886 USD/oz (MA100), kế tiếp là 1.855 USD/oz (MA200) trong thời gian tới, theo diendandoanhnghiep.vn.

Trong tuần tới, ngoài Biên bản cuộc họp của FED, thì chỉ có số liệu PMI, thất nghiệp hàng tuần được công bố. Các số liệu này có thể không tác động nhiều đến giá vàng tuần tới.

Với giá vàng trong nước biến động trái chiều và giá vàng thế giới neo ở mức 2.013,2 USD/ounce (tương đương gần 60 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trên 18 triệu đồng.

AN LY (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement