26/07/2020 07:48
Thị trường tuần qua: Vàng tăng hơn 4 triệu đồng/lượng, tổ yến giảm kỷ lục
Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, rau xanh, nghêu,... đồng loạt tăng mạnh. Trong khi trái cây rớt giá thê thảm.
Giá vàng tăng sốc
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.902 USD/oz, tăng 8,3 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua, giá vàng trong nước đã có 5 phiên tăng liên tiếp (từ 20-24/7), và liên tục phá các mốc từ 51 triệu đồng/lượng, 52 triệu đồng/lượng, 53 triệu đồng/lượng, 54 triệu đồng/lượng và 55 triệu đồng/lượng.
Tính chung cả tuần, giá vàng miếng SJC đã tăng 3,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng tới 4,08 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận rằng, giá vàng trong nước sẽ theo đà tăng của thế giới, do đó việc đầu tư vàng ngay lúc này vẫn được xem là an toàn nhất so với sự biến động trong chứng khoán, tiền tệ.
Giá rau củ tăng mạnh
Theo ghi nhận, giá các mặt hàng rau tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tăng gấp 3 lần so với vài tháng trước, như xà lách cô-rôn (Mỹ) lên 50.000 đồng/kg; xà lách lôlô từ 40.000 - 45.000 đồng/kg; tần ô (cải cúc) và bó xôi từ 25.000 - 35.000 đồng/kg; cải thảo, bắp sú từ 5.500 - 7.000 đồng/kg; các loại rau mùi như hành, ngò, rau thơm khoảng 50.000 đồng/kg; sú tím 25.000 đồng/kg; cải dưa 18.000 đồng/kg... được các thương lái thu mua tại vườn.
Nhiều người trồng rau ở Đà Lạt chia sẻ, do thời tiết thất thường trong thời gian gần đây khiến rau ăn lá canh tác ngoài trời tại đây và các huyện lân cận bị hư hại nhiều, năng suất kém. Các loại rau củ như hành tây, cà rốt, củ cải cũng tăng giá mạnh, thế nhưng các chủ vựa rau cho biết họ không thể đặt hàng cho khoảng 1 tuần tới.
Trứng chim trĩ giá cao kỷ lục 19.000 đồng/quả
Trong trứng chim trĩ có nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể con người như niacin, coban, axit amin, dành cho người thường xuyên bị bệnh, bệnh lâu ngày, cơ thể suy nhược ốm yếu. Đặc biệt là phụ nữ sau khi sinh con.
"Nhiều người hay so sánh giá trứng chim trĩ với trứng gà ta, nhưng thực chất cách so sánh này không chính xác. Vì nuôi gà dễ hơn nuôi chim trĩ, chưa kể thức ăn cho chim trĩ rất đắt nên trứng bán ra giá cao gấp 5 lần so với trứng gà ta là điều tất nhiên", anh Trung, chủ trang trại nuôi chim trĩ ở Hóc Môn (TP.HCM) chia sẻ.
Giá nghêu thương phẩm tăng mạnh
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Gò Công Đông, trong những ngày qua, giá nghêu thương phẩm tại vùng chuyên canh của tỉnh đang tăng mạnh, người nuôi có lãi khá.
Cụ thể, giá nghêu thương phẩm tại đây từ 25.000 đồng/kg đến 27.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ thu hoạch, tăng hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 15 tấn/ha, nông dân thu hoạch nghêu vào thời điểm hiện nay đạt giá trị sản xuất từ 370 triệu đến 400 triệu đồng.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Gò Công Đông, giá nghêu thương phẩm tăng mạnh khả năng do nhu cầu thị trường lớn nhưng nguồn cung hạn chế.
Bơ khổng lồ rớt giá
Là hộ nhân giống bơ "khổng lồ", anh Trung ở Đăk Nông xác nhận, năm trước giá bơ này bán tại vườn lên tới 50.000 đồng/kg, nay giảm còn 15.000-20.000 đồng/kg.
Theo anh Trung, giá giảm mạnh do sức mua của thị trường giảm. Mặt khác, thị trường năm nay bơ chỉ bán nội địa chứ ít xuất đi nước ngoài nên đẩy giá đồng loạt giảm xuống. Do đó, giống bơ trên 1 kg này cũng hạ giá theo.
Giá tổ yến giảm kỷ lục chỉ còn 15 triệu đồng/kg
Trao đổi với PV, anh Hùng, kinh doanh cửa hàng tổ yến tại (quận 5, TP.HCM) cho biết, chưa năm nào giá tổ yến là rẻ như năm nay, đây là cơ hội để người tiêu dùng được thưởng thức món ăn bổ dưỡng này.
“Thật ra nói rẻ là rẻ so với chính giá của tổ yến các năm trước mà thôi, còn nếu so với các loại thực phẩm khác thì tổ yến vẫn có giá khá cao. Tuy nhiên, nếu muốn được thưởng thức tổ yến thì đây là thời điểm tốt nhất để mua về cho gia đình tẩm bổ”, anh Hùng chia sẻ.
“Giá tổ yến giảm thì có nhiều nguyên nhân, trước hết là do dịch COVID-19, sau đó là do sản lượng ngày càng tăng, trong khi đó bị cạnh tranh của thị trường ngoài nước, mặt hàng yến sào địa phương chưa xuất khẩu chính ngạch…”, anh Hùng giải thích.
Mỹ và Trung Quốc tăng nhập khẩu tôm Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong nửa đầu năm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Riêng tháng 6 mang về 350 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,2% và là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 3.
Đáng chú ý, XK tôm Việt Nam sang hai thị trường chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc trong tháng 6 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và dự kiến XK tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng trưởng tốt trong những tháng tiếp theo.
VASEP nhận định đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn ở các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp