23/08/2020 07:21
Thị trường tuần qua: Nhãn lồng Hưng Yên còn 10.000-15.000 đồng/kg
Tuần qua, nhãn lòng Hưng Yên rớt giá thê thảm, chỉ còn từ 10.000-15.000 đồng/kg trong khi cùng kỳ năm ngoái, loại trái cây này có giá từ 50.000-70.000 đồng/kg.
Giá vàng thế giới loay hoay lấy lại mốc 2.000 USD/ouce, vàng trong nước tăng giảm bất thường
So với cuối tuần trước, vàng thế giới hiện chỉ thấp hơn 2 USD/ounce, nhưng so với mốc cao nhất đạt được trong tuần này (gần 2.020 USD phiên 18/8) giá kim quý hiện đã giảm gần 80 USD. Thậm chí, nếu tính biên độ dao động lớn nhất của vàng trong tuần qua, con số cũng lên tới gần 100 USD/ounce.
Ở thị trường tuần trước, giá vàng miếng SJC hiện tại cao hơn tuần trước gần 600.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu so với đỉnh tuần này (sáng 18/8), giá vàng chốt tuần đứng thấp hơn gần 2 triệu đồng/lượng. Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đang niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 55,35 - 56,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Rau xanh tiếp tục tăng giá
Sáng 22/8, tại một số chợ dân sinh như Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), Ngọc Hà (quận Ba Đình), Gia Lâm (quận Long Biên),... các mặt hàng đều giữ giá ổn định, chỉ có giá rau xanh tiếp tục tăng.
Chị Lê Thị Mai, kinh doanh rau, củ ở chợ Ngọc Hà, cho biết giá một số loại rau tăng do mưa liên tục trong nhiều ngày qua. Ghi nhận tại các chợ, rau muống có giá từ 8.000-15.000 đồng/mớ tùy loại; rau mùng tơi, ngót, cải xanh từ 8.000-12.000 đồng/mớ; xà lách xoăn 50.000-60.000 đồng/kg,...
Giá nhãn lồng Hưng Yên giảm mạnh
Nhãn lồng Hưng Yên đang vào chính vụ. Những ngày này, từ các chợ dân sinh, hàng rong, chợ online đến siêu thị ở Hà Nội, đâu đâu cũng tràn ngập nhãn. Vốn nổi tiếng là đặc sản của Hưng Yên, giá bán cao hơn bất kỳ các loại nhãn nào trồng ở các địa phương khác, nhãn lồng vụ năm ngoái có giá từ 50.000-70.000 đồng/kg thì nay chỉ còn từ 10.000-15.000 đồng/kg.
Dịch COVID-19 không chỉ tác động đến thị trường xuất khẩu nhãn sang Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến sức mua trong nước.
Cam miền Tây tăng giá mạnh
Thương lái ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cho biết đang mua cam xoàn với giá 20.000-25.000 đồng một kg, cam sành 14.000-20.000 đồng/kg, bình quân tăng khoảng 5.000-6.000 đồng so với tháng trước.
Theo anh Hoàng, một nhà vườn cho hay, cam năm nay không nhiều trái như mọi năm do dịch bệnh tấn công mạnh. Ngoài ra, COVID-19 lan rộng, anh không dám đầu tư nhiều như mọi năm nên năng suất thấp.
Không chỉ gia đình anh, nhiều nhà vườn trồng cam tại đây cũng thu hẹp diện tích vì sợ thua lỗ do sâu bệnh và COVID -19
Măng le đỏ 200.000 đồng/kg vẫn hút khách
Theo tìm hiểu, măng le đỏ phát triển từ cây le thuộc họ tre, nứa không có gai, thân dẻo. Một bụi le có nhiều cây mọc thành cụm, ken đặc. Măng le ngon nhất là loại mới chỉ mọc nhú dưới đám lá khô hay trong các hốc đá. Do các bụi le có tán thấp và rậm rạp nên người đào măng phải luồn vào bụi le, dùng dao đào lớp đất chung quanh cho đến lúc có thể lấy tay bẻ măng.
Luôn trong tình trạng cháy hàng, chị Trang, tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP.HCM) hớn hở khoe, trung bình mỗi ngày chị bán ra từ 80-100kg măng le đỏ.
“Con số bán ra phụ thuộc vào con số nhập vào, có nghĩa là nhập bao nhiêu sẽ bán hết bấy nhiêu. Thậm chí không có hàng để bán, thương lái chúng tôi thường phải tranh nhau tìm nguồn nhập hàng”, chị Trang nói.
Người Sài Gòn lùng mua thị thơm giá “chát”
“Trước đây, thị thơm được bán với giá siêu rẻ, chỉ vài nghìn đồng/chục quả tùy loại. Chủ yếu người ta mua thị về để trong nhà cho thơm, tạo không khí dễ chịu. Song, những năm gần đây, quả thị có màu vàng ươm, thơm nức ngày càng có giá đắt đỏ, được nhiều người lùng mua”, chị Dung, thương lái bán trái cây tại chợ Cây Gõ (quận 6, TP.HCM) cho biết.
Cũng theo chị Dung, quả thị khi chín rất thơm, mềm, khi ăn phần cơm thị có vị ngọt xen chút vị chát bên trong, vô cùng hấp dẫn.
“Hiện thị được chia thành 2 loại, một là thị sáp (loại thị quả nhỏ), hai thị muộn (quả to tròn). Mặc dù đang vào mùa chín rộ nhưng giá bán khá cao, trung bình mỗi quả có giá từ 8.000-10.000 đồng. Tức là mỗi kg 15-20 trái lên tới 200.000 đồng”, chị Dung nói.
Bí ngô tí hon đa sắc giá “trên trời” vẫn hút người tiêu dùng Sài Gòn
“Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014, hạt giống bí ngô tí hon không còn xa lạ với nhiều vườn ươm. Tuy nhiên, đây là giống bí không dễ trồng, cho nên dù có mặt đã được 6 năm trên thị trường nguồn hàng vẫn hạn chế”, chị Châu, một hộ trồng bí ngô tí hon đa sắc tại Đà Lạt cho biết.
"Thường thì một kg bí ngô tí hon sẽ dao động trong khoảng 3-5 trái (tùy kích cỡ). Như vậy, một kg bí ngô tí hon có giá gần 200.000 đồng. Phải nói là mức giá này quá cao so với bí ngô thông thường, nhưng tôi mua chủ yếu là để gia đình thưởng thức giống bí mới lạ, và quan trọng hơn nữa là nó rất bổ dưỡng", chị Thu Thuỷ (quận 3, TP.HCM) chia sẻ.
Cúng cô hồn mùa COVID-19 bằng khẩu trang vàng mã giá 170.000 đồng/chiếc
Theo trang Mothership Singapore, dòng chữ tiếng Trung được in trên bao bì nhựa của khẩu trang tạm dịch là “khẩu trang dành cho tổ tiên”. Một chiếc khẩu trang giấy vàng mã như vậy có giá 10 đô la Singapore, tương đương 170.000 đồng. Mức giá này so với khẩu trang y tế ở thị trường Việt Nam đang cao hơn gấp 7-10 lần.
Nhiều người cho rằng, đây là một sản phẩm khá hài hước, nhưng rất thích hợp giữa lúc đại dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường. Điều này thể hiện, ý thức đeo khẩu trang của dân châu Á rất cao, đây là việc bắt buộc, dù là “người dương” hay “người âm”.
Bnh Trung thu bắt đầu tràn ra đường ở Sài Gòn
Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu nên dù các ki ốt trên có hình ảnh, màu sắc bắt mắt nhưng vẫn trong cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều ki ốt được dựng ngay trung tâm nơi có nhiều người qua lại nhưng vẫn trong ế ẩm.
Trên thị trường, phần lớn tại sạp bán bánh Trung thu ghi các thương hiệu như Kinh Đô, Đồng Khánh... với mức giá dao động từ 40.000-80.000 đồng/cái cho loại nhỏ 120g và 150g, các loại lớn từ 200g và 800g có giá từ 65.000-470.000 đồng/cái.
Ngoài các loại bánh truyền thống, theo ghi nhận năm nay thị trường có nhiều dòng sản phẩm cho người ăn chay, ăn kiêng, bánh nghệ thuật dùng để biếu hay các dòng bánh cho trẻ em,...
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp