13/01/2023 09:08
Thị trường trầm lắng, loạt sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM chấm dứt hoạt động
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã công khai 6 sàn giao dịch bất động sản chấm dứt hoạt động bên cạnh 60 sàn còn đang hoạt động.
Phòng phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM vừa công khai thông tin hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn.
Cơ quan này cho biết hiện trên địa bàn TP.HCM có 60 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động. Những sàn này được thành lập trong giai đoạn từ tháng 5/2017 đến tháng 11/2022.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng công bố thông tin chấm dứt hoạt động của 6 sàn giao dịch. Trong đó, ngoài Sàn giao dịch bất động sản Hoàng Anh (quận 10) đã chấm dứt hoạt động từ tháng 9/2019, cả 5 sàn còn lại đều mới chấm dứt hoạt động trong tháng 12/2022 vừa qua.
Cụ thể, các sàn này bao gồm: Sàn giao dịch bất động sản Wonderland (quận 3) của Công ty TNHH Gia Luật Group; Sàn giao dịch bất động sản Hiệp Long (quận Tân Bình) của Công ty CP Quản lý và Phát triển Hiệp Long; Sàn giao dịch bất động sản DPV (quận 3) của Công ty CP Phát triển bất động sản DPV; Sàn giao dịch bất động sản Milestone Land (TP Thủ Đức) của Công ty TNHH ImPact Investment Consultancy và Sàn giao dịch bất động sản Trung Thịnh (quận 6) của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Trung Thịnh.
Thực tế, trên thị trường bất động sản từ cuối quý II/2022 đã bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp đã khiến tâm lý chung trên thị trường này trở nên e dè, giao dịch cũng sụt giảm, theo Zing.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô, cắt giảm bộ máy nhân sự.
Dựa trên số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp trong ngành giải thể, ngưng hoạt động lớn hơn nhiều so với giai đoạn trong dịch COVID-19.
Trong đó, 11 tháng đầu năm 2022 đã có 1.081 doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản giải thể, tăng tới 43,9% so với cùng kỳ năm trước và 2.379 doanh nghiệp bất động sản ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 50,7% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh này, đội ngũ môi giới bất động sản là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. VARS ước lượng số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Hồi tháng 10/2022, Sở Xây dựng TP.HCM ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của 61 sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn. Đây là những sàn được đăng thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng tính đến ngày 30/9/2022.
Mục đích của kế hoạch là nhằm tăng cường kiểm tra, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản. Phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Quá trình kiểm tra, Sở Xây dựng TP.HCM cũng sẽ đánh giá tình hình hoạt động, khó khăn, vướng mắc trong việc chấp hành quy định pháp luật của các sàn giao dịch để phối hợp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo Dân Việt.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, tính đến tháng 9/2021, trên cả nước đã có khoảng 1.600 sàn giao dịch bất động sản được thành lập. Tại dự thảo Hồ sơ đề nghị sửa Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ đánh giá đa phần các sàn có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực tài chính thấp, điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân sự còn yếu...
Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động các sàn lâu nay đang bị buông lỏng, rất nhiều sàn thành lập ra rồi đóng cửa nhưng không báo cáo Sở Xây dựng khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý cũng khó đánh giá được chất lượng cũng như năng lực thật sự của các sàn giao dịch hiện nay.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp