05/11/2021 17:03
Thị trường ôtô được hưởng lợi gì từ việc giảm lệ phí trước bạ?
Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường, kích thích người tiêu dùng mua sắm trong dịp cuối năm.
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước Theo đó, ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% phí trước bạ, với thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 15/11 đến hết ngày 15/5/2022.
Trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định được quy định từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.
Đây là lần thứ hai Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này. Trước đó, chính sách tương tự cũng đã được Chính phủ ban hành và áp dụng từ nửa cuối năm 2020, với mục đích là hỗ trợ nền công nghiệp ôtô trong nước phục hồi sau khi bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19.
Cú hích kích cầu thị trường cuối năm
Theo nhiều chuyên gia, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường, kích thích người tiêu dùng mua sắm. Chính sách này cũng được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt khó khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước do tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Đại diện TC Motor cho rằng nếu chính sách này được tái áp dụng sẽ giúp các doanh nghiệp tăng doanh số bán và tăng nguồn thu cho ngân sách. Đây là động thái được cho là tích cực trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp đã khiến hàng loạt các nhà máy sản xuất phải đóng cửa vì giãn cách xã hội, ngành sản xuất ôtô gặp khó khăn, doanh số sụt giảm mạnh, nộp ngân sách giảm theo.
Không chỉ riêng TC Motor, Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cũng cho rằng đây là chính sách cần thiết để giúp kích thích tiêu thụ trong thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
VAMA đưa ra dẫn chứng trong 6 tháng đầu năm 2020 (thời gian chưa thực hiện giảm 50% phí trước bạ) sản lượng ôtô chỉ đạt khoảng 107.183 chiếc. Tuy nhiên, sau khi được áp dụng giảm lệ phí trước bạ, 6 tháng cuối năm còn lại tổng lượng xe tiêu thụ của cả thị trường đạt 189.451 xe, tăng tới 76% so với nửa đầu năm.
Anh Hiểu Minh, chuyên gia trong lĩnh vực ôtô cho rằng việc giảm phí trước bạ là yếu tố tiên quyết giúp thị trường ôtô khởi sắc trong thời gian tới.
“Việc được ưu đãi phí trước bạ sẽ kích cầu tiêu dùng rất lớn và làm gia tăng sản lượng tiêu thụ của toàn thị trường; các doanh nghiệp ôtô từ đó đóng góp thêm ngân sách thuế cho Nhà nước,” anh Minh nhận định.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 đến 31/12/2020, lượng xe trong nước tiêu thụ có tháng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Cũng trong khoảng thời gian này, số thuế, phí của doanh nghiệp ôtô đóng góp vào ngân sách tăng khoảng 14.110 tỷ đồng tỷ đồng.
Người tiêu dùng: Ngư ông đắc lợi
Bên cạnh kích cầu thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp, việc giảm phí trước bạ còn đem lại lợi ích trực tiếp đến người tiêu dùng.
Hiện mức lệ phí trước bạ đối với ôtô con du lịch tại Hà Nội và 7 tỉnh thành khác như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ là 12%; Hà Tĩnh có mức phí trước bạ là 11%. TP Hồ Chí Minh và các khu vực còn lại chỉ áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%.
Khi được giảm 50% phí trước bạ, giá xe sẽ không thay đổi nhưng chi phí để khách hàng lăn bánh một chiếc ôtô sẽ bớt được từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Đơn cử, mẫu xe SUV 7 chỗ lắp ráp mới của THACO hiện nay là KIA Carnival bản 2.2D Luxury 8 chỗ đang có mức giá từ 1,199 tỷ đồng/chiếc, nếu lăn bánh tại Hà Nội sẽ có giá 1,36 tỷ đồng. Sau khi được giảm 50% phí trước bạ thì giá lăn bánh chỉ còn khoảng 1,29 tỷ đồng, rẻ hơn 71 triệu đồng so với giá cũ.
Một số mẫu xe lắp ráp giá tầm trung bán chạy như Toyota Vios, Kia Cerato, Hyundai Accent, Hyundai Grand i10… hiện cũng đang được khuyến mại từ 20-60 triệu đồng, kèm theo việc giảm phí sẽ giúp xe càng rẻ thêm và tăng tính cạnh tranh với các mẫu xe nhập khẩu trong cùng phân khúc.
Sau nhiều ngày lăn tăn giữa Toyota Corolla Cross bản V và Mazda CX-5 vì giá lăn bánh ngang nhau, anh Nguyễn Cường (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết sẽ nghiêng về việc mua xe Mazda CX-5 vì cho rằng sẽ được giảm phí trước bạ cho xe lắp ráp. “Với giá lăn bánh chưa tới 900 triệu đồng, tôi không chần chừ mà chọn ngay chiếc crossover hạng C thay vì một chiếc hạng B sẽ cho trải nghiệm lái tốt hơn,” anh Cường cho hay.
Trong thời gian này, ghi nhận tại một số các đại lý ở Hà Nội, mặc dù số lượng hỏi mua, đặt cọc đã tăng lên gấp nhiều lần nhưng trên thực tế số lượng xe bán ra và hoàn thành thanh toán lại khá khiêm tốn, chỉ chiếm 10-15%. Các nhân viên bán xe cho biết tình trạng trên diễn ra do khách hàng vẫn có tâm lý chờ đợi được hưởng giảm phí trước bạ.
“Một số khách hàng thậm chí còn trả đủ tiền xe nhưng vẫn chưa nhận xe, chưa xuất hóa đơn để đảm bảo được nhận ưu đãi về giảm phí trước bạ,” anh Bùi Vượng, nhân viên đại lý xe Mazda cho hay.
Anh Hoàng Việt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đặt cọc hẳn 50% giá trị xe Toyota Vios tại đại lý và quyết tâm đợi đến đầu tháng sau mới nhận xe. Anh Việt cho rằng nếu nhận xe bây giờ thì sẽ được giảm khoảng 25 triệu từ hãng nhưng lại bị “thiệt” vì không được giảm lệ phí trước bạ nên sẽ không vội, đợi đến khi chính sách ban hành sẽ tiết kiệm thêm một khoản tiền nữa.
Theo quy định hiện hành, thời gian cho phép khách hàng đi đăng ký xe kể từ lúc các đại lý xuất hóa đơn chỉ 30 ngày, sau thời hạn này khi đi đăng ký sẽ bị phạt hành chính. Tuy vậy, nhiều người có cùng tâm lý giống anh Việt là sẽ chấp nhận chịu phạt, bởi khoản tiền này vẫn không đáng là bao so với việc mua xe rẻ hơn đến hàng chục triệu đồng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp