29/09/2017 07:39
Thị trường ngân hàng Việt vẫn có sức hút lớn
Với việc gia tăng số ngân hàng ngoại hiện diện tại Việt Nam đã cho thấy thị trường ngân hàng Việt Nam không phải đã kém hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank đã chính thức được NHNN cấp giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài vào ngày 26/9 với mức vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng. Đây là ngân hàng 100% vốn nước ngoài thứ 9 tại Việt Nam.
Theo giấy phép thành lập này, Thống đốc NHNN cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài của Ngân hàng United Overseas Bank Limited tại Việt Nam với tên gọi: Ngân hàng TNHH MTV UOB Việt Nam. Ngân hàng đặt trụ sở chính tại TP HCM với mức vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng và thời hạn hoạt động là 99 năm.
Về nội dung hoạt động, Ngân hàng TNHH MTV UOB Việt Nam được thực hiện các hoạt động của loại hình ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật và của NHNN được ghi rõ trong Giấy phép.
Ông Victor Ngo - Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Kiểm toán Tập đoàn của UOB cam kết rằng ngân hàng sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị và sớm khai trương hoạt động Ngân hàng 100% vốn nước ngoài của Ngân hàng UOB tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 19/7, NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc Ngân hàng UOB thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, NHNN chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc của UOB Việt Nam.
Tại Việt Nam, UOB (United Overseas Bank) là ngân hàng Singapore đầu tiên mở chi nhánh tại Việt Nam vào năm 1995. UOB được biết đến nhiều bởi thương vụ thâu tóm “hụt” GP Bank vào năm 2014.
UOB cũng từng được chú ý với khoản đầu tư trên 480 tỷ đồng mua 10% cổ phần và trở thành cổ đông nước ngoài của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) cuối 2007, sau đó là kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu này lên 15% năm 2008.
United Overseas Bank (UOB) là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Châu Á với mạng lưới toàn cầu hơn 24.000 người lao động ở 500 chi nhánh và văn phòng ở 19 quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Tại Châu Á, UOB có trụ sở chính ở Singapore và chi nhánh ngân hàng tại Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, cũng như các chi nhánh và văn phòng trong khu vực.
Gần đây liên tiếp sự kiện diễn ra trên thị trường tài chính, làm "nóng" lên câu chuyện về xu hướng các ngân hàng ngoại đang rời bỏ thị trường Việt Nam. Đơn cử như Ngân hàng CBA Chi nhánh TP HCM được chuyển nhượng cho VIB, HSBC thoái vốn khỏi Techcombank hay ANZ bán lại mảng bán lẻ cho ShinhanBank... Như vậy, sau một thời gian đổ bộ vào Việt Nam, việc một số ngân hàng ngoại rút lui khiến dư luận không thể không đặt nhiều nghi vấn.
Một số ý kiến cho rằng dù có lợi thế về vốn và công nghệ, nhưng ngân hàngngoại không thể hoạt động giống như các nhà băng địa phương do phải tuân thủ một số quy định riêng. Chưa kể các ngân hàng ngoại cũng khó mở rộng mảng bán lẻ, do không đầu tư hệ thống trang thiết bị, công cụ, ATM, POS như các ngân hàng trong nước.
Hiện nay Việt Nam có 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động. Việc NHNN chính thức cấp phép thành lập Ngân hàng 100% vốn nước ngoài là Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank đã nâng lên con số thứ 9 tại Việt Nam.Trong đó, ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam vốn là những tên tuổi quen thuộc hoạt động từ gần một thập kỷ qua.
Riêng trong năm 2016, có 3 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập mới là Ngân hàng Woori Bank (Hàn Quốc), CIMB Bank Berhad và Public Bank Berhad (Malaysia).
Mặt khác, theo một nguồn tin trong giới tài chính, một ngân hàng trong khu vực châu Á đã chốt phương án mua lại Ngân hàng 0 đồng Đại dương (OceanBank), vấn đề tiếp theo chỉ là thực hiện thủ tục pháp lý.
Bên cạnh đó, trong một báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy gần 90% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016. Mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống kỳ vọng đạt 13,4%, cao hơn năm ngoái. Trong đó, thu nhập ròng từ lãi kỳ vọng tăng 12,74%, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ kỳ vọng tăng 16,57%.
Những dấu hiệu này cho thấy thị trường Việt Nam không phải đã kém hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Động thái bán mảng bán lẻ hay thoái vốn của các ngân hàng ngoại là bởi chiến lược đầu tư đang thay đổi. Một số ngân hàng muốn dồn lực tập trung vào lĩnh vực thế mạnh của mình. Một số khác lại muốn thoái vốn khỏi ngân hàng nội để tránh việc phát sinh mâu thuẫn khi chính ngân hàng con của họ đang hoạt động trên cùng thị trường.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp