11/12/2021 07:19
Thị trường khách sạn TP.HCM vẫn 'nếm mật nằm gai'
Đã 2 tháng kể từ khi TP.HCM mở cửa lại các hoạt động kinh tế, song hoạt động kinh doanh khách sạn chưa có nhiều khởi sắc, nhiều khách sạn tiếp tục được rao bán, thế chấp…
Điểm tựa “du lịch tại chỗ”
Chia sẻ với phóng viên, anh Công Triệu không giấu được cảm xúc về chuyến du lịch vào cuối tuần trước, khi anh và nhóm bạn 4 người quyết định đến Khu du lịch sinh thái Dần Xây (huyện Cần Giờ, TP.HCM) để nghỉ dưỡng. Theo anh Triệu, dù sống và làm việc tại TP.HCM hơn 10 năm, nhưng đây là lần đầu tiên anh trải nghiệm cảm giác staycation (du lịch tại chỗ).
“Nhân viên tư vấn nhắn tôi chốt sớm vì phòng dạng nhà nổi của khu du lịch này đã gần kín. Tôi cũng định đặt tour đi thuyền của một công ty khác thì họ báo đã kín chỗ, điều này cho thấy nhu cầu du lịch tại chỗ ở TP.HCM hiện rất lớn”, anh Triệu nói.
TP.HCM đang từng bước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, cho phép một số hoạt động kinh doanh dịch vụ được vận hành trở lại với điều kiện đảm bảo yêu cầu an toàn về phòng chống dịch. Theo kế hoạch phục hồi ngành du lịch, UBND TP.HCM xác định lộ trình với 3 giai đoạn theo nguyên tắc “an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó” và “mở cửa thì phải an toàn”, trong đó giai đoạn 1 đến ngày 31/10/2021, mở lại hoạt động du lịch nội vùng; giai đoạn 2 từ 1/11 - 31/12/2021, mở các hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh; giai đoạn 3, trong năm 2022, mở hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế triển khai các giai đoạn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh của nội vùng, các địa phương và các quốc gia. Vì thế, từ nay đến hết năm 2022, du lịch tại chỗ được xem là điểm tựa để các khách sạn tại TP.HCM gượng dậy.
Nhận thấy nhu cầu lớn này, kể từ khi mở cửa trở lại ngày 1/10/2021, Khách sạn Nikko Saigon đã hướng đến các khách hàng là người dân địa phương cũng như người nước ngoài đang sinh sống tại TP.HCM. Ở chiều ngược lại, khách hàng cần đáp ứng một điều kiện phòng chống dịch như có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 trong 48 giờ, thẻ xanh chứng minh đã tiêm tối thiểu 2 mũi vắc-xin hoặc giấy xác nhận F0 khỏi bệnh…
Ngoài ra, fanpage của Nikko Saigon cũng đang chạy chương trình quảng cáo những món bánh qua dịch vụ giao hàng. Theo đó, dù ở nhà, nhưng khách hàng vẫn có thể tận hưởng món tráng miệng ngon như tại nhà hàng của khách sạn. Đây được xem là một trong những thị trường ngách giúp Nikko Saigon duy trì hoạt động trong thời gian tới.
Ngoài Nikko Saigon, nhiều khách sạn từ 4-5 sao khác tại TP.HCM cũng tung ra những chương trình ưu đãi, giảm giá nhằm kích thích du lịch nội địa. Đơn cử, khách sạn 5 sao Grand Sài Gòn (quận 1) có 3 gói nghỉ dưỡng tại chỗ với giá từ 1,78 triệu đồng/1 đêm cho phòng dành cho 2 khách, đã bao gồm các dịch vụ ăn sáng, đưa đón sân bay, tặng kèm ưu đãi 50% giá dịch vụ spa...
Ngoài ra, Grand Sài Gòn còn ưu đãi đặc biệt cho du khách trong một số khung giờ vàng với giá chỉ từ 899.000 đồng/1 đêm cho phòng dành cho 2 khách và có thể sử dụng voucher này để trải nghiệm khách sạn 5 sao của Saigontourist Group...
Cách đó không xa, khách sạn 5 sao Rex Sài Gòn giảm giá ưu đãi dành cho khách thương nhân với giá chỉ từ 1,88 triệu đồng/phòng/đêm, hoặc du khách sẽ được ưu đãi 45% trên giá công bố nếu đặt phòng trực tuyến trên các kênh online hoặc website của khách sạn. Đồng thời, giảm giá từ 20-50% giá dịch vụ ẩm thực tại các nhà hàng trong khách sạn hoặc bán mang đi theo một số khung giờ nhất định.
Tại huyện đảo Cần Giờ, Làng du lịch Bình Quới đưa ra gói ưu đãi cho du khách với combo 2 ngày 1 đêm/2 khách, giá chỉ từ 890.000 đồng/đêm (bao gồm một bữa ăn). Nếu du khách sử dụng 3 đêm/phòng sẽ được miễn phí 1 đêm hoặc tặng nồi lẩu tôm sắt Cần Giờ…
Cơ hội không chia đều
Dù xu hướng du lịch tại chỗ được xem là giải pháp để các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn gượng dậy trước mắt, song không phải thương hiệu nào kích cầu cũng được đón nhận, nếu vị trí của khách sạn không phù hợp với nhu cầu du lịch tại chỗ.
Dù xu hướng du lịch tại chỗ được xem là giải pháp, song không phải thương hiệu kinh doanh khách sạn nào kích cầu cũng được đón nhận, nếu vị trí của khách sạn không phù hợp với nhu cầu du lịch tại chỗ.
Quản lý của một khách sạn nằm trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) tâm sự, trong quý III/2021 vừa qua, dù Thành phố giãn cách nghiêm ngặt nhưng hoạt động kinh doanh của khách sạn vẫn tương đối ổn nhờ nguồn khách từ các doanh nghiệp đặt phòng cho nhân viên ở để làm việc theo mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến”.
“Tuy nhiên, hiện nay, nguồn khách này không còn, trong khi lượng khách là người dân thành phố đi du lịch tại chỗ rất thấp, khách từ các tỉnh vẫn chưa đến vui chơi, hội họp và khách quốc tế - lượng khách quan trọng của hệ thống khách sạn Thành phố vẫn chưa thể trở lại vì dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, nên doanh thu tiếp tục giảm”, vị này nói và cho biết, sau thời gian dài chống chọi với đại dịch, các doanh nghiệp trong ngành đều rất khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn để duy trì hoạt động thường xuyên.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều chủ khách sạn tại TP.HCM khác phải rao bán, hoặc cầm cố tài sản để duy trì hoạt động kinh doanh. Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán khách sạn tại TP.HCM” trên trang tìm kiếm Google sẽ cho ra hàng chục triệu kết quả, từ những khách sạn cao cấp nằm ở tuyến phố du lịch nổi tiếng của TP.HCM như Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi..., đến khu vực ngoại thành như quận 7, TP. Thủ Đức, đâu đâu cũng có khách sạn được rao bán với giá từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng theo giới chuyên gia, thị trường du lịch Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn được đánh giá tích cực với nhu cầu du lịch tăng cao khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn với sự tham gia của đa dạng thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Savills Việt Nam dự báo, đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton, Inter Continental…
Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, tình hình hoạt động của các khách sạn có thể bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp giảm nhu cầu đặt phòng khách sạn lưu trú. Tuy nhiên, sự trở lại của du khách nội địa sau dịch sẽ tạo động lực cho mảng khách sạn phục hồi trong thời gian tới.
“Kế hoạch phục hồi ngành du lịch được chia thành 3 giai đoạn, tập trung kết nối điểm du lịch an toàn liên vùng vào cuối năm 2021 và đặt mục tiêu đón khách quốc tế vào tháng 6/2022. Du lịch nội địa phục hồi sẽ thúc đẩy mảng khách sạn dần hồi phục”, ông Troy Griffiths nhận định.
Báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam cũng đánh giá, hiện công suất phòng tại TP.HCM đã có sự chuyển biến tương đối tích cực so với các giai đoạn dịch trước đây, nhưng phân khúc khách sạn 4-5 sao sẽ còn gặp khó khăn do mức giá thuê phòng bình quân vẫn phải duy trì ở mức khá thấp để thu hút khách hàng, trong khi các chi phí đang trong xu hướng tăng.
“TP.HCM đang từng bước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, cho phép một số hoạt động kinh doanh dịch vụ được vận hành trở lại với điều kiện đảm bảo yêu cầu an toàn về phòng chống dịch. Lộ trình khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế của TP.HCM dự báo sẽ tiến triển hơn trong năm 2022. Theo đó, phân khúc khách sạn 4-5 sao cũng được kỳ vọng hồi phục và có nhiều bước tiến hơn trong năm tới”, báo cáo CBRE Việt Nam nhận định.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp