Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thị trường địa ốc sáng lên từ những 'đốm lửa' nhỏ

Việc TP.HCM và nhiều địa phương khác có kế hoạch từng bước mở cửa trở lại các dịch vụ thiết yếu, bao gồm cả du lịch, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường địa ốc nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng sáng trở lại sau dịch.

Những tín hiệu vui

Còn nhớ trong lần trò chuyện trước đó với phóng viên, Phan Hải - một nhà đầu tư homestay tại Đà Lạt không khỏi bồn chồn vì không biết thị trường địa ốc nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng quý cuối năm sẽ ra sao khi dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, thế nhưng trong cuộc trao đổi cuối tuần qua, nhà đầu tư này phấn chấn cho biết, sau gần 2 tháng “đóng cửa” để chống dịch, tỉnh Lâm Đồng đã cho phép mở cửa trở lại đối với một số dịch vụ thiết yếu, bao gồm cả du lịch, để đón du khách trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc những căn homestay của anh sắp sửa được “sáng đèn” đón khách.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_2-4498(1).jpg
Các chủ đầu tư đã sẵn sàng nguồn hàng để tung ra thị trường sau dịch. Ảnh: Dũng Minh

Hải kể, 4 năm gắn bó với Đà Lạt, chưa khi nào thấy thành phố này vắng khách như thời gian qua, khi từ tháng 6/2021 tới nay, hàng loạt homestay phải ngừng hoạt động để phòng chống dịch.

“Tôi đã không nhận khách trong khoảng 3 tháng qua, vừa thực hiện quy định của Thành phố, vừa để bảo vệ an toàn bản thân. Hy vọng dịch ở những nơi khác sẽ được kiểm soát để khách ngoại tỉnh cũng có thể đến ‘thành phố ngàn hoa’ trong thời gian tới”, Hải nói.

Ghi nhận thực tế cho thấy, ngoài Lâm Đồng, hiện có nhiều địa phương khác đã lên kế hoạch mở cửa du lịch trở lại như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, TP.HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau… Theo đó, ngọn lửa đang le lói tại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ sớm được thổi bùng trở lại.

Nói như ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME, việc hoạt động du lịch trở lại thuận lợi sẽ tạo ra dòng tiền cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, các chủ đầu tư tái đầu tư các dòng bất động sản nghỉ dưỡng..., từ đó gián tiếp tạo ra sức hút cho các dòng sản phẩm thuộc phân khúc này.

Bởi theo ông Phi, sức hấp dẫn của bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam nằm ở khâu vận hành và lấp đầy công suất nhờ cho thuê du lịch. Điều này cũng sẽ tạo nên niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư và hơn nữa là các đơn vị phát triển, quản lý vận hành quốc tế, vốn luôn hào hứng và mong muốn “rót tiền” vào thị trường đầy tiềm năng này.

“Khi ngành du lịch được hoạt động trở lại thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi đầu tiên và mạnh nhất”, ông Phi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi Khoản 1, Điều 75 - Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 mới là điều khiến ông Phi vui hơn cả, nguyên do bởi COPiHOME đang phát triển một dự án quy mô khoảng 50 ha tại tỉnh Lâm Đồng, mặc dù phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhưng chỉ vì không có mét vuông nào thuộc diện đất ở nên thủ tục công nhận chủ đầu tư bị “mắc kẹt” suốt 3 năm nay. Do vậy, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì việc công nhận chủ đầu tư cho dự án sẽ được “cởi trói”.

“Nếu nút thắt này được tháo gỡ, không chỉ doanh nghiệp, mà cả người dân và ngân sách nhà nước đều được hưởng lợi”, ông Phi nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Sỹ Hoàng, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thủ Thiêm cho biết, việc kéo dài quá trình cấp phép dự án đã gây tổn thất vô cùng nặng nề không chỉ với chủ đầu tư, mà cả người mua nhà. Vì thế, việc hoàn thiện thủ tục pháp lý và đẩy nhanh quá trình cấp phép dự án là yếu tố then chốt để cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

“Việc cởi trói thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như giải ngân vốn nhanh cũng giống như liều vắc-xin cho ngành địa ốc vậy, sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ sở và động lực để hồi phục, phát triển trở lại”, ông Hoàng nói.

Một tín hiệu tích cực nữa là TP.HCM và một số địa phương lân cận sẽ cho phép các công trình xây dựng được phép hoạt động trở lại nếu đảm bảo được các tiêu chí an toàn phòng chống dịch, bên cạnh Thông tư 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được ban hành mới đây cũng kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_1-6288(1).jpg
Các khu nghỉ dưỡng sẽ sớm đông vui trở lại khi mở cửa du lịch. Ảnh: Dũng Minh

Doanh nghiệp sẵn sàng

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, ngay sau khi UBND TP.HCM ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 để công trình xây dựng tiếp tục thi công; thí điểm mở lại các hoạt động xây dựng tại “vùng xanh”…, một số công trình xây dựng trên địa bàn đã được tái khởi động.

Đơn cử, ngày 23/9/2021, Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát và đơn vị phát triển dự án là Công ty cổ phần Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land) đã chính thức khởi động lại dự án Khu phức hợp Sóng Việt - The Metropole quy mô gần 7,6 ha thuộc Khu chức năng trung tâm số 1, có chức năng là khu phức hợp căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại…

Ông Nguyễn Thanh Oai, Quyền Tổng giám đốc SonKim Land cho biết, chủ đầu tư cùng nhà thầu và các đơn vị liên quan đã và đang phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo các nguyên tắc an toàn trong phòng chống dịch bệnh, đi cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thành phố để vừa đảm bảo tiến độ thi công, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động.

Cùng ngày, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cũng tổ chức tái khởi động dự án Khu biệt thự Armena quy mô 180 căn tại phường Phú Hữu (TP. Thủ Đức) sau hơn 3 tháng ngưng thi công do ảnh hưởng dịch.

Đại diện UBND TP. Thủ Đức cho biết, mục đích của việc khởi động lại các công trình xây dựng nói chung và dự án Armena nói riêng là nhằm sớm đưa các hoạt động của Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới ở những khu vực an toàn, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động tại những công trình xây dựng đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Tương tự, nhiều chủ đầu tư khác như Novaland, Hưng Thịnh, Nam Long, An Gia, Phú Đông, Thắng Lợi... cùng các đơn vị môi giới cũng đã sẵn sàng nguồn hàng để cho ra mắt thị trường khi giãn cách được nới lỏng.

Bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Đức Linh Real cho biết, hàng ngày, các nhân viên của Công ty vẫn làm việc online, đăng thông tin các dự án được giao phụ trách và tìm cách kết nối, hỗ trợ khách hàng, trong đó những nhân viên lâu năm đã thành lập các group giữa chủ nhà và khách hàng, tư vấn trực tuyến và tận dụng nguồn khách quen để bán hàng…, tất cả đã sẵn sàng cho ngày hoạt động trở lại.

“Nhìn chung, các doanh nghiệp bất động sản hiện trong tâm thế sẵn sàng quay trở lại thị trường khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, với các chính sách về nhân sự và biện pháp an toàn trong điều kiện mới. Chính vì vậy, tôi hy vọng doanh nghiệp được trao quyền nhiều hơn để có thể chủ động trong vấn đề tiếp cận vắc-xin cũng như các hoạt động kinh tế mới”, bà Linh nói.

VIỆT DŨNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement