15/08/2020 04:45
Thị trường đất nền Long Thành ảm đạm mùa COVID-19
Nhiều đầu nậu tung chiêu trò gây cơn sốt ảo, thổi giá đất ăn theo dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dù hiện trạng giao dịch tại đây rất ảm đạm.
“Cơn sốt” vắng lặng ở Long Thành
Những ngày này, các tuyến đường chính qua các xã Bàu Cạn, Tân Hiệp, Phước Bình… của huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) trở nên vắng lặng. Một phần vì dịch bệnh COVID-19 nên người dân ngại ra đường nhưng lý do lớn hơn là không còn cảnh hàng đoàn xe hơi ra vào tấp nập mua đất ăn theo siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Hàng loạt thông báo bán đất xuất hiện dọc hại xã Bàu Cạn và Phước Bình nhưng lượng người đến mua đã vắng bóng. |
Bà Mai, người dân bán quán cà phê trước khu đất nằm sâu trong con hẻm nhỏ giữa rừng cao su nhưng được gọi với tên mỹ miều là “Phước Bình Residence” (xã Phước Bình) khá bất ngờ khi có khách ghé hỏi về chuyện mua đất.
“Bữa giờ có ai mua bán gì nữa đâu, mà cũng không thấy ai đến đây nữa vì vừa rồi có người tố cáo dự án này là lừa đảo gì đấy”, bà Mai buôn chuyện với khách. Người phụ nữ này cho biết, trước thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Phước Bình thường tấp nập ô tô ngoại tỉnh ra vào theo sốt đất.
Từ đây, nhiều hàng quán mọc lên bên cạnh những “siêu dự án” phục vụ lượng người đến. “Bây giờ có thấy xe cộ nào nữa đâu, hàng quán, nhà hàng sang trọng 10 cái thì dẹp hết 7-8, còn lại có vị trí tốt thì bán cầm cự”, bà Mai nói thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc đường vào xã Bàu Cạn và Phước Bình, không khó để nhận thấy hàng chục ngôi nhà được xây dựng gấp làm văn phòng giao dịch của những công ty bất động sản. Hàng trăm biển hiệu với lời giới thiệu “đất chính chủ bán theo sào, mẫu - Có đường ô tô - Sổ hồng công chứng ngay” hay “Đất giá rẻ - Sổ hồng chính chủ - Sang tay trong ngày”.
Một khu đất trồng cây lâu năm được làm hạ tầng, phân lô nhưng rào chắn cẩn thận ở xã Phước Bình |
Tuy nhiên, một điểm chung của những văn phòng giao dịch này là đều đóng cửa im lìm nhiều tháng gần đây, nhất là từ đợt dịch COVID-19. Càng đi vào sâu những con hẻm, phóng viên nhận thấy rất nhiều khu đất trước đây là rừng cao su được san phẳng, đường giao thông gần hoàn tất nhưng xung quanh không hề có bảng hiệu hay bất cứ thông tin nào về dự án đang được xây dựng. Những cây cao su nằm cạnh đường "cõng" bảng bán đất chi chít.
Một số khu đất khác đã hoàn thiện thi công đường xá xung quanh nhưng được rào chắn kĩ càng và không bóng người lai vãng. Hỏi thăm người dân rằng đây là dự án gì mà không hề có bất cứ thông tin nào thì họ khẳng định có chứng kiến việc san ủi làm hạ tầng nhưng không biết là dự án gì, ai là chủ nhân và từ lúc xây xong đến nay đều bỏ hoang cho cỏ mọc.
Trong vai người cần mua đất làm nhà xưởng, chúng tôi liên hệ số điện thoại trên bảng của công ty bất động sản Đ.N ở đầu đường vào xã Phước Bình. Nhân viên công ty ngay lập tức mời chào với giá từ 1-5 triệu đồng/m2 đất tùy theo vị trí và khoảng cách với đường lớn.
Với giá 1 triệu đồng/m2, nhân viên này cho biết khu đất nằm cách đường lớn khoảng 1,5km, đã được mở đường cho ô tô vào tận nơi và hạ tầng đã làm xong xuôi.
Một khu đất được ráo riết làm hạ tầng nhưng không hề có thông tin về một dự án hay giấy phép xây dựng |
Nam nhân viên nhiệt tình: “Hiện giờ anh đang ở đâu, có gần văn phòng chỗ em ở xã Phước Bình không để tụi em dẫn anh đi xem đất ạ. Ở đây cũng có vài khách đang chờ đi xem lô đất anh vừa hỏi luôn. Nhanh tay còn kịp anh à, chứ sau này sân bay khởi công thì không còn giá đó đâu, chắc cũng phải lên gấp đôi so với hiện giờ”.
Tuy nhiên, nam nhân viên công ty bất động sản không biết chúng tôi đang đứng trước văn phòng công ty này nhưng ngôi nhà đã khóa cửa ngoài và hoàn toàn không một bóng người lui tới.
Phóng viên hỏi, nếu mua đất rồi thì có mở xưởng được ngay hay không, hay phải cần làm thủ tục thế nào? Lúc này anh ta mới nói thật là khu đất thuộc loại đất trồng cây lâu năm, không phải đất ở hay có thể mở xưởng sản xuất nên muốn mở xưởng phải đi xin chuyển đổi sang đất ở nông thôn rồi mới tính tiếp.
“Vậy xin có khó không? Mất bao lâu? Bên em có “bao” luôn chuyện chuyển đổi cho anh được không”, chúng tôi hỏi. Nam nhân viên nói nếu mua thì công ty sẽ hỗ trợ thủ tục chuyển đổi luôn và thông thường sẽ mất từ 3-6 tháng là có thể mở xưởng sản xuất. “Anh yên tâm mua đất bên em ạ, chỉ là hơi mất thời gian xíu nhưng bên em sẽ làm được ạ vì ở đây ai cũng làm được”.
Chính quyền nhiều xã thuộc huyện Long Thành đã dựng bảng cảnh báo hành vi phân lô bán nền trái phép |
Trái với quảng cáo của nhân viên này, dọc đường vào xã Bàu Cạn, không khó để nhận thấy chính quyền địa phương đã dựng lên nhiều bảng cảnh báo việc xây dựng hạ tầng trái phép để phân lô bán nền.
Trong đó, cách không xa UBND xa là tấm bảng lớn thông báo “Khu vực nghiêm cấm các hành vi tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hạ tầng, tụ tập đông người ra bán đất dự án – khu dân cư nhà ở trái phép”.
Gần đó, một tấm bảng lớn khác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành ghi nội dung nghiêm cấm sang nhượng, mua bán, xây dựng trái phép. Cấm lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép trên đất lâm nghiệp”.
Do vậy, khung cảnh mua bán đất ăn theo dự án sân bay Long Thành hiện nay ở những xã Phước Bình, Bàu Cạn, Tân Hiệp… được các công ty bất động sản, sàn giao dịch “vẽ” là tấp nập người ra kẻ vào, “mua không kịp sẽ hết” hay “đất siêu lợi nhuận khi sân bay Long Thành khởi công” hoàn toàn không có thật.
Ăn theo sốt ảo, coi chừng mất tiền thật
Khảo sát của phóng viên, trong hơn 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát thì giao dịch đất đai khu vực các xã của huyện Long Thành khá ảm đạm nhưng giá cả vẫn “nhảy múa” liên tục khi tăng từ 15 - 20% so với thời điểm cuối năm 2019.
Theo đó, mặc dù cách TP.HCM từ 40-60km nhưng giá đất tại một số xã nằm gần dự án có thể lên mức từ 15-25 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Cụ thể, đối với đất trong hẻm nhỏ, đường khó đi giao động từ 18-18 triệu đồng/m2 còn đối với nơi có đường lớn có lúc chạm mức 30 triệu đồng/m2. Đến quý 2/2020, giá đất tại khu vực Long Thành vẫn tiếp tục tăng lên cao, có nơi chạm mốc 40 triệu đồng/m2.
Sở NN-PTTN tỉnh Đồng Nai cũng cảnh báo tình trạng lấn chiếm đất rừng để phân lô bán nền ở các xã. |
Điều này là một nghịch lý khó lý giải khi đất Long Thành cao không thua gì đất vùng ven TP.HCM như quận 9 hay Thủ Đức vì thông tin sân bay sắp khởi công vào năm sau.
Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, việc giá đất Long Thành tăng một cách khó hiểu dù thời gian qua việc giao dịch khá ảm đạm vì có nhiều thông tin được “tung ra” để các sàn giao dịch – công ty bất động sản “vịn” vào và tạo nên sốt ảo.
Cụ thể, đầu tháng 6/2020, một thông tin là “kéo” sân bay Long Thành, huyện Long Thành và Nhơn Trạch sáp nhập vào Thành phố phía Đông của TP.HCM gây nhiều nhận định trái chiều trong giới chuyên gia về quy hoạch. Thông tin này đến nay chỉ là là một ý tưởng cá nhân, chưa hề có một cuộc họp bàn, hội thảo phân tích hay chủ trương của tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.
Tuy nhiên giới đầu cơ bất động sản đọc thông tin đó như bắt được vàng để bơm thổi lên sốt ảo, giao dịch ảo vì “mua đất Long Thành sau này sẽ làm dân TP.HCM” không gì khác ngoài mục đích nâng giá vô tội vạ.
Một khu đất cạnh rừng cao su được san lấp làm đường giao thông |
Để dập tắt những thông tin này, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng đề xuất sáp nhập sân bay Long Thành vào TP.HCM là không khả thi và TP.HCM với Đồng Nai đến hiện tại vẫn chưa có một bàn luận nào liên quan đến thông tin này. Cho đến khi nào có thông tin chính thức từ hệ thống chính trị, cơ quan có trách nhiệm thì mới xem xét.
Ngay sau đó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cũng khẳng định với báo chí rằng thông tin sáp nhập sân bay Long Thành vào Thành phố phía Đông của TP.HCM là thiếu kiểm chứng, thiếu thực tế và không khả thi.
Ông nhận định đây là hành động hoàn toàn có chủ đích của một nhóm đối tượng nào đó, nhắm tới hai địa phương đang rất nóng về tình hình phân lô bán nền, mua bán nhà đất…
“Trong đó, đích cuối cùng được các đối tượng này nhắm tới chính là huyện Long Thành, một huyện tiềm năng và khá hấp dẫn với dự án sân bay quốc tế Long Thành đang gấp rút triển khai để lợi dụng “thổi giá đất”, làm “méo mó” bản chất sự việc là rất đáng lưu ý”, ông Dũng trả lời báo chí.
Cũng chỉ vài ngày sau, thông tin Dự án Khu văn phòng tòa nhà Quốc Hội phía Nam, quy mô 42ha được “dời” về cạnh Dự án Gem Sky World, Khu công nghiệp Long Đức mở rộng 292ha, Đại học Giao thông - Vận tải 28ha, Đại học An Ninh 23ha, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam 25ha tại Long Thành xuất hiện dày đặt trên các trang chuyên phân phối đất Long Thành… liên tiếp xuất hiện.
Kiểm chứng trên thực tế đây là những thông tin thất thiệt, các “siêu dự án” này đều do một ai đó “vẽ” ra và sau đó bùng nổ trên các sàn giao dịch, mạng xã hội không ngoài mục đích tạo sốt ảo..
Một rừng cây cao su ở xã Phước Bình được treo chi chít thông báo bán đất |
Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu nhà ở, đất ở, dự án ở Long Thành hiện nay không hề cao so với các khu vực ven TP.HCM, Dĩ An hay Thuận An của tỉnh Bình Dương vì khu vực đang được gấp rút giải phóng mặt bằng để làm sân bay.
Hơn nữa, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến thị trường gần như chững lại, các doanh nghiệp bất động sản chật vật cầm cự qua thời điểm khó khăn thì việc đất Long Thành tăng giá không gì khác ngoài chiêu trò tạo ra sốt ảo để làm giá.
Ai không bình tĩnh chọn lọc thông tin giữa thời điểm “vàng thau lẫn lộn” mà tin vào lời ngọt của đầu nậu, “cò” thì khó tránh việc ăn theo cơn sốt đất ảo nhưng hậu quả là mất tiền thật.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp