12/08/2020 07:45
Thị trường chứng khoán: Tiền chờ cơ hội chín
Thị trường chứng khoán Việt Nam vững đà tăng điểm với thanh khoản ổn định cho thấy, nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang giữ được bình tĩnh trước diễn biến của đại dịch COVID-19.
Dòng tiền thông minh dường như đang chờ đợi một cơ hội rõ ràng hơn để xuống tiền chứ không rời bỏ thị trường vì lo sợ cho một tương lai bất định hay vì kênh đầu tư vào vàng đang thể hiện sự hấp dẫn hơn.
Nhiều mã chứng khoán sau khi tăng gần chạm ngưỡng quá bán đã không những không điều chỉnh như nhiều chuyên gia phân tích kỹ thuật kỳ vọng, mà còn tiếp tục tăng về mốc đỉnh gần nhất, mang lại cho nhà đầu tư mức lợi nhuận 15-20% kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng được công bố tại Ðà Nẵng.
Dù vậy, thị trường chứng tỏ đang tăng trong nghi ngờ. Tâm lý này thể hiện khi VN-Index tăng điểm trong cả 5 phiên giao dịch tuần trước, nhưng mức tăng chủ yếu được đóng góp trong 3 phiên đầu tuần, trong khi 2 ngày còn lại, chỉ số chững lại trước áp lực chốt lời gia tăng mạnh mẽ.
VN-Index đóng cửa phiên thứ Sáu tuần qua tại 841,46 điểm, cao hơn mức 830 điểm mà nhiều công ty dự báo. Theo thống kê, TTCK tuần qua có toàn bộ 19/19 ngành tăng điểm và 307 cổ phiếu tăng áp đảo so với 60 cổ phiếu giảm.
Ngay phiên đầu tuần mới 10/8, chỉ số tiếp tục tăng với nhiều cổ phiếu được nhà đầu tư tăng cường mua vào, dù thị giá tiếp cận đỉnh gần nhất như HDB, PNJ, VPB, MWG... Một số cổ phiếu có “câu chuyện” riêng thu hút dòng tiền tốt như HQC, LDG, HSG, KSB…
Thị trường tăng nhưng giảm lại vào cuối phiên cho thấy, cung cầu khá cân bằng nhau. Nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn trước diễn biễn của dịch bệnh Covid-19, nhưng tâm lý chờ đợi một cơ hội rõ ràng hơn vẫn khá phổ biến.
Dòng tiền đại chúng vẫn chờ đợi một lực cầu quyết liệt hơn ở các cổ phiếu trụ như VCB, VNM, VIC, VHM, hay ở những cổ phiếu có tính chất “chỉ báo” như CTG, BID, MSN… để khẳng định thị trường có thể xác lập sóng tăng thứ năm.
Giám đốc một công ty niêm yết chia sẻ, mặc dù có thêm những ca nhiễm Covid-19 được công bố mỗi ngày, nhưng điều doanh nghiệp quan tâm nhất là khả năng xảy ra giãn cách xã hội như thế nào.
Nếu giãn cách có trọng tâm, trọng điểm, từng điểm nhỏ thì lưu thông hàng hoá không bị ảnh hưởng lớn như lần đầu thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vì thế vẫn tiếp diễn mà không bị ảnh hưởng quá lớn.
Thông tin một quỹ đầu tư nước ngoài vừa huy động 50 triệu USD vào thị trường Việt Nam cho thấy, nhà đầu tư đang đặt cược không chỉ vào sự phục hồi mà là sức bật của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thông tin này thoạt trông có vẻ chỉ tác động ngắn hạn đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng nhìn xa hơn cho thấy, có những nhà đầu tư chuyên nghiệp nuôi kỳ vọng dài hạn vào thị trường Việt Nam, nhất là khi giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đang ở mức định giá hấp dẫn do tác động của dịch bệnh.
Câu chuyện tái cơ cấu của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cũng đem lại một số cơ hội đầu tư đáng xem xét.
Chẳng hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang bị định giá thấp và chia cổ tức bằng cổ phiếu được giao dịch với nền giá vững có thể sẽ rất khó giảm sâu.
Trong nhóm VN30 hiện nay, nhiều mã có chỉ số giá trên giá trị sổ sách (P/B) quanh 1 hoặc dưới 1 lần như CTG (1,1 lần), TCB (1,1 lần), VJC (1,2 lần), MBB (1 lần), REE (1 lần), SSI (1 lần)…
Tất nhiên, không phải tất cả các cổ phiếu đều có tương lai bật lên, nhưng rõ ràng, những mã của doanh nghiệp có nền tảng tốt, được định giá quanh giá trị sổ sách đang mở ra cơ hội chọn lựa đầu tư cho tương lai dài hạn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp