29/03/2018 18:10
Thị trường chứng khoán đỏ sàn, thanh khoản giảm mạnh trong phiên giao dịch 29/3
Dòng tiền không tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn và nhóm trụ cột ngân hàng như thường lệ mà đã lan tỏa sang nhóm cổ phiếu bất động sản.
Giảm mạnh
Kết thúc phiên giao dịch 29/3, Vn-Index giảm 5,21 điểm xuống còn 1.167,03 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 185,2 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị trên 6.610 tỷ đồng. Thị trường có 128 mã tăng giá, 43 mã đứng giá và 171 mã giảm giá.
Hnx-Index giảm 0,68 điểm xuống 131,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 41,8 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị trên 707 tỷ đồng
Có thể thấy, thị trường giảm điểm và nhà đầu tư thì tỏ ra khá thận trọng. Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước với tổng khối lượng giao dịch gần 227 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 7.300 tỷ đồng. Dòng tiền đã không tập trung vào những mã cổ phiếu vốn hóa lớn và lan tỏa sang các mã cổ phiếu bất động sản bị bỏ quên trong thời gian qua.
Vn-Index đã rơi khỏi mốc lịch sử sau 2 phiên giao dịch. |
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến xấu đi khi phần lớn các mã trong nhóm giảm giá khá mạnh. Cụ thể, các mã giảm giá như BVH, BMP, DHG, CTD, GAS, MSN, ROS, VJC và VNM. Trong đó, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VNM giảm tới 4.000 đồng/cổ phiếu, VJC giảm 3.000 đồng/cổ phiếu, ROS giảm 9.600 đồng/cổ phiếu, BVH giảm 1.000 đồng/cổ phiếu và MSN giảm 900 đồng/cổ phiếu.
Việc những cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm mạnh đã đẩy chỉ số VN30 lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu 6,35 điểm. Điều này cũng gây sức ép rất lớn lên chỉ số Vn-Index.
Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ còn vài mã có mức tăng giá như HPG tăng 900 đồng/cổ phiếu. HPG cũng được khối ngoại mua ròng trên 1,5 triệu đơn vị. VIC cũng là cổ phiếu hiếm hoi ngược dòng thị trường chung khi tăng 500 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy VIC bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên 1,6 triệu đơn vị.
Cổ phiếu FPT cũng khá tích cực khi tăng 600 đồng lên mức giá 59.500 đồng/cổ phiếu. Mặc dù vậy FPT có mức thanh khoản rất thấp chỉ đạt hơn 822.000 đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục diễn ra sự phân hóa. Các mã STB, MBB, BID, NVB, BAB, SHB, CTG và ACB có mức giảm giá nhẹ. Còn VIB, VPB, VCB, HDB, KLB, EIB tăng giá. Trong đó tăng mạnh nhất là VIB thêm 1.700 đồng/cổ phiếu.
Dòng tiền tỏ ra khá dè dặt khi mức thanh khoản trong nhóm này sụt giảm mạnh. Thanh khoản cao nhất trong nhóm ngân hàng thuộc về SHB cũng chỉ đạt mức trên 7,5 triệu đơn vị, STB chưa được 6 triệu đơn vị. Con số thanh khoản như vậy là quá thấp, chưa bằng một phần lẻ của các cổ phiếu này trong những phiên giao dịch sôi động.
Nhóm cổ phiếu dầu khí với sắc đỏ chiếm phần lớn với các đại diện tiêu biểu như PLX giảm 600 đồng/cổ phiếu, PVS giảm 1.300 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 5,5 triệu đơn vị. Tương tự, TDG, BSR, PVB và PVC giảm giá nhẹ. Trong nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ còn vài mã tăng, tiêu biểu là POW tăng 600 đồng/cổ phiếu, OIL tăng 1.000 đồng/cổ phiếu.
Dòng tiền không tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn và nhóm trụ cột ngân hàng, mà đã lan tỏa sang nhóm cổ phiếu bất động sản. Các mã cổ phiếu bất động sản giao dịch với khối lượng lớn như FLC giảm 190 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh gần 14 triệu đơn vị. SCR tăng 200 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị. CEO tăng 1.000 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 4,6 triệu đơn vị.
Sắc xanh bao phủ
Đi ngược với thị trường trong nước ở phiên giao dịch chiều 29/3, sắc xanh bao phủ các thị trường chứng khoán châu Á, nhờ tiến triển tích cực liên quan đến vấn đề Triều Tiên.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 127,77 điểm lên đóng cửa ở mức 21.159,08 điểm nhờ sự yếu đi của đồng Yen, giữa bối cảnh các nhà đầu tư dừng sự chú ý vào các tài sản an toàn, trước những hy vọng về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà phân tích Makoto Sengoku, thuộc Tokai Tokyo Research Institute, nhận định một loạt thông tin tích cực mới liên quan đến Triều Tiên đã hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Chứng khoán châu Á có phiên tăng điểm hiếm hoi. |
Các nhà giao dịch cho biết phiên này đồng USD được giao dịch ở mức 106,64 Yen/USD, so với mức 106,86 Yen/USD tại New York phiên trước. Xu hướng yếu đi của đồng Yen là nhân tố tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản khi làm gia tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm Nhật Bản tại thị trường nước ngoài.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng 38,24 điểm lên 3.160,53 điểm. Theo các nhà phân tích, chứng khoán Trung Quốc đã đảo được đà giảm vào đầu phiên, nhờ hoạt động mua vào của các nhà đầu tư, sau sự điều chỉnh gần đây của nhóm cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu của các công ty tiêu dùng.
Cùng đà tăng, tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 70,85 điểm lên 30.093,38 điểm, nhờ những tiến triển tích cực xung quanh vấn đề Triều Tiên. Hàn Quốc ngày 29/3 đã hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh gần đây giữa lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên, coi đây là một diễn biến quan trọng sẽ giúp phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc hội đàm trên diễn ra trước các cuộc gặp thượng đỉnh theo kế hoạch giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng Tư tới và với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng Năm.
Các quan chức cấp cao Hàn Quốc và Triều Tiên họp ngày 29/3 tại làng đình chiến Panmunjom đã nhất trí tiến hành hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4 tới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tỏ ra cẩn trọng và nghe ngóng những diễn biến mới liên quan đến mối quan hệ căng thẳng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng sau khi giới chức hai nước đưa ra những tuyên bố bảo vệ quan điểm của mình. Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC ngày 28/3, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố Trung Quốc sẽ có 60 ngày để chuẩn bị trước khi các mức thuế mới của Mỹ đối với lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Trong khi đó, ngày 29/3 Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này không muốn xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ, song cũng nêu rõ rằng cách tiếp cận của Mỹ đối với thương mại đang đặt ra một tiền lệ xấu, có thể kéo theo hiệu ứng domino.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp