29/06/2019 23:57
Thị trường Canada rộng cửa, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Theo thống kê mới nhất, trong năm 2018, Canada xuất khẩu sang Việt Nam một lượng hàng hóa trị giá 1,02 tỷ CAD, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam lên tới 5,38 tỷ CAD. Khi hiệp định CPTPP ký kết, cơ hội giao thương rộng mở và doanh nghiệp Việt có tận dụng được cơ hội này?
Tại buổi tọa đàm “CPTPP - Cơ hội kinh doanh với Canada?” do Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC TPHCM),Thời báo Kinh tế Sài Gònvà Vietnam Consulting Group (VCG) tổ chức, ông Bryon Wiffert, cựu nghị sĩ quốc hội Canada cho biết: “Canada có hơn 2.000 người gốc Việt sinh sống và làm việc tại Canada, đây là cộng đồng lớn để doanh nghiệp Việt tiếp cận và nhận được sự hỗ trọ từ họ.
Xuất khẩu nông sản và thủy hải sản từ Việt Nam sang Canada tăng mạnh trong những năm gần đây. Cùng với đó hàng rào thuế quan ngày càng giảm sâu, Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh của mình để xuất khẩu sang Canada”.
Ông Bryon Wiffert, cựu nghị sĩ quốc hội Canada - Ảnh: Cẩm Viên |
Ông cho biết thêm, Canada có thế mạnh về công nghệ sạch, xử lý rác thải, năng lượng sạch, ngành công nghệ hàng không, công nghệ xây dựng nhà giá rẻ và đặc biệt là ngành giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới. Đó là những lợi thế mà doanh nghiệp Việt cần suy nghĩ về con đường làm ăn với Canada.
Ngoài ra, Canada là một quốc gia rất mạnh về kinh tế, là nước đầu tiên trên thế giới từ năm 1990 đến nay chưa có ngân hàng nào phá sản.
Tuy nhiên, ông Bryon Wiffert nói thêm, Canada là một đất nước thân thiện về kinh tế lẫn đời sống xã hội, nhưng đất nước này, có quy tắc và luật lệ: luật di trú và luật kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt những điều này khi làm ăn cùng với các đối tác Canada.
Ông Vince Lalonde, Giám đốc Xuất nhập cảnh - dịch vụ đầu tư của Pace Law Firm, cho biết khi doanh nghiệp mở công ty liên doanh làm ăn lâu dài, trung hạn hay ngắn hạn với Canada đều có thể mang theo gia đình hoặc người thân qua Canada định cư.
Nhưng trước khi mở thị trường ở Canada, bạn phải nói cho chính phủ Canada biết tại sao các bạn muốn qua Canada? Bạn qua đó để làm gì? Dự định kinh doanh gì? Bạn phải cho chính phủ Canada thấy tất cả những điều bạn đưa ra là hợp lý. Đồng thời họ sẽ xem lại lý lịch của bạn: Trước đây bạn làm gì? kinh doanh gì? và có đúng là bạn có nhu cầu sang Canada để kinh doanh làm ăn hay không? Sau đó họ sẽ gửi thư mời.
Ông này nhấn mạnh, đất nước Canada rất rộng lớn, có đến 12 tỉnh nên mỗi một tỉnh sẽ có những chương trình, ưu đãi phát triển kinh tế khác nhau. Và mức độ khó dễ và ưu tiên cho từng ngành nghề cũng khác nhau và điều đó có nghĩa là Việt Nam có nhiều cơ hội để đầu tư hơn. Vậy nên doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường của từng tỉnh để chọn lựa cho mình một mô hình kinh doanh hiệu quả.
Ông Vince Lalonde (giữa) và các đại diện đến từ Canada chia sẻ - Ảnh: Cẩm Viên |
Ông Vince Lalonde cho biết thêm, trước đây nhiều nhà đầu tư khu vực châu Á; trong đó có Việt Nam thường đầu tư vào Canada theo hình thức "thụ động" là đầu tư một khoản tiền cho chính phủ Canada, sau 5 năm sẽ trả được hoàn trả lại đúng số tiền đó để có được thẻ di chú.
Ưu điểm cho phương thức đầu tư này khá an toàn, không bị rủi ro, nhưng điểm yếu thì nhà đầu tư gần như không có lợi nhuận gì cả và nhà đầu tư không phải là người chọn dự án đầu tư mà do Chính phủ Canada lựa chọn.
Tuy nhiên, với CPTPP vừa ký kết thì nhà đầu tư Việt Nam có thể chọn phương thức đầu tư "chủ động" như thành lập công ty, mở chi nhánh hoặc mua lại công ty ở Canada một cách dễ dàng hơn và đây là xu hướng đầu tư mới được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam quan tâm thời gian gần đây.
Theo ông Vince Lalonde, việc đầu tư chủ động vào Canada hiện nay có điều kiện dễ hơn trước khá nhiều, không ràng buộc người thành lập công ty, mở chi nhánh, hoặc người chủ doanh nghiệp phải ở Canada đủ thời gian 24 tháng để có thẻ cư trú, hoặc đủ 36 tháng (trong thời gian 5 năm) để có quốc tịch Canada mà chỉ cần người thân gia đình, hoặc nhân viên của công ty có mặt tại Canada đủ thời gian quy định trên là được.
Với phương thức đầu tư này, yêu cầu duy nhất của Canada là phải thuê một lượng người lao động nhất định là người bản xứ.
Ông này cũng lưu ý, doanh nghiệp muốn tránh hoặc giảm thiểu tối đa rủi ro khi đầu tư hay mở rộng thị trường, chi nhánh sang Canada thì tốt nhất nên trực tiếp đến để khảo sát tính khả thi. Nghiên cứu kỹ những điều khoản trong Hiệp địnhh CPTPP vì mỗi loại hàng hóa có những chính sách, ưu đãi thuế quan khác nhau. Và cuối cùng là các doanh nghiệp phải tiếp cận thương vụ Canada và đại sứ Canada để tìm kiếm sự hỗ trợ tiếp cận, kết nối với thị trường, đối tác Canada.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp