04/04/2020 07:56
Thị trường bất động sản “đứng hình” vì 2 nguyên nhân
Vướng mắc từ đất có nguồn gốc Nhà nước quản lý được giao chỉ định, đất công nằm xen kẹt trong dự án khiến thị trường bất động sản TPHCM “đứng hình”.
Dừng thi công
Ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, sau thời gian dài miệt mài kiến nghị, nhiều dự án của Novaland đã được giải cứu. Điển hình như dự án Khu chung cư Cô Giang (tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1) đã được UBND TPHCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng. Dự án Trung tâm thương mại văn phòng officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 đã được UBND TPHCM, Sở Tài nguyên Môi trường phê duyệt tiền sử dụng đất của dự án.
Dự án Water Bay hiện nay phải dừng thi công, đợi kết luận thanh tra. |
Dự án Khu cao ốc căn hộ thương mại tại phường Thảo Điền quận 2, dự án Cao ốc thương mại và căn hộ tại số 1W Điện Biên Phủ phường 25, Bình Thạnh đã được Sở Tài nguyên Môi trường chấp thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân.
Dự án Khu chung cư cao tầng tại số 67 Mai Chí Thọ phường An Phú, quận 2 và 7 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận cũng đang được Sở Tài nguyên Môi trường và các sở ngành xem xét định giá tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân…
Tương tự, dự án Water Bay nằm trên đường Mai Chí Thọ, phường Bình Khánh, quận 2 được Novaland giới thiệu ra thị trường năm 2018. Khu đất của dự án này được Novaland mua lại quỹ đất của Công ty TNHH Phát triển Quốc tế thế kỷ 21. Dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư và từng bước hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan nhưng hiện nay phải dừng thi công, đợi kết luận thanh tra.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long trúng đấu giá 14 khu đất hơn 44ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ năm 2004 và đã thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Tuy nhiên, đến nay, tại phân khu số 15 vẫn còn một số hộ dân không chịu di dời, khiến Công ty Phú Long không thể triển khai dự án.
Tương tự, dự án Charmington Iris tại quận 4 do Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP làm chủ đầu tư được UBND TPHCM cấp phép xây dựng năm 2018. Khi dự án đang làm móng và đã bán nhà hình thành trong tương lai cho khách hàng, thì UBND TPHCM lại thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp cho doanh nghiệp khiến dự án đứng hình.
Phải tháo gỡ
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản Sài Gòn đang vướng pháp lý nên dự án bị đứng hình. Vướng mắc nhiều nhất là đất có nguồn gốc từ Nhà nước quản lý, theo quy định phải đấu giá nhưng trước đây các cơ quan chức năng lại giao chỉ định, dẫn đến dự án bị dừng lại để xem xét lại pháp lý.
Loại đất công thứ hai gặp vướng mắc là những kênh mương nội đồng, lối mòn… được xếp vào diện đất công nằm xen kẹt trong các dự án. Hiện vẫn chưa có phương án xử lý loại đất này, dù đã tốn rất nhiều giấy mực kiến nghị, đề xuất, kêu cứu…
Đã 15 năm kể từ ngày trúng đấu giá, Công ty Phú Long vẫn chưa thể triển khai dự án ở Nhà Bè. |
“Thực tế có cách hiểu rất khác nhau về đất công, khi thuật ngữ này không có trong Luật Đất đai. Các cơ quan chức năng phải hướng dẫn thi hành, chứ không thể bắt cuộc sống dừng lại để chờ nghiên cứu luật được”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thấy khó khăn của các doanh nghiệp nên TPHCM đã bàn họp với các sở ngành và nhận thấy 3 vướng mắc chính. Một là vướng về luật pháp, hai là vướng về nhận thức và ba là vướng về vận hành. Theo ông Hoan, TP.HCM có 2 việc cần làm ngay. Một là những việc của TP.HCM thì sẽ triển khai làm ngay. Hai là những loại việc không thuộc thẩm quyền thì sẽ báo cáo Trung ương, xin ý kiến chỉ đạo để làm.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, các sở ngành phải thấy được rằng sự vất vả, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là sự vất vả của TP.HCM. Doanh nghiệp gặp khó khăn sở ban ngành phải chia sẻ, gặp khó khăn không nên càng tạo khó khăn tiếp. Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành phải tập trung trả lời cụ thể những vướng mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn tháo gỡ để triển khai dự án.
Báo cáo về thị thường bất động sản của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) chỉ ra, tính đến cuối năm 2019, tổng lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng 38% so với cùng kỳ. Trong đó có tới 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho của 2 doanh nghiệp có hàng tồn kho cao nhất là Tập đoàn Vingroup (VIC) và Tập đoàn Novaland (NVL) đã chiếm tới 63% giá trị tồn kho của ngành. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác có giá trị tồn kho lớn như Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt 7.397 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền 7.022 tỷ đồng, Tập đoàn Đất Xanh 6.791 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long 4.205 tỷ đồng. |
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp