Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thị trường bất động sản: Chọn mặt gửi tiền

Nhà đầu tư có dòng tài chính tốt đang âm thầm săn hàng giá rẻ, chờ thị trường bật dậy sau dịch để đón cơ hội mới, thế nhưng bên cạnh cơ hội thì rủi ro săn hàng trong vùng giá nhiễu cũng luôn rình rập.

Âm thầm chờ “bắt đáy”

Dịch Covid-19 bùng phát cùng với sự siết chặt quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương khiến giá đất tại nhiều khu vực giảm trở lại và đây là cơ hội cho nhà đầu tư có sẵn tiền.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_2-6947(1).jpg
Thận trọng khi giao dịch bất động sản không bao giờ thừa. Ảnh: Dũng Minh

Chia sẻ về câu chuyện đầu tư của mình, anh Phạm Hùng (Bình Dương) cho biết, hồi cuối năm 2020, khi thị trường đất nền bắt đầu có dấu hiệu nổi sóng, anh đã nhanh tay mua vào gần chục lô đất tại một dự án ở TP. Đồng Xoài (Bình Phước) và sau hơn 1 tháng nắm giữ, anh đã bán toàn bộ số đất này và thu lời hơn 1 tỷ đồng.

“Giá đất thời điểm mua vào là 11 triệu đồng/m2 và bán ra ở mức 12,5 triệu đồng/m2. Ban đầu, tôi có phần tiếc nuối bởi chỉ khoảng 2 tháng sau khi bán, giá đất tại dự án này đã tăng lên 14-15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi làn sóng Covid thứ tư bất ngờ bùng phát sau đó, giá đất nhanh chóng giảm về 11 triệu đồng/m2, bằng mức giá thời điểm mua vào, thế nên mới thấy quyết định ‘ăn non’ là chính xác”, anh kể và không ngần ngại chia sẻ, hiện đang săn tìm những lô đất có giá cắt lỗ sâu để mua vào, bởi cửa hàng kinh doanh của anh đã đóng cửa nhiều tháng nay, tiền gửi tiết kiệm để ngân hàng cũng không lãi được mấy, nên việc đầu tư vào những lô đất rẻ lúc này là chiến lược khả dĩ giúp cải thiện thu nhập.

Trao đổi với phóng viên, chị Trần Thu Hương, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại khu vực TP. Thủ Đức (TP.HCM) cho hay, hiện có khá nhiều thông tin mời mua nhà đất giá rẻ, nhưng chị chưa quyết định xuống tiền vì muốn theo dõi thêm diễn biến thị trường.

“Hiện nay, phần lớn thông tin môi giới gửi tới là dạng căn hộ cao cấp và đất nền vùng ven bán cắt lỗ, trong khi sản phẩm tôi muốn mua là nhà riêng khu vực nội thành hay đất nền có sổ đỏ quanh TP.HCM thì giá không thấy giảm nhiều. Vì thế, tôi sẽ đợi thêm một thời gian nữa khi nào đất nền giảm khoảng 15% và nhà phố giảm về mức giá kỳ vọng thì mới mua vào”, chị Hương nói.

Cũng theo nhà đầu tư này, nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối năm thì nhiều nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn, sóng cắt lỗ có thể sẽ mạnh hơn so với lúc này. Do đó, quý IV/2021 được dự báo sẽ là thời điểm dân đầu tư bất động sản đẩy mạnh việc mua vào, đón lõng những sản phẩm có giá giảm sâu.

Trái ngược với tâm lý thong thả quan sát thị trường của bên mua, nhà đầu tư đang có nhu cầu bán ra như anh Hoàng Nam (ngụ tại quận Tân Bình) lại khá thấp thỏm. Được biết, anh Nam đang đầu tư cùng lúc 2 căn hộ tại một dự án chung cư ở TP. Thủ Đức và dự tính bán ra.

“Do vẫn còn có thể xoay xở được nên tôi chưa tính chuyện cắt lỗ, nhưng nếu tình hình thị trường ảm đạm kéo dài đến đầu năm sau thì tôi không chắc mình có thể kiên trì giữ hàng thêm được”, anh Nam nói và cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, khó khăn không giải quyết được thì “nhịn đau cắt lỗ” là giải pháp tốt nhất để không bị lỗ sâu.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_1-5742(1).jpg
Bất động sản nhà ở là phân khúc được đánh giá sôi động nhất sau dịch.

“Gửi tiền” vào đâu?

Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng trong các quyết định, bởi bất động sản đang trong vùng giá nhiễu, nhiều khu vực xa trung tâm đã tăng giá quá nhiều trong 3 năm qua nhưng cơ sở hạ tầng lại không theo kịp, nên giá khó có thể tăng thêm.

Hơn nữa, nhiều người đầu tư vào đất nông nghiệp và nhà vườn nghỉ dưỡng, nhưng không lường trước được dịch bệnh kéo dài, dẫn đến gặp khó trong việc duy trì nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Hay với phân khúc căn hộ, nhiều dự án cũng bị đẩy giá lên cao, trong khi vị trí, thế đất chưa tương xứng..., khiến nhà đầu tư khó “thoát hàng”.

Theo đánh giá của TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản thời điểm hiện tại không lạc quan như vẻ bề ngoài, mà đang tích tụ không ít bất ổn. Tình trạng này còn tiếp tục diễn ra trong những tháng cuối năm 2021, tức là sẽ có nhiều nơi không thanh khoản, khiến cho những nhà đầu tư không dự trù được rủi ro tài chính rơi vào khó khăn.

“Ngay cả những người dư dả tài chính cũng cần cân nhắc kỹ khi ra quyết định đầu tư thời điểm này, nên đánh giá lại các nguồn thu ổn định và giảm đi 30-50% trong tình huống rủi ro”, TS. Đinh Thế Hiển khuyến nghị.

Còn trả lời câu hỏi của phóng viên rằng, “sau dịch thì nên đầu tư bất động sản ở khu vực nào?”, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa cho biết, vùng ven TP.HCM còn nhiều tiềm năng và nếu có tiền nhàn rỗi có thể đầu tư bất động sản tại Long An. Ngoài ra, khu vực Hồ Tràm ở Vũng Tàu cũng là nơi cần lưu ý, vì giá nhà đất tại đây đang ở mức hợp lý.

“Tất nhiên, nói như vậy không phải dễ mua. Một tài sản lớn không dễ mua đúng giá trị, đúng pháp lý, phải là người có kinh nghiệm thì mới tránh được việc bị chôn vốn quá lâu”, ông Quang nhấn mạnh.

Chia sẻ cụ thể hơn về những phân khúc tiềm năng, ông Quang cho biết, hiện có 3 phân khúc bất động sản cần quan tâm là đất nền hoặc đất vườn, nhà phố trung tâm và biệt thự nghỉ dưỡng. Trong đó, theo ông Quang, phân khúc đất nền sẽ có một cơn sốt nhỏ ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Với biệt thự nghỉ dưỡng, mặc dù việc kinh doanh cho thuê hiện tại rất khó khăn, nhưng nhiều khả năng du lịch sẽ bùng nổ sau dịch, nên người có nhu cầu vẫn đang tìm kiếm những dự án có giá tốt và chính sách thanh toán hợp lý. Còn về nhà phố trung tâm, sản phẩm này vừa có lợi thế là tài sản tích lũy khi lượng cung khan hàng, lại đang có mức giá chấp nhận được trong giai đoạn dịch bệnh nên nhận được nhiều sự chú ý.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, trong kịch bản thị trường hồi phục vào cuối quý III này, bất động sản nhà ở sẽ là phân khúc sôi động nhất bởi nhu cầu thực về nhà ở luôn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây, vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng, trong khi thu nhập bị giảm sút vì dịch nên phải cân nhắc việc việc trả nợ.

“Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc”, ông Khương nói.

Việt Dũng
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement