07/12/2017 05:16
Thị giá cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình đang cao hơn 2,5 lần giá trị thật (bài 1)
Với công ty xây dựng không dựa trên nền tảng giá trị gia tăng nhiều về sản xuất, thị giá HBC nằm ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu đã là quá tốt.
Mất 1.500 tỉ đồng
Cổ phiếu HBC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là câu chuyện gây tranh cãi nhất trong gần 2 tháng qua. Chốt phiên giao dịch sáng ngày 6/12, HBC đang giao dịch quanh mức 49.500 đồng/cổ phiếu. So với đỉnh mà HBC thiết lập ngày 13/10 với giá 63.800 đồng/cổ phiếu, thị giá HBC đã bốc hơi khoảng 25%. Giá trị vốn hóa trên HOSE mất đi 1.500 tỉ đồng.
Cổ phiếu HBC bắt đầu leo lên vùng giá 60.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 9/11 rồi nằm im trong một thời gian dài. Mãi đến phiên giao dịch ngày 16/10, HBC bất ngờ sụt giảm. Trong 14 phiên giao dịch sau đó, giá cổ phiếu HBC có 10 phiên giảm liên tục.
Có ba nguyên nhân được HBC giải thích cho đợt tụt giảm cổ phiếu này. Thứ nhất là tin đồn thất thiệt như HBC bị KhaiSilk xù nợ cho dự án đã thi công ở quận 7, TP.HCM với số tiền khoảng 2.500 tỉ đồng. Thứ hai là lợi nhuận sau thuế quý III năm 2017 chỉ đạt 140 tỉ đồng. Thứ ba là HBC không đòi được nợ của Tập đoàn FLC nên quý III năm 2017 phải trích lập dự phòng thêm 40 tỉ nên lợi nhuận sau thuế của quý này sẽ rất thấp.
Diễn biến thị giá cổ phiếu HBC từ tháng 8 đến nay. |
Để lý giải xem ba nguyên nhân mà HBC biện minh cho việc cổ phiếu rớt giá có chính xác hay không, hãy nhìn qua một chút về báo cáo tài chính quý III năm 2017 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Theo đó, quý này HBC đạt doanh thu 4.203 tỉ đồng. Tuy nhiên, HBC phải chi gần 70 tỉ đồng để trả lãi vay ngân hàng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này trong quý III chỉ còn 238 tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HBC đạt doanh thu 10.959 tỉ đồng, tăng 56,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 616 tỉ đồng, tăng 93,7% so với cùng kỳ. Các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 8.600 tỉ đồng, tăng 1.300 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản phải thu theo tiến độ khách hàng hợp đồng xây dựng lên tới 5.152 tỉ đồng, tăng 2.200 tỉ đồng so với ngày 1/1/2017.
Trong báo cáo tài chính quý III, HBC dành từ trang 8 đến trang 29 để thuyết minh. Tuy nhiên, báo cáo này không thể hiện con số nợ phải thu đến từ doanh nghiệp nào. Điều dễ hiểu, báo cáo tài chính quý III là báo cáo không được kiểm toán nên số liệu chỉ dừng ở mức tham khảo.
Trong 3 tin đồn khiến cổ phiếu HBC lao dốc, chỉ có tin đồn Tập đoàn FLC nợ HBC là có thật và phải trích lập dự phòng rủi ro nhưng HBC lại không thể hiện điều này trong báo cáo tài chính quý III. Cụ thể, tại báo cáo tài chính quý III của Tập đoàn FLC, ở trang 28 về khoản phải trả cho người bán là bên thứ ba thì FLC đang nợ HBC 213.150.684.628 đồng. Khoản nợ này xuất hiện từ ngày 1/1/2017 nhưng đến 30/9, FLC chưa trả cho HBC đồng nào.
Theo báo cáo thăm doanh nghiệp HBC do Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt phát đi hồi tháng 9, HBC phải hoàn nhập khoảng 157 tỉ đồng nợ khó đòi từ hai công ty. Trong đó, khoản nợ từ FLC phải trích lập dự phòng rủi ro tới 89 tỉ đồng. Khoản nợ này, HBC và FLC đang đàm phán với nhau.
Khoản nợ khó đòi hơn 213 tỉ đồng ở FLC là do HBC làm nhà thầu thi công ban đầu của dự án FLC Samson Beach & Golf Resort tại Thanh Hóa. Sau đó, FLC đã sử dụng nhà thầu FLC Faros. Faros là một công ty khác của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC.
Doanh nghiệp thứ hai là Công ty Hải Quân, HBC đang có nợ khó đòi khoảng 139 tỉ đồng và phải trích lập rủi ro 68 tỉ đồng.
Như vậy, nếu trừ đi 157 tỉ đồng mà HBC phải dành ra để hoàn nhập do nợ khó đòi thì lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này trong quý III năm 2017 chỉ còn có 81 tỉ đồng, ít hơn nhiều so với tin đồn trên thị trường chứng khoán.
Thị giá quá cao
Nhìn lại thị giá cổ phiếu của HBC trong những năm qua mới thấy có sự bức phá mạnh mẽ. Hồi đầu tháng 1/2015, HBC có thị giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Đến ngày 4/1/2016, HBC mới chỉ nằm ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu. Vào ngày 25/1/2017, HBC đã leo lên vùng giá 34.000 đồng/cổ phiếu.
HBC đang gặp rắc rối với chính đòn bẩy tài chính do mình sử dụng trong những năm qua. |
Chốt phiên giao dịch ngày 6/12, thị giá HBC ở mức 49.950 đồng/cổ phiếu. So với đầu năm 2015, thị giá cổ phiếu HBC đã tăng 233%, so với đầu năm 2016 tăng 163%. Còn từ hồi đầu năm đến nay, cổ phiếu HBC tăng 47%.
Đánh giá về HBC, báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, HBC sẽ đạt kế hoạch doanh thu đề ra trong năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến thận trọng khoảng 896 tỉ đồng, vượt 9% so với kế hoạch đề ra. EPS năm 2017 theo cổ phiếu hiện tại là 6.956 đồng/cổ phiếu, PE là 8,3 lần.
Còn Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt dự phóng HBC có thể đạt mức EPS là 6.058 đồng/cổ phiếu cho năm 2017 và EPS của năm 2018 là 7.314 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên dòng tiền tạo ra cho doanh nghiệp sẽ tiếp tục âm trong hai năm này và bắt buộc HBC phải tiếp tục tăng vay nợ ngắn hạn để rót vốn vào hoạt động kinh doanh.
“Chúng tôi tạm thời không đưa ra định giá và khuyến nghị về cổ phiếu này cho đến khi quan sát thấy sự cải thiện trong dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty”, báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt ghi.
Chuyên gia tài chinh Đinh Thế Hiển cho rằng, thực chất cổ phiếu HBC đang gặp áp lực về mặt dài hạn. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về thị giá cổ phiếu HBC so với thời điểm đầu năm vẫn có yếu tố khá cảm tính. Mức tăng trưởng này chỉ dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất là sự đi lên của thị trường bất động sản. Thứ hai, việc im ắng của đối thủ cạnh tranh lớn nhất của HBC là Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons.
“Thị trường bất động sản đang tốt mà HBC là công ty về xây dựng lớn thứ hai trên thị trường, chỉ sau Conteccons. Rồi nhà đầu tư lấy thị giá cổ phiếu CTD của Conteccons đem so sánh với giá HBC và đánh lên quá mức”, ông Hiển nói.
Ông Hiển cho rằng, đối với tỉ suất lợi nhuận của ngành xây dựng, mã cổ phiếu HBC tăng trên 6 điểm là khá lạ bởi giá trị tài chính tích lũy nhiều năm của công ty này không quá lớn. Tình hình tài chính của HBC chỉ đột biến ở quý III năm 2017 khi doanh nghiệp báo cáo doanh thu thuần đạt 4.203 tỉ đồng, tăng 43% và lợi nhuận sau thuế đạt 238 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là yếu tố niềm tin ngắn hạn nên việc cổ phiếu bứt phá ngắn hạn rồi đi xuống là một biểu đồ rất bình thường.
Diễn biến sắp tới, cổ phiếu HBC sẽ gặp một vài khó khăn khi niềm tin chung của thị trường chứng khoán đang suy giảm. Mặt khác, áp lực của HBC là duy trì được tình hình tài chính khả quan. Nếu thị trường bất động sản, mà cụ thể là căn hộ cao cấp suy giảm, HBC sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
“Đối với doanh nghiệp không dựa trên nền tảng giá trị gia tăng nhiều về sản xuất như Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, thị giá HBC nằm ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu đã là quá tốt chứ không phải lên tới mức 50.000-60.000 đồng/cổ phiếu”, ông Hiển khẳng định.
Đẩy giá cổ phiếu
Việc HBC rơi tự do gần 25% thị giá và vốn hóa trên thị trường chứng khoán bốc hơi 1.500 tỉ đồng, lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có hàng loạt biện pháp để cứu cổ phiếu.
Từ năm 2015 đến nay, thị giá cổ phiếu HBC đã tăng tới 233%. |
Vào ngày 5/12, HBC đã phát đi thông tin 11 tháng đầu năm 2017, doanh thu của công ty ước đạt 14.500 tỉ đồng và con số này có thể nâng lên mức 16.500 tỉ đồng trong năm 2017, vượt 5% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế có thể vượt 10-15% kế hoạch, đạt khoảng 920-960 tỉ đồng.
Trước đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu HBC với mục đích tăng tỉ lệ nắm giữ. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 1-30/12 bằng phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Nếu mua thành công, ông Hải sẽ tăng số lượng sở hữu lên hơn 21,4 triệu cổ phiếu, tương đương 16,5% vốn điều lệ của của HBC. Tạm tính tại mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu, ông Lê Viết Hải sẽ phải chi 100 tỉ đồng để mua lượng cổ phiếu đăng ký.
Ngoài ông Hải, hàng loạt lãnh đạo HBC đã thực hiện mua vào cổ phiếu. Cụ thể, ông Phương Công Thắng, thành viên Hội đồng quản trị đã mua vào 567.000 cổ phiếu HBC để nâng tỉ lệ sở hữu lên 1,06%. Ông Lê Văn Nam, Phó tổng giám đốc cũng đăng ký mua 500.000 cổ phiếu HBC để nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,42% trong khoảng thời gian từ 9/11-8/12...
Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng quyết định chi khoảng 200 tỉ đồng để mua 3,5 triệu cổ phiếu, tương đương 2,7% số cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE làm cổ phiếu quỹ. Giá mua dự kiến không quá 52.000 đồng/cổ phần.
Cho dù, lãnh đạo HBC dùng mọi cách để đẩy giá cổ phiếu nhưng nội lực công ty mới là yếu tố quyết định. Định hướng phát triển của HBC luôn gây tranh cãi trong giới đầu tư tài chính với hai vấn đề là rủi ro lớn hay sử dụng đòn bẩy hiệu quả. Bởi tỉ lệ vay nợ cao đi cùng với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm, các khoản phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng lớn.
Nếu gặp sự cố như chủ đầu tư không ký nghiệm thu công trình, ngân hàng không giải ngân hay các công ty con trong lĩnh vực bất động sản chậm bàn giao nhà thì sẽ là thảm họa đối với công ty luôn có dòng tiền âm như HBC.
Bài 2: HBC tăng trưởng nhờ đòn bẩy tài chính như thế nào?
Trong 7 năm, nợ phải thu của HBC đã tăng 734% nhưng doanh thu chỉ tăng 616%. Tỉ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản lên tới 83,3%.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp