Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thị giá cổ phiếu của Hoa Sen và Hòa Phát: Kẻ trên mây, người dưới đất

Chứng khoán

07/06/2018 18:28

HSG đang giao dịch ở mức 12.300 đồng/cổ phiếu thì HPG cao chót vót 61.900 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến Hoa Sen hụt hơi trong cuộc đua song mã với Hoà Phát.

HSG và HPG là hai ông lớn của ngành thép Việt Nam. HSG là mã cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, còn HPG là mã chứng khoán của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát. Trên từng mặt hàng, hai doanh nghiệp này luôn so kè từng chút một.

Bỏ xa đối thủ

Tập đoàn Hoa Sen có tiền thân là Công ty cổ phần Hoa Sen, được thành lập ngày 8/8/2001. Qua 17 năm, từ một công ty cổ phần tư nhân nhỏ với số vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng, Tập đoàn Hoa Sen đã trở thành doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôn, thép lớn của Việt Nam và là nhà xuất khẩu tôn, thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn Hoa Sen hiện có 8 nhà máy lớn, sở hữu hệ thống hơn 200 chi nhánh phân phối, bán lẻ trải dài trên khắp cả nước.

HPG đang vượt trội trên thị trường thép so với HSG.
HPG đang vượt trội trên thị trường thép so với HSG.

Còn Tập đoàn Hoà Phát khởi đầu từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng, được thành lập vào tháng 8/1992. Sau đó, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực nội thất vào năm 1995, ống thép năm 1996, thép năm 2000, điện lạnh năm 2001, bất động sản năm 2001. Năm 2007, Hòa Phát tái cấu trúc theo mô hình Tập đoàn, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát giữ vai trò là công ty mẹ cùng các công ty thành viên và công ty liên kết.

Vì cả hai doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép nên cạnh tranh rất khốc liệt. Tuy nhiên, HPG đang dần bỏ xa đối thủ của mình là HSG. Hiện tại, HPG sử dụng báo cáo tài chính theo năm còn niên độ tài chính của HSG bắt đầu từ 1/10 đến 30/9 năm sau.

Cụ thể năm 2017, HPG có doanh thu hợp nhất đạt 46.800 tỷ đồng, tăng 38% so với 2016. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử HPG khi đạt 8.000 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch và tăng 21% so với năm trước.

Trong kết quả trên, nhóm ngành thép đóng vai trò chủ đạo, đóng góp tới gần 90% doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Hòa Phát đã xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016. Trong tổng sản lượng trên, thép xây dựng chiếm 2,2 triệu tấn, ống thép đóng góp 600.000 tấn và còn lại là tôn mạ kẽm.

Còn theo báo cáo tài chính niên độ 2016-2017, Hoa Sen đạt doanh thu hơn 26.000 tỷ đồng, tăng 46% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 1.331 tỷ đồng, giảm 11% so với niên độ trước và hoàn thành hơn 80% kế hoạch.

Sản lượng thép của Hoa Sen đạt 1,6 triệu tấn thành phẩm, giá bán bình quân tăng trên 10%, đạt 16,4 triệu đồng/tấn nhưng giá vốn hàng bán tăng 58% khiến lợi nhuận gộp chỉ tăng khoảng 6%, biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,3% xuống 16,9% và thị phần giảm nhẹ so với niên độ 2015-2016.

Còn ở quý I năm 2018, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận mức doanh thu 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.200 tỷ đồng, tăng tương ứng 25% và 14% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm ngành thép duy trì mức sản lượng cao là động lực tăng trưởng chính của Hòa Phát.

Riêng ống thép Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 148.200 tấn, tăng 17% so với quý I năm 2017. Đối với sản phẩm tôn, Hòa Phát đã bắt đầu cho ra thị trường những sản phẩm tôn mạ màu chất lượng Châu Âu đầu tiên từ tháng 4. Cũng trong lĩnh vực thép, lần đầu tiên Hòa Phát đã xuất khẩu dây thép rút mạ kẽm sang thị trường một số nước như Hàn Quốc, Lào.

Dự án thép Cà Ná của tập đoàn Hoa Sen đãbị tạm dừng sẽ càng khiến HSG lép vế trong cuộc đua với HPG.

Dự án thép Cà Ná của tập đoàn Hoa Sen đãbị tạm dừng sẽ càng khiến HSG lép vế trong cuộc đua với HPG.

Với Hoa Sen, báo cáo tài chính quý I niên độ tài chính 2017-2018 cho thấy doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý đạt 7.886 tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ trong khi đó chi phí giá vốn tăng mạnh đến 42% nên lợi nhuận gộp còn lại 1.181 tỷ đồng.

Doanh thu của HSG gồm hơn 4.057 tỷ đồng doanh thu bán thành phẩm, chiếm trên 51% tổng doanh thu. Trong quý công ty chi gần 36 tỷ đồng chiết khấu thương mại ghi nhận vào các khoản giảm trừ doanh thu.

Hoa Sen đang hụt hơi

Việc hụt hơi của HSG trong cuộc đua song mã với HPG đến từ giá nguyên liệu đầu vào thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 10%, trong khi giá sản phẩm đầu ra chỉ tăng 1-2%. Chi phí lãi vay tăng 70% với tổng dư nợ vay ngắn hạn là 13.917 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với hồi đầu kỳ, nợ vay dài hạn cũng tăng lên mức 3.137 tỷ đồng.Việc nợ HSG tăng mạnh bắt đầu từ việc giảm thị phần tôn mạ hồi 2012.

Điều này khiến HSG phải tăng vay nợ để mở rộng đầu tư, hạ giá bán để tạo thị phần. Chiến lược này đã thành công khi thị phần tôn mạ của HSG đã tăng lên 34,3% trong năm 2017 nhưng đổi lại, lợi nhuận năm 2017 của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm 11,5% và tiếp tục giảm mạnh trong năm nay.

Ngoài chi phí lãi vay, chi phí bán hàng của HSG cũng tăng 35%, chi phí quản lý tăng gần 90% so với cùng kỳ. Kết quả là HSG chỉ có lãi 87 tỷ đồng trong quý I năm 2018. Đây là con số thấp nhất trong vòng 4 năm qua của tập đoàn này.

Với Tập đoàn Hòa Phát, ngành kinh doanh chủ lực là thép xây dựng. Sau khi đã củng cố vững chắc thị phần thép xây dựng ở thị trường miền Bắc, HPG đã tiến vào thị trường thép phía Nam bằng dự án Khu liên hợp thép xây dựng ở Dung Quất với tổng vốn đầu tư lên tới 60.000 tỷ đồng, công suất dự kiến lên tới 4 triệu tấn.

Việc thâm nhập ngành của Tập đoàn Hòa Phát vào lĩnh vực tôn mạ, Hoa Sen đã phải dốc toàn lực để bảo vệ thị phần của mình trong ngành tôn mạ thông qua việc tận dụng hết công suất vay nợ của mình để đầu tư chiếm lĩnh thị phần, đẩy hệ số nợ lên cao. Trên thực tế, việc hạ giá bán, tăng chiết khấu cho khách hàng để giành thị phần cũng khiến cho tích lũy vốn thông qua lợi nhuận của Hoa Sen giảm xuống.

Sau khi đã chiếm giữ khá vững chắc vị thế số 1 trên thị trường tôn mạ và vị thế số 2 trên thị trường ống thép, Hoa Sen công bố quyết định đầu tư vào dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận. Tuy nhiên, dự án đã bị ngưng lại do lo ngại về ô nhiễm môi trường và bị dư luận phản ứng gay gắt.

Còn với Hoà Phát, tiến độ dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quấtđang được thực hiện đúng theo kế hoạch, HPG đang ưu tiên nguồn lực để đưa dây chuyền cán thép dài đầu tiên vào hoạt động trong quý III năm 2018 nhằm đáp ứng nhu cầu khu vực miền Trung và miền Nam. Các hạng mục khác sẽ được hoàn thành từ quý IV năm nay đến cuối năm 2019. Mục tiêu của Hòa Phát là chạy thử đồng bộ cả hai giai đoạn vàocuối năm 2019.

Để có tiền làm dự án và không phải vay nợ, HPG dừng việc trả cổ tức bằng tiền mặt đã thành thông lệ hàng năm, thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu để ưu tiên giữ lại lợi nhuận tái đầu tư. Do đó, chỉ số tài chính của HPG luôn tốt hơn so với HSG.

Việc HSG hụt hơi trong cuộc đua với HPG cũng thể hiện rõ ở tổng tài sản của hai ông chủ của doanh nghiệp này. Ông Lê Phước Vũ, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen. Hiện tại, ông Vũ đang nắm gần 41,2 triệu cổ phiếu HSG, chiếm 10,7% vốn điều lệ của Tập đoàn Hoa Sen. Ngoài ra, ông Vũ còn đại diện cho Công ty TNHH MTV Tam Hỷ 10,5 triệu cổ phiếu HSG, chiếm 2,73% vốn điều lệ của Tập đoàn Hoa Sen.

So với cuối năm 2017, số lượng cổ phiếu HSG của ông Lê Phước Vũ tăng hơn 3,7 triệu đơn vị. Còn cổ phiếu ông Vũ đại diện cho Công ty Tam Hỷ không thay đổi.Dù số lượng cổ phiếu ông Vũ nắm tại HSG tăng nhưng tài sản của ông Vũ lại giảm mạnh. Cụ thể, tính tới ngày 31/12/2017, ông Vũ là người giàu thứ 48 trên sàn chứng khoán với tổng tài sản 1.175 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long (trái) đã là tỷ phú USD còn tài sản của ông Lê Phước Vũ bị giảm mạnh.
Ông Trần Đình Long (trái) đã là tỷ phú USD còn tài sản của ông Lê Phước Vũ bị giảm mạnh.

Tuy nhiên, do thị giá cổ phiếu HSG giảm một nửa so với cuối năm 2017 nên tổng tài sản của ông Vũ chỉ còn 663 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với hồi đầu năm 2018. Chốt phiên giao dịch ngày 7/6, HSG giảm 3,5% xuống 12.300 đồng/cổ phiếu. Việc thị giá HSG giảm mạnh khiến ông Vũ tụt xuống vị trí 94 trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Còn ông Trần Đình Long là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hoà Phát. Ông Long đang nắm 381.557.138 cổ phiếu của HPG. Cuối năm 2017, ông Long là người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản 17.975 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch 7/6, HPG tăng 1,8% lên 61.900 đồng/cổ phiếu. Điều này đã khiến tài sản ông Long lên 23.618 tỷ đồng, tăng 5643 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, vị trí của ông Long trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, ông Long được Forbes xếp hạng là tỷ phú USD của thế giới ở vị trí 1.756 với tổng tài sản 1,3 tỷ USD.

Trong phiên giao dịch ngày 7/6, thị trường chứng khoán diễn biến khá giằng co, áp lực bán tăng mạnh vào cuối phiên sáng khiến các chỉ số lao dốc. May mắn là đến cuối phiên chiều có những mã cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh giúp chỉ số Vn-Index kết phiên trong sắc xanh.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/6, Vn-Index tăng 2,19 điểm lên 1036,69 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 171,9 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 4.943 tỷ đồng. Thị trường có 144 mã tăng giá, 58 mã đứng giá và 139 mã giảm giá.

Hnx-Index giảm 1,43 điểm xuống 118,99 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 45,6 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 697 tỷ đồng. Toàn sàn có 88 mã tăng giá, 60 mã đứng giá và 78 mã giảm giá.

Điểm tích cực nhất trong phiên giao dịch hôm nay là khối ngoại đã trở lại mua ròng. Cụ thể, trên sàn HNX, khối ngoại đã mua ròng gần 3 triệu cổ phiếu, với giá trị mua ròng đạt hơn 17 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất những mã như CEO với hơn 11,2 tỷ đồng, QNC hơn 11,8 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng hơn 1,69 triệu đơn vị cổ phiếu với giá trị mua ròng đạt hơn 219,18 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất các mã như HPG với giá trị mua ròng đạt hơn 92 tỷ đồng, VNM hơn 35 tỷ đồng và VCB hơn 42 tỷ đồng.


NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement