Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thép xây dựng tăng giá chóng mặt

Thị trường 24h

05/04/2021 13:48

Thép xây dựng khan hiếm, tăng giá từng ngày, đúng thời kỳ cao điểm xây dựng khiến nhiều nhà thầu ngậm ngùi bù lỗ.

Giá tăng chóng mặt, báo giá theo ngày

Tại cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) của anh Trần Viết Thanh, thuộc dạng to nhất nhì huyện Hoài Đức, Hà Nội, kho chứa hàng khoảng 600-700m2 gần như không có hàng tồn. Trong kho chỉ vỏn vẹn cuộn sắt 6 (phi 6) đang bán dở.

cdn-baogiaothong-vn_img-bgt-2021-cuon-thep-1617549768-width1280height722(1).jpg

Cuộn thép duy nhất đang bán dở còn lại trong kho hàng của anh Trần Viết Thanh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Anh Thanh cho biết, đại lý của mình bán nhiều loại thép của các thương hiệu như: Hòa Phát, Việt Úc, Thái Nguyên... thép cuộn là D68 (phi 6) tính theo kg, giá dao động trên dưới 16 nghìn/kg; thép cây từ D10 (phi 10) đến D22 (phi 22), giá từ 97.000 - 533.000 đồng/cây.

“Theo chu kỳ thị trường, cuối năm giá thép giảm, vào vụ từ tháng 2 dương lịch giá tăng trở lại nhưng đợt này giá tăng liên tục từ trong năm, khan hàng, các nhà phân phối phải chia sẻ nhau. Trước tháng 7/2020, giá sắt cuộn 11.500 đồng/kg nhưng đến nay lên trên dưới 16.000/kg, tăng 4.500/kg (tương ứng mức tăng 39%)”, anh Thanh chia sẻ.

Anh Triệu Nhật Quang, chủ cửa hàng thép Hoàng Mai xác nhận, giá thép xây dựng tăng liên tục, chưa có đợt nào giảm nên chỉ dám báo giá 2 ngày/lần.

“Thời gian này, hoạt động xây dựng nhiều, trong khi nguồn hàng đang khan khiến ngay cả những đại lý lớn như của tôi cũng bị “ép”. Nếu lấy hàng phải lấy cả xe, không thì thôi chứ không được lựa chọn”, anh Quang cho biết.

Khảo sát bảng giá trên một website uy tín của ngành thép, tháng 6/2020, giá thép Hoà Phát loại phi 22 được báo 280.000 đồng/cây, hiện nay 463.000 đồng/cây, tăng 65%; Thép Việt Nhật phi 22 đang báo 489.000 đồng/cây, cao hơn 96.000 đồng (24%) so với tháng 6/2020 là 393.000 đồng/cây.

So với giá bán trực tiếp tại các cửa hàng, giá báo online thấp hơn 11%. Tuy nhiên, bảng giá trên gồm điều kiện phải đặt hàng, chuyển cọc giữ giá trước 30%.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngay từ sau Tết Tân Sửu, giá bán thép thành phẩm trong nước đã tăng mạnh, bình quân khoảng 14.500 - 15.100 đồng/kg (tăng 20%) so với giá đầu tháng 12/2020 và là vùng giá cao nhất trong 5 năm qua.

Nguyên nhân do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước.

Theo VSA, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước.

Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc dự báo, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau dịch Covid-19, nhu cầu thép quốc tế tăng gần 5%, tương ứng 1,83 tỷ tấn vào năm 2021; riêng Trung Quốc là 991 triệu tấn, tăng 1%.

Nhà thầu méo mặt vì dự báo không chính xác

thép xây dựng tăng giá chóng mặt

Thép của Tập đoàn Hòa Phát đang tăng giá

Các chuyên gia dự báo nhu cầu thép năm 2021 sẽ tăng từ 3 - 5% so với năm 2020. Động lực tăng đến từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc - Nam; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; sân bay quốc tế Long Thành; thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ “nóng” trở lại trong năm nay; một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP... được thực thi kỳ vọng có thêm thị trường xuất khẩu mới. Nhu cầu tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm sẽ càng đẩy giá thép tăng cao thời gian tới.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, Phó tổng giám đốc một Tập đoàn Xây dựng cho biết, khi thép khan hiếm cục bộ thì DN buộc phải co kéo, lấy chỗ nọ đập chỗ kia để thi công.

Chỗ nào không thể co kéo được thì buộc phải dừng chờ. May mắn tình trạng khan hàng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, giá thép tăng song vẫn có thép để nhập.

Ông này ước tính, từ khoảng giữa năm ngoái đến đầu năm nay, giá thép tăng trung bình từ 30-35%. Giá tăng bao nhiêu thì nhà thầu phải chịu thiệt bấy nhiêu bởi các hợp đồng đã ký cố định trước đó. Cũng có những chủ đầu tư chia sẻ với nhà thầu nhưng phần lớn là không.

Theo ông, ngoài việc tìm giải pháp bình ổn thị trường, cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Hiệp hội Thép VN cần có dự báo chính xác hơn để nhà thầu, nhà cung cấp chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ, sản xuất. “Đơn cử như tháng 10/2020, các cơ quan vẫn báo cáo thị trường ổn, sang tháng 11 thì xảy ra tình trạng khan hiếm”, ông này ví dụ.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Thép Hoà Phát thông tin, tổng công suất thép thô của DN hiện là 8 triệu tấn/năm, trong đó thép xây dựng là 5 triệu tấn, thép cuộn cán nóng 3 triệu tấn, chưa kể hệ thống nhà máy sản xuất ống thép (1 triệu tấn/năm), tôn mạ màu (400.000 tấn/năm).

“Hiện DN vẫn đang cố gắng đầu tư mở rộng sản xuất tại Hưng Yên, Hải Dương và Quảng Ngãi nhằm góp phần đảm bảo cung cầu cho thị trường”, đại diện Hoà Phát nói.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2021, cả nước nhập khẩu 1,03 triệu tấn sắt thép các loại, tương đương trên 725,04 triệu USD, giá trung bình 706,6 USD/tấn, giảm 16% về lượng, giảm 13,8% về kim ngạch nhưng tăng 2,1% về giá so với tháng 1.

Tính chung cả 2 tháng đầu năm 2021, lượng sắt thép cả nước nhập khẩu đạt gần 2,25 triệu tấn, kim ngạch gần 1,57 tỷ USD, giá trung bình đạt 696,5 USD/tấn, tăng 14% về lượng, tăng 32% về kim ngạch và tăng 16% về giá so với 2 tháng đầu năm 2020.

NGUYỄN HÙNG-TRUNG ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement