15/12/2021 07:12
Theo chân giới đầu tư đi 'săn' đất
Có thể nói, chưa lúc nào cơn sốt đất lại chờ chực bùng nổ mạnh mẽ như lúc này, từ khu vực phía Nam lan xuống duyên hải miền Trung, đâu đâu cũng có người lùng tìm mua đất…
Đánh hơi “quy hoạch”
Quán cà phê Lastminute ngay góc đường Dân Chủ và Khổng Tử thuộc phường Bình Thọ, TP.HCM từ sau giãn cách đến nay đã trở thành điểm tụ họp của nhiều nhóm nhà đầu tư bất động sản.
“Có một số lô đất đẹp ở xã Cù Bị, Kim Long thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cuối tuần đi xem nhé”, anh Hậu - “leader” của nhóm, cũng là người có nhiều kinh nghiệm về bất động sản vùng ven nói ngắn gọn và hẹn chúng tôi đi cùng sau khi được một người quen giới thiệu. Lý do chọn, theo anh Hậu, là bởi địa phương này được quy hoạch phát triển nhiều khu công nghiệp, hạ tầng giao thông thuận lợi, dễ dàng kết nối với sân bay Long Thành, nên tiềm năng rất lớn.
Tới đây, chúng tôi được Trọng, một “thổ địa” khu vực Kim Long đưa đi xem một số khu đất đang được các chủ đất rao bán với giá từ 1-2 tỷ đồng/sào (1.000 m2). Có tận mắt chứng kiến mới thấy sức nóng của đất nền khu vực này, dù giá trị hàng tỷ đồng nhưng các vụ mua bán trao tay được quyết định khá nhanh. Sau khi tìm hiểu kỹ về quy hoạch, pháp lý khu đất, chỉ trong một buổi sáng, 2 lô đất, mỗi lô có diện tích hơn 5 sào đã được nhóm đầu tư xuống cọc và hẹn ngày công chứng giao dịch.
Giải thích việc ra quyết định nhanh chóng, anh Hậu cho biết, thực ra trước khi xuống đây, nhóm đã tìm hiểu trước thông tin và lên sẵn kế hoạch giao dịch. “Mua bán đất trong giai đoạn này một khi đã xác định thì phải xuống tiền nhanh, vì có thể hôm sau giá đã khác”, anh Hậu nói. Tìm hiểu thì được biết, đây không phải là thương vụ đầu tiên nhóm nhà đầu tư này thực hiện, mà đã giao dịch ở nhiều khu vực khác. Cách đầu tư là huy động vốn từ các nhà đầu tư, sau đó cử người đại diện đứng ra thực hiện giao dịch.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu những ngày qua tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, hầu hết hàng quán đều đóng cửa, song theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn có nhiều nhà đầu tư về đây săn đất. Theo lời môi giới tên Trọng, từ sau giãn cách đến nay, nhu cầu tìm mua đất vườn tại nhiều khu trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, có những ngày anh thực hiện thành công cả chục giao dịch.
“Trong số những người mua đất, có nhiều người mua để đầu tư, nhưng cũng người mua để ở hoặc làm vườn. Nơi được nhiều người quan tâm nhất thuộc các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ”, Trọng nói và cho biết thêm, phòng công chứng thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) thường trong tình trạng quá tải thời gian qua.
Tương tự, tại tỉnh Bình Thuận, từ đầu tháng 10/2021, có thông tin thị xã La Gi sẽ được quy hoạch trở thành thành phố vào năm 2025, nên giới đầu tư đất ùn ùn kéo tới. Hào, một nhà đầu tư địa phương cho hay, mỗi ngày có hàng chục nhóm nhà đầu tư rảo khắp nơi để tìm mua đất, khiến giá đất nơi đây tăng nhanh chóng.
“Nếu tính từ giữa năm 2020 đến nay, giá đất tại nhiều khu vực ở La Gi đã tăng hơn gấp đôi”, môi giới này nói.
Không chỉ La Gi, làn sóng săn đất đón đầu quy hoạch còn lan sang huyện Hàm Tân. Đưa chúng tôi khảo sát một vòng huyện, anh Lê Thái, một môi giới địa phương nửa đùa nửa thật nói: “Đến Hàm Tân thời điểm này phải chú ý, vì gần đây nông dân ở đây mua xe ô tô nhiều lắm, nếu chạy xe không cẩn thận rất dễ bị va quẹt”.
Anh Thái cho biết, nhận thấy giá đất tăng mạnh và được hỏi mua nhiều, nên nhiều người dân quyết định bán đất, rồi xây nhà, tậu xe, đồng thời lưu ý, mua bán xong sẽ phải chờ làm thủ tục sang tên, bởi huyện Hàm Tân đang bị quá tải việc tiếp nhận hồ sơ mua bán đất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do khiến nhà đầu tư đổ xô về Hàm Tân mua đất là bởi nơi đây được Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) chọn để đầu tư dự án Khu công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Becamex VSIP Bình Thuận, chưa kể giá đất nơi đây còn “mềm”, dao động từ 500-800 triệu đồng/sào.
Xuôi xuống duyên hải Nam Trung Bộ, câu chuyện “săn” đất đón đầu quy hoạch cũng diễn ra ồn ào tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, khi thời gian gần đây có thông tin một số tập đoàn bất động sản lớn đề xuất đầu tư nhiều dự án quy mô lên tới hàng nghìn héc-ta, khiến giá đất nơi đây “nóng” từng ngày.
Ông Đặng Huy, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Khánh Hòa cho biết, từ đầu tháng 11/2021, giá đất Cam Lâm đã tăng 30-50%. “Các lô đất nền ven đầm Thủy Triều mà chúng tôi bán hồi giữa năm 2020 có giá từ 11-12 triệu đồng/m2, nay tăng lên hơn 16 triệu đồng/m2. Việc nhà đầu tư chấp nhận mua giá cao vì kỳ vọng sẽ còn tăng mạnh hơn khi các ‘đại bàng’ chính thức triển khai dự án”, ông Huy nói.
Để khẳng định lời mình, ông Huy dẫn chúng tôi đi xem nhiều lô đất đang được dọn cỏ để chờ giới thiệu cho nhà đầu tư, khi hàng ngày, hàng đoàn xe ô tô từ khắp nơi nối đuôi nhau vào xem đất.
“Hiện Cam Lâm hầu như không có hàng mới (sản phẩm phân lô mới - PV), mà giai đoạn này khách mua lại các sản phẩm cũ. Nhiều nhà đầu tư đến từ Hà Nội đang săn đất nông nghiệp hợp quy hoạch lên thổ cư”, ông Huy cho hay.
Cẩn trọng “sốt ảo”
Có thể nói, chưa lúc nào cơn sốt đất vùng ven lại diễn ra mạnh mẽ và trên diện rộng như lúc này. Bởi thế, câu hỏi rất được quan tâm là vì sao chỉ trong thời gian ngắn giá đất lại tăng nhanh đến vậy và cơn sốt này xuất phát từ nhu cầu thực hay chỉ là “sốt ảo”?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người đổ tiền vào đất thời gian gần đây là do lo ngại lạm phát tăng cao. Bởi khi lạm phát cao, giới đầu tư có xu hướng đổ vốn vào các tài sản an toàn như vàng, bất động sản… để hạn chế rủi ro.
Theo ông Khương, nếu mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá sẽ rất nhanh tăng lên 1,2-1,5 tỷ đồng, do đó, trong bối cảnh lạm phát cao, đầu tư bất động sản giá trị càng lớn thì càng có lợi. Nếu nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính thì việc xuống tiền ngay từ bây giờ là hợp lý.
“Tất nhiên, kỳ vọng tỷ suất sinh lời cao và nhanh ở thời điểm hiện tại sẽ khác so với những năm trước, không phải cứ đầu tư năm nay là năm sau giá tăng ngay 40-50% được”, vị chuyên gia này lưu ý, đồng thời tiết lộ thêm, hiện ông cũng đầu tư toàn bộ tiền vào bất động sản.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhiều người đang đổ xô đi buôn đất là có thật và sức hút của đất xuất phát từ cả yếu tố thực và yếu tố ảo. Về yếu tố thực, ngoài e ngại lạm phát cao, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng kết nối liên vùng đang giúp thị trường địa ốc nhiều khu vực “cất cánh”, bởi trên thực tế, ở đâu hạ tầng phát triển thì ở đó giá bất động sản sẽ tăng mạnh.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cũng đánh giá, có nhiều nguyên nhân khiến đất nền vùng ven nổi sóng, trong đó có quan niệm “đất là vĩnh viễn” đã ăn sâu bám rễ vào tâm trí người dân. Chưa kể, đầu tư đất nền thường có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn các phân khúc khác, nên dễ dàng thu hút nhiều nhà đầu tư.
Ngoài ra, đã từ lâu thị trường đất nền TP.HCM khan hiếm nguồn cung và giá đã được đẩy lên mức rất cao, trong khi các địa phương giáp ranh với điều kiện thuận lợi và tiềm năng phát triển mạnh của hạ tầng giao thông, giá đất còn chưa tăng mạnh, nên tiềm năng tăng giá còn nhiều. Đồng thời, các thông tin quy hoạch vùng, sự phát triển hạ tầng giao thông từ TP.HCM tới các địa phương lân cận cũng làm tăng sức hút của thị trường bất động sản những nơi này.
Về yếu tố ảo, những cơn sốt đất nền vùng ven gần đây đã bộc lộ rõ dấu hiệu có sự tác động của giới đầu cơ, “cò” đất. Nguồn tin của phóng viên cho biết, lợi dụng nhu cầu đầu tư bất động sản của người dân ngày càng cao, trên thị trường hiện nay có những đội nhóm chuyên đi săn đất vùng ven, sau đó tung tin về quy hoạch nhằm đẩy giá đất tăng nhanh, tạo nên những cơn sốt ảo, sau đó âm thầm thoát hàng, để lại “quả đắng” cho nhà đầu tư đến sau.
Advertisement
Advertisement