Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thêm nguy cơ khiến cá tra Việt 'mắc cạn' tại Mỹ

Thị trường 24h

17/08/2017 09:38

Hoa Kỳ là một trong những thị trường nhập khẩu cá tra chủ yếu của Việt Nam, tuy nhiên các tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính phòng vệ quá mức, vượt quá yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm và thuế chống bán phá giá cao đang khiến xuất khẩu cá tra sang thị trường này gặp nhiều khó khăn.

Trước những quy định mới ngày càng xiết chặt của thị trường Mỹ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa ban hành Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes (bộ cá da trơn, chủ yếu là cá tra, ba sa...) xuất khẩu sang thị trường này.

Cá tra Việt Nam đang gặp phải nhiều rào cản quy định và sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Mỹ.

Kiểm soát chặt từ 1/9

Theo đó, sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Mỹ sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ công đoạn nuôi, thu hoạch, vận chuyển cá tới cơ sở chế biến, cho đến khâu chế biến, xuất khẩu. Sản phẩm phải đảm bảo yêu cầu liên quan đến 85 chỉ tiêu về thuốc thú y, 106 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, bốn chỉ tiêu về thuốc nhuộm, 17 chỉ tiêu về kim loại, tám chỉ tiêu về vi sinh, hóa học... dựa theo những chỉ tiêu mà phía Hoa Kỳ đã đưa ra.

Như vậy, sau khoảng thời gian chuyển tiếp 18 tháng, từ ngày 1/9, cá tra nhập khẩu vào Mỹ sẽ tuân theo các quy định như các sản phẩm cá da trơn sản xuất tại Mỹ, và sẽ chịu sự giám sát nghiêm ngặt của Bộ nông nghiệp nước này (USDA).

Bộ NN&PTNT Việt Nam cho biết thêm, trong trường hợp có lô hàng bị cảnh báo chính thức từ Cơ quan thẩm quyền Mỹ, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) sẽ yêu cầu cơ sở chế biến lô hàng thực hiện truy xuất nguồn gốc lô hàng, tổ chức điều tra nguyên nhân dẫn đến lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, thiết lập và thực hiện hành động khắc phục và có báo cáo gửi NAFIQAD. Đồng thời sẽ tạm dừng xuất khẩu sản phẩm cá da trơn sang Mỹ của cơ sở này.

Đối với lô hàng bị cảnh báo có liên quan đến vi phạm của cơ sở nuôi, NAFIQAD sẽ thông tin đến Tổng cục Thủy sản để thực hiện xác minh, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, làm rõ vi phạm và xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, đầu tháng 7/2017, Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) đã có thông báo về việc sẽ áp dụng chính thức quy định về nhập khẩu tại Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes từ ngày 2/8 thay vì 1/9 (thời điểm chính thức áp dụng như quy định tại Chương trình và các thông báo của FSIS trước đây).

Doanh nghiệp lo lắng, giảm sụt xuất khẩu

Cá tra Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 1,6 - 1,7 tỷ USD/năm. Song, cá tra cũng chính là đối tượng chịu nhiều rào cản nhất trong số sản phẩm thủy sản xuất trên thế giới

Cụ thể, từ năm 2003, Ủy ban Thương mại Mỹ đã ra phán quyết áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm cá tra Việt Nam và vẫn áp dụng đến nay. Cùng với đó,trước áp lực của Hội người nuôi cá nheo, Mỹ một lần nữa dựng rào cản với cá tra Việt Nam bằng việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc bộ Siluriformes, trong đó có cá tra của Việt Nam, và chuyển sự giám sát từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) sang USDA.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện tại cá tra xuất khẩu sang Mỹ được kiểm soát bởi FDA. Nhưng kể từ 1/9, Ban Quản lý thực phẩm nông nghiệp an toàn và dịch vụ kiểm soát (FSIS) thuộc USDA sẽ kiểm tra tất cả các quy trình tạo ra sản phẩm cá tra, từ khâu con giống đến sản phẩm cuối cùng để tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ sau thời gian chuyển tiếp (đến hết 31/8).

Như vậy đặt ra yêu cầu Việt Nam phải đưa ra một hệ thống những tiêu chuẩn được phía Mỹ xem xét là tương đương với phía Mỹ và căn cứ trên đó, các DN Việt Nam sẽ làm theo.

Tuy nhiên, qua rà soát, các quy định hiện hành của Việt Nam chưa hoàn toàn tương đương với quy định của Mỹ. Do đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chương trình này nhằm phục vụ cho việc đánh giá tương đương của Mỹ, đồng thời, giảm thiểu những lô hàng xuất sang thị trường này bị trả về cũng như tránh gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.

Dự kiến, các nội dung của Chương trình sẽ được dẫn chiếu đưa vào bản SRT kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan đang được NAFIQAD hoàn thiện và dự kiến sẽ gửi cho FSIS trước ngày 20/8.

Việt Nam có 45 nhà máy đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ theo chương trình thanh tra cá da trơn, nhưng hiện chỉ có những DN có lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Thống kê của VASEP cho thấy, trong sáu tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 176,4 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Do thuế chống bán phá giá cao nên chủ yếu chỉ có ba DN xuất khẩu sang thị trường này với khối lượng và giá trị đáng kể.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn – DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng đã từng bày tỏ lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra khi Hoa Kỳ thực thi Chương trình giám sát cá da trơn.

Bởi theo bà Khanh, điều kiện cơ sở hạ tầng của Mỹ hiện vẫn chưa có đủ khả năng để thực thi theo chính sách này. Một số cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức được chỉ định vẫn đang còn trong quá trình xây dựng. Nếu thực thi giám sát nhiều khả năng sẽ xuất hiện tình trạng ùn ứ ngay lập tức. Bên cạnh đó, DN có khả năng còn phải chịu thêm các chi phí.

Trước tình hình này, đại diện VASEP cho rằng, Bộ NN&PTNT cần sớm làm việc với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để tháo gỡ những vướng mắc này nhằm tránh việc hàng hóa bị ách tắc, không kịp giao hàng cho đối tác.

Cũng theo VASEP dự báo từ nay đến hết năm 2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ có thể sẽ sụt giảm đáng kể.

THANH HÀ (Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement