Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thế giới tuần qua: Mỹ quay lại các thỏa thuận quốc tế; số ca COVID-19 mới trên toàn cầu giảm

Kinh tế thế giới

21/02/2021 07:24

Trong tuần qua, truyền thông thế giới đặc biệt lưu ý đến diễn biến chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn đưa Mỹ trở lại các thỏa thuận quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu giảm.

Tổng thống Biden nói "Nước Mỹ quay trở lại"

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng ông “nhất định bắt tay với châu Âu” trong việc đảo ngược chính sách đối ngoại mang tính tách biệt của người tiền nhiệm Donald Trump. Trước hết, chính quyền của ông Biden đã đề cập đến Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trong Hội nghị An ninh Munich trực tuyến, Tổng thống Biden đã lên tiếng cam kết với lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) rằng Mỹ sẽ quay lại với các thỏa thuận đa phương, bao gồm Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Kênh Al Jazeera dẫn lời nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu ngày 19/2: “Nước Mỹ đã quay trở lại”. Chủ trương của Tổng thống Biden là tách khỏi chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump với việc Mỹ rút khỏi các thỏa thuận quốc tế.

200221-bidenphatbieu.jpg
Tổng thống Biden chủ trương muốn đưa Mỹ quay trở lại các thỏa thuận quốc tế. Ảnh: Reuters

Phóng viên James Bays của Al Jazeera tại Liên hợp quốc nhận định phát biểu của Tổng thống Biden ngày 19/2 là tín hiệu cho thấy Mỹ quay trở lại chủ nghĩa đa phương.

Ông Bay nhấn mạnh: “Nước Mỹ quay trở lại là chủ đề chính của bài phát biểu, một chủ đề của hợp tác toàn cầu và cũng cho thấy Mỹ đứng về phía châu Âu”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng tại sự kiện tuyên bố rằng châu Âu và Mỹ nên hợp tác cùng chống lại biến đổi khí hậu.

Kênh NBC News dẫn phân tích của một số quan chức phụ trách khí hậu trong chính quyền Tổng thống Biden cho rằng thông điệp then chốt mà Mỹ muốn gửi đi là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu vẫn được bảo toàn. Mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là khoảng tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong những tháng tới, chính quyền Tổng thống Biden còn cần phát triển mục tiêu cắt giảm khí thải mới, có tên gọi Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC).

Trong một diễn biến liên quan, Mỹ chủ động nói rằng nước này sẵn sàng khởi động lại đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015. Về phía mình, Iran tuyên bố Mỹ phải chấm dứt “khủng bố kinh tế” qua lệnh trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Trump.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau cuộc gặp với những người đồng cấp châu Âu ngày 18/2 đã nhấn mạnh đến quan điểm của Tổng thống Biden rằng Washington nên quay trở lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu Tehran tuân thủ mọi điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 này.

Cùng ngày 18/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington nên “chấp nhận lời mời từ đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu để dự một cuộc họp của Nhóm P5 1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran để thảo luận về giải pháp ngoại giao đối với chương trình hạt nhân Iran”.

Số ca mắc COVID-19 mới giảm trên toàn cầu

Chú thích ảnh
Một người phụ nữ đeo khẩu trang tại Florida (Mỹ) ngày 15/2. Ảnh: Reuters

Ngày 16/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo số ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu đã giảm tuần thứ 5 liên tiếp và tuần vừa qua giảm 16%. Tuy nhiên, WHO cũng đề cập đến tình trạng biến thể của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lan đến những khu vực mới trên thế giới.

Trong 6 khu vực được WHO phân chia, chỉ có phía Đông Địa Trung Hải ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng 7% trong khi tất cả những khu vực còn lại đều giảm ở mức hai con số đó là châu Phi giảm 20%, phía Tây Thái Bình Dương giảm 20%, châu Âu giảm 18%, Mỹ giảm 16% và Đông Nam Á giảm 13%.

Tính đến ngày 15/2, biến thể của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại 94 quốc gia. Trong khi đó, biến thể tại Nam Phi cũng đã “đặt chân” đến 46 quốc gia. Biến thể từ Brazil đã lan tới 21 quốc gia khác. Số trường hợp tử vong vì COVID-19 trong tuần qua cũng giảm 10% so với tuần trước đó với 81.000 người thiệt mạng.

Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 15/2 phân tích rằng diễn biến trên toàn cầu cho thấy “các biện pháp y tế công cộng đơn giản đã có hiệu quả, ngay cả khi biến thể xuất hiện. Vấn đề hiện nay là cách chúng ta phản ứng với xu hướng này”. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh “lửa chưa hề tắt và nếu chúng ta ngừng chiến đấu trên bất cứ mặt trận nào thì lửa sẽ bùng phát trở lại”.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Mỹ trong tuần trước cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới giảm 23%. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp con số này giảm ở Mỹ. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch (CDC) cho biết khoảng 4% ca mắc COVID-19 tại nước này liên quan đến biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh.

Trong tuần qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là hai quốc gia được đánh giá đã triển khai hiệu quả về số lượng công dân được tiêm.

HÀ LINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement