Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thế giới tuần qua: Đàm phán hạt nhân Iran ‘lạc quan thận trọng’; Đại dịch có xu hướng nóng trở lại

Kinh tế thế giới

11/04/2021 07:14

Các vòng đàm phán mới nhất nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran cùng với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần.

Bước đi đầu tiên hướng tới khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

Từ 6-9/4, Ủy ban hỗn hợp về Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA, gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân Iran) đã tiến hành vòng đàm phán tại Vienna (Áo), với sự tham gia của đại diện của Iran và các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU). Mục đích chính là để đánh giá các các bước đi cần thực hiện nhằm đẩy Iran và Mỹ quay lại thực thi JCPOA. Tiến triển, tích cực, nhưng phía trước còn nhiều khó khăn – đó có thể coi là đánh giá chung nhất về kết quả đàm phán lần này.

cdnmedia-baotintuc-vn_041021-the-gioi-tuan1(1).jpg
Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về JCPOA tại Vienna, Áo ngày 6/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người đứng đầu phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora khẳng định, cuộc gặp mang tính xây dựng và hướng đến kết quả.

Đại diện của Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna Mikhail Ulyanov ngày 9/4 cho biết, các bên tham gia hài lòng với tiến triển ban đầu đạt được sau cuộc gặp và muốn duy trì xung lực tích cực này.

Đại diện của Trung Quốc tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Vương Quân, khẳng định các cuộc đàm phán diễn ra đúng hướng và các bên đã thu hẹp bất đồng.

Iran và Mỹ - hai nước có vai trò, trách nhiệm lớn nhất trong JCPOA - đã phát đi những thông điệp “lạc quan thận trọng”. Ngay sau khi kết thúc vòng đàm phán đầu tiên hôm 6/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhìn nhận đối thoại ở Vienna đã mở ra "một chương mới" trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân; và nếu Mỹ thực sự có thiện chí, quá trình đàm phán có thể sẽ được rút ngắn.

Về phần mình, một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên ngày 9/4 cho biết, Washington đánh giá các phiên họp vừa qua “đạt kỳ vọng”. Nhưng ông cũng cho biết, Mỹ chưa biết chắc liệu Iran có sẵn sàng đối thoại thiện chí nhằm khôi phục JCPOA theo một kế hoạch nghiêm túc mà Mỹ đề ra hay không, trong đó có việc Tehran quay lại tuân thủ các nghĩa vụ trong thỏa thuận.

Dự kiến, các bên sẽ tiếp tục quay trở lại bàn đàm phán trong tuần tới ở Vienna. Thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là thu hẹp bất đồng giữa Iran và Mỹ, cả về hình thức đối thoại lẫn cách tiếp cận mỗi bên về lộ trình khôi phục JCPOA.

Tại các vòng đàm phán vừa qua, đặc phái viên Mỹ về Iran Rob Malley cũng có mặt tại thủ đô Vienna, nhưng chỉ được phép đổi gián tiếp thông qua các phái viên khác, chủ yếu là số đến từ EU, do Iran vẫn chưa chấp nhận đàm phán trực tiếp lẫn gián tiếp với Mỹ. Mô thức này cũng sẽ vẫn được áp dụng cho vòng đàm phán tới. Cùng lúc, Iran tiếp tục bảo lưu quan điểm Mỹ phải là bên dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt mà cựu Tổng thống Doanld Trump áp đặt chống Tehran. Trong khi đó, Washington mới chỉ đồng ý dỡ bỏ các vòng trừng phạt đi ngược JCPOA hoặc số ngăn chặn Tehran thụ hưởng lợi ích từ thỏa thuận; nhưng sẽ vẫn giữ lại một số lệnh cấm có từ thời ông Trump.

COVID-19 nóng trở lại trên toàn cầu

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc chiến chống COVID-19 xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại, khi chiều hướng dịch bệnh trên thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp chiến dịch tiêm vaccine đang được được mở rộng. Mức độ lây nhiễm đã mạnh trở lại ở hầu khắp các khu vực trên toàn cầu. Trong tuần từ ngày 3-10/4, thế giới ghi nhận thêm trên 4.637.000 ca mắc mới và 81.460 trường hợp tử vong.

Dịch bệnh bùng phát mạnh và nguy hiểm nhất tại Ấn Độ và Brazil, hai trong số ba tâm dịch lớn nhất thế giới. Ấn Độ bước vào làn sóng lây nhiễm thứ hai, với tốc độ lây lan dữ dội hơn. Riêng trong ngày 10/4, nước này có trên 145.000 trường hợp nhiễm mới và là ngày thứ 5 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận trên 100.00 ca mắc SARS-CoV-2/ngày. Tại bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Maharashtra, chính quyền đã phải thực hiện lệnh phong tỏa mới vào mỗi cuối tuần, bắt đầu từ ngày 10/4 tới hết tháng này.

Brazil cũng đang phải đối diện với những khó khăn nghiêm trọng, khi hệ thống y tế đã quá tải trước số ca nhiễm COVID-19 phải nhập viện. Giới chức y tế nhận định, phải vài tuần nữa đại dịch mới đạt đỉnh ở Brazil và đến lúc đó quốc gia Nam Mỹ này có thể sẽ là nước chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất, với số ca tử vong vượt Mỹ. Bình quân số người chết vì COVID-19 tại Brzil trong 7 ngày qua là gần 3.000 người/ngày và tính trung bình cứ bốn người tử vong trên thế giới vì đại dịch, có một trường hợp ở Brazil.

Tình hình dịch chưa có chiều hướng lắng dịu ở châu Âu, khi một loạt nước liên tiếp ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới/ngày. Trong ngày 10/4, Pháp đứng đầu châu lục với 41.243 ca mắc mới, tiếp đó Ba Lan và Đức với lần lượt ghi nhận thêm 22.281 và 28.487 ca. Italy, Ukraine và Tây Ban Nha cũng chứng kiến số ca mắc mới vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày.

Còn tại châu Á, Nhật Bản trong ngày 10/4 ghi nhận 570 ca nhiễm SARS-CoV-2 và là ngày thứ tư liên tiếp có trên 500 ca mắc/ngày. Chính quyền tại các tỉnh, thành phố như Tokyo, Kyoto, Okinaw đã phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế, giãn cách để ngăn chặn mức độ lây lan của dịch bệnh. Thái Lan cùng ngày cũng có thêm 789 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ ngày 4/2 trở lại đây.

Sau một thời gian ngắn lắng dịu, thế giới trải qua 6 tuần liên tiếp có số ca mắc và tử vong gia tăng. Những dữ liệu mới nhất này khiến giới chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải thừa nhận, quỹ đạo của đại dịch trên thế giới đang đi sai hướng. Vaccine là công cụ mạnh mẽ nhất, nhưng chỉ riêng vaccine sẽ không chấm dứt. Cùng với đó phải là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân các biện pháp đồng bộ, toàn diện và hiệu quả khác.

HOÀI THANH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement