Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thế Giới Di Động sẽ rót thêm 3.000 tỷ đồng vào Bách hóa Xanh, mở 1.000 cửa hàng trong năm 2018

Doanh nghiệp

03/03/2018 08:45

Không phải Điện Máy Xanh, dược phẩm hay mở rộng thêm cửa hàng Thế giới Di động mà Bách hoá Xanh mới là trọng tâm của MWG trong năm 2018.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2018. Theo đó, MWG đặt chỉ tiêu doanh thu thuần là 86.390 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.603 tỷ đồng, ứng với mức tăng trưởng 30% và 18%. 

Mục tiêu trong năm 2018 của MWG là sẽ đưa chuỗi Bách hóa Xanh phủ sóng toàn TP.HCM với tổng số khoảng 1.000 cửa hàng. Công ty sẽ rót thêm 3.000 tỷ đồng nhằm phát triển chuỗi bán lẻ này.

Dòng tiền lấy từ nguồn vốn tự có, lợi nhuận giữ lại hoặc vay nợ trung dài hạn. Ngoài ra, MWG cũng sẽ chi thêm 400 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV CNTT Thế giới Di động và 1.000 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Thế giới Di động.

Năm 2017, doanh thu sau kiểm toán của MWG đạt là 66.340 tỷ đồng, tăng trưởng 48,7% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế của công ty sau kiểm toán ghi nhận 2.207 tỷ đồng, ứng với mức tăng trưởng gần 40% so với năm trước.

Bách hoá Xanh có tham vọng mở 1.000 cửa hàng trong năm 2018.
Bách hoá Xanh có tham vọng mở 1.000 cửa hàng trong năm 2018.

Tính tới thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của MWG tăng trưởng hơn 50%, đạt mức 22.815 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn chiếm hơn 80%, đạt hơn 18.800 tỷ đồng.

MWG dự kiến sẽ chi trả cổ tức 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả là 15% mệnh giá cổ phiếu, ứng với 1.500 đồng/cổ phiếu. Cổ tức sẽ được chi trả trong quý II năm 2018.

Việc MWG tập trung nguồn lực cho Bách hoá Xanh trong năm 2018 được xem là bước đi đầy táo bạo khi thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt “đại gia” nước ngoài. Các nhà bán lẻ ngoại đã thông qua nhiều phương thức để thâm nhập thị trường bán lẻ TP.HCM như mua bán, sáp nhập, liên doanh, liên kết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... 

Chẳng hạn, thương vụ Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) đã mua lại 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart và đổi tên thành AEON-Citimart, 30% cổ phần chuỗi cửa hàng tiện lợi Fivimart... Còn Tập đoàn LOTTE (Hàn Quốc) mua lại 70% cổ phần Trung tâm thương mại Diamond Plaza. Tập đoàn bán lẻ Berli Jucker Plc (Thái Lan) mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam). Chuỗi Family Mart tại Việt Nam và đổi tên thành B’s mart. 

Tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan) mua lại 49% cổ phần của Công ty Thương mại Nguyễn Kim, thành lập chi nhánh Robins tại Hà Nội và TP.HCM, mua lại hệ thống Big C Việt Nam... Trong năm 2017, hệ thống phân phối tại TP.HCM đã có sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của hai Tập đoàn bán lẻ lớn là hệ thống siêu thị Auchan (Pháp) phát triển 5 siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven Eleven (Nhật Bản) phát triển 9 cửa hàng. 

Trong khi các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam thì trong nước chỉ có vài doanh nghiệp đủ tiềm lực cạnh tranh với dòng vốn ngoại. Điển hình như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH  Một thành viên (Satra), Tập đoàn Vingroup... Ba đơn vị này có quy mô hệ thống tương đối lớn, còn lại những đơn vị trong nước còn lại vẫn hoạt động nhỏ lẻ với quy mô 1 - 2 siêu thị. 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, đặc điểm của các siêu thị trong nước là số lượng đơn vị nhiều, chênh lệch quy mô lớn, nguồn lực hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm quản lý điều hành những mô hình phân phối hiện đại quy mô lớn theo chuỗi, đa dạng loại hình, địa bàn rộng khắp.

Còn các doanh nghiệp mới mong muốn khởi nghiệp trên lĩnh vực bán lẻ không nhiều do còn ngần ngại, cân nhắc về khả năng cạnh tranh và gặp nhiều khó khăn để giải quyết bài toán logistic, hệ thống ERP và nguồn nhân sự chuyên nghiệp. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự yếu thế của các hệ thống bán lẻ trong nước so với hệ thống có yếu tố nước ngoài.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement