20/08/2020 18:44
Thế Giới Di Động sắp đóng hơn 170 cửa hàng điện thoại, nhân viên bán hàng 'ôm' luôn việc của công ty tài chính
Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm, Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục đóng đến 171 cửa hàng điện thoại, tương đương mỗi tháng khai tử đến 28 điểm bán. Tốc độ khai tử cũng ồ ạt như lúc tập đoàn mở rộng chuỗi điện thoại trên thị trường.
Khởi đầu bằng một cửa hàng kinh doanh điện thoại, đây cũng là “át bài chủ” làm nên tên tuổi cho Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động từ những ngày đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, từ đỉnh cao là chuỗi có nhiều điểm bán nhất, trước bối cảnh khó khăn chung và thị trường bão hòa, Thế Giới Di Động đã và đang mạnh tay đóng cửa hàng trăm cửa hàng thegioididong.com.
Thế Giới Di Động sắp đóng hơn trăm cửa hàng điện thoại
Năm 2017 là thời điểm chuỗi điện thoại thegioididong.com có nhiều cửa hàng nhất, với số lượng điểm bán trên cả nước lên đến 1.072 cửa hàng.
Tại các khu vực đông dân cư ở TP.HCM, nhiều cửa hàng điện thoại của Thế Giới Di Động chỉ nằm cách nhau vài trăm mét, vừa qua khỏi ngã tư này đến ngã tư kia là “đụng” một shop điện thoại của Thế Giới Di Động.
Thế Giới Di Động sắp đóng hơn trăm cửa hàng điện thoại, tính đủ đường để có doanh thu. Ảnh: Nguyên Phương |
Tuy nhiên, thị trường điện thoại bước vào giai đoạn bão hòa, doanh thu ngành hàng này cũng không còn là “gà đẻ trứng vàng”. Từ năm 2018, hãng lần lượt đóng dần một số cửa hàng kinh doanh không hiệu quả. Đến cuối năm 2018, tổng số cửa hàng của chuỗi lùi về con số 1.032, đến cuối năm 2009 còn 1.013 cửa hàng (tính luôn 17 cửa hàng Điện thoại Siêu rẻ).
Sự bão hòa của thị trường điện thoại đã kéo theo sự sụt giảm về doanh thu cả ở các chỉ số tuyệt đối lẫn tỷ lệ đóng góp vào cơ cấu doanh thu của tập đoàn.
Nửa đầu năm 2019, doanh thu mặt hàng điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, phụ kiện, thiết bị đeo… của Thế Giới Di Động là 23.535 tỷ đồng, đóng góp đến 45,5% cơ cấu doanh thu. Trong khi đó, nửa đầu năm nay, nhóm mặt hàng trên cùng với đồng hồ, thậm chí tập đoàn đã khai trương thêm thế giới laptop, nhưng doanh thu cũng chỉ 20.307 tỷ đồng, đóng góp vào doanh thu chỉ còn 36,5%.
Tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư cập nhật tình hình kinh doanh nửa đầu năm mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi điện thoại và điện máy của Thế Giới Di Động, cho biết năm nay, tập đoàn tiếp tục có kế hoạch cắt giảm cửa hàng điện thoại, mục tiêu chỉ để lại khoảng 800 shop.
Tính đến hết tháng 6/2020, chuỗi thegioididong.com còn 971 cửa hàng. Như vậy, theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm, Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục đóng đến 171 cửa hàng điện thoại, tương đương trung bình mỗi tháng khai tử đến 28 cửa hàng. Tốc độ khai tử cũng nhanh như lúc tập đoàn mở rộng ồ ạt chuỗi điện thoại trên thị trường.
Vì sao Thế Giới Di Động khai tử một loạt chuỗi điện thoại?
Nguyên nhân lớn nhất khiến “đế chế” bán lẻ do ông Nguyễn Đức Tài sáng lập phải đóng cửa một loạt cửa hàng điện thoại vì sự đi xuống của thị trường này.
Nếu như năm ngoái, thống kê của ban lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết ngành hàng này đang bão hòa, thì nửa đầu năm nay, điện thoại đang là ngành hàng tăng trưởng xấu nhất so với các ngành hàng khác mà tập đoàn đang kinh doanh như TV, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt.
Nhân viên Thế Giới Di Động đang kiêm luôn vai trò của nhân viên các công ty tài chính. Ảnh: Nguyên Phương |
Cụ thể, tính chung toàn thị trường, tăng trưởng ngành điện thoại đang âm 21% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tại Thế Giới Di Động, nửa đầu năm nay ngành hàng điện thoại giảm tốc 15%, trong khi các nhóm sản phẩm máy lạnh và TV chỉ giảm 2-5%, nhóm máy giặt và tủ lạnh bất chấp thị trường chung ảm đạm vẫn tăng trưởng tối đa 10%.
“Trong khi cửa hàng điện thoại từ 1.000 giảm xuống còn 800, Điện Máy Xanh sẽ được nâng từ 1.000 lên hơn 1.350 cửa hàng. Bởi ở Điện Máy Xanh, chúng tôi có cơ hội bán được nhiều hàng hơn so với cửa hàng điện thoại”, ông Hiểu Em nói.
CEO chuỗi điện thoại và điện máy của Thế Giới Di Động tiết lộ thêm hiện tập đoàn đang chiếm 50% thị phần điện thoại; điện máy khoảng 40%.
Với tình hình ngành hàng điện máy của tập đoàn vẫn đang khả quan so với tình hình chung của thị trường, ông Em khẳng định: “Điện máy còn nhiều cơ hội, đó là lý do chúng tôi chuyển đổi và mở mới”.
Chiến lược gần đây của Thế Giới Di Động là tại một cửa hàng Điện Máy Xanh, tập đoàn vừa có thể bán điện máy, hàng gia dụng vừa bán luôn điện thoại, máy tính xách tay, đồng hồ. Điện Máy Xanh gần như là mô hình tích hợp “2 trong 1”.
Mới đây, Thế Giới Di Động còn cho ra mắt một mô hình kinh doanh mới là supermini Điện Máy Xanh, nhằm gia tăng thị phần với điện máy. Theo đó, đây là mô hình diện tích nhỏ 120-150 m2, cung cấp khoảng 60% danh mục các sản phẩm điện thoại, điện máy cơ bản, phục vụ người dân khu vực nông thôn.
Tính đủ đường để có doanh thu, nhân viên bán điện thoại ôm cả việc của công ty tài chính
Thị trường điện thoại đang tăng trưởng âm 21%, và sẽ đóng hơn trăm cửa hàng từ đây đến cuối năm, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động đang tìm đủ mọi cách để cứu doanh thu.
Đi nước ngoài là một trong những cách Thế Giới Di Động tăng doanh thu. Ảnh: Nguyên Phương |
Ông Hiểu Em kỳ vọng trước tình hình khó khăn của dịch bệnh, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ hoặc những chuỗi quy mô nhỏ hơn không trụ được, tập đoàn sẽ có được thêm khách hàng từ những cửa hàng này. Đồng thời, công ty cũng tăng cường gia tăng ngành hàng trong hệ thống, như trường hợp thành công với đồng hồ.
“Mới đây, 10.000 nhân viên các công ty tài chính rút khỏi hệ thống của Thế Giới Di Động, nhân viên của chúng tôi sẽ làm luôn việc của các công ty tài chính, ôm luôn việc bán trả góp. Làm nhiều như vậy thì chi trả công ty tài chính cho Thế Giới Di Động sẽ tốt hơn”, ông Hiểu Em nói.
CEO Hiểu Em cho rằng việc mua trả góp hiện nay đang phổ biến, nhất là tại các chuỗi điện thoại, điện máy. Nên nhân viên tập đoàn đứng ra làm việc của nhân viên công ty tài chính, không chỉ giúp có thêm doanh thu mà còn góp phần kéo lãi suất xuống cho khách hàng, hoặc có chương trình hấp dẫn hơn cho người mua.
"Khi 50% thị phần điện thoại trong nước đã thuộc về Thế Giới Di Động thì việc mở rộng thêm cũng rất nan giải. Làm sao để tiếp tục gia tăng thị phần, chỉ có đi nước ngoài thôi. Cuối tháng 8, chúng tôi sẽ có 11 cửa hàng tại Campuchia, cuối tháng 9 là 20 cửa hàng và cuối năm là 50 cửa hàng”, ông Đoàn Văn Hiểu Em nói.
Ông tiết lộ thêm người dân tại Campuchia đón nhận rất tốt, khiến hình ảnh công ty trở nên ấn tượng. Thế Giới Di Động đang tính đến việc có lời cho mảng kinh doanh này, và không loại trừ thử nghiệm tại một thị trường khác, dư địa phát triển có thể lớn hơn cả Campuchia.
Tag:
# TGDD ông nguyễn đức tài nói chuyện kinh doanh doanh nhân nguyễn đức tài chủ tịch Nguyễn Đức Tài dòng tiền của thế giới di động ông chủ thế giới di động kinh doanh như thế nào Thế giới di động bán trái cây Thế Giới Di Động bán trái cây của bầu Đức thế giới di động bán phá giá điện thoại báo cáo tài chính quý 2/2020 Thế Giới Di Động hồ sơ doanh nghiệp Thế giới di độngAdvertisement
Advertisement
Đọc tiếp