21/03/2019 08:01
Thế chân vạc ở Khu đô thị Thanh Đa-Bình Quới: Dự án về tay ai?
Có đến 10 doanh nghiệp xin đấu thầu dự án Khu đô thị Thanh Đa-Bình Quới nhưng Bitexco-doanh nghiệp ôm dự án gần 30 năm qua lại không có tên?
10 doanh nghiệp đấu thầu là ai?
Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM xác nhận, đã nhận được văn bản của 10 doanh nghiệp đề nghị được tham gia đấu thầu dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa.
Cụ thể là các doanh nghiệp: Công ty TNHH Roytrade, Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam, Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á, Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land. Tập đoàn Sunshine, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại DV Thuận Tuấn và Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd, Công ty Cổ phần Xử lý ùn tắc Giao thông Môi trường, Công ty Cổ phần Quy hoạch Kiến trúc Gia Bảo, Liên danh Công ty Cổ phần AGR.3000 Việt Nam-Gaudha Putih (Thaidand)-Công ty Cổ phần Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân.
Điều đáng nói, trong danh sách 10 nhà đầu tư tham gia đấu thầu siêu dự án quy mô 400ha nhưng hầu hết là tên tuổi mới thành lập, chủ yếu là những tên tuổi còn khá lạ lẫm trên thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành.
Trong danh sách này xuất hiện những doanh nghiệp có cùng địa chỉ đăng ký kinh doanh. Có thể kể đến như Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Thuận Tuấn đều có địa chỉ tại 283/26-28 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, TP.HCM.
Công ty TNHH Roytrade được thành lập từ năm 2012 có địa chỉ tại 43 Mạc Đỉnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Theo ngành nghề đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chuyên bán buôn các loại mặt hàng như nông, lâm sản, linh kiện điện tử, viễn thông, vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng và còn là đại lý, môi giới, đấu giá...
Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam có địa chỉ tại số 813, đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2011 với người đại diện là Đoàn Xuân Hạnh. Lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng công trình đường sắt và đường bộ...
Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á có địa chỉ tại 283/26-28 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, TP.HCM. Doanh nghiệp được thành lập năm 2016 và theo giấy đăng ký kinh doanh thì ngành nghề chính là bán buôn xăng, dầu, nhớt, nhựa đường, kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Người đại diện là ông Trần Thanh Nam.
Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land, trong liên doanh này Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Star ở số 68 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM mới được thành lập vào ngày 8/8/2018. Golden Star đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Ông Nguyễn Tiên Phúc là người đại diện pháp luật.
Golden Star chính là công ty mẹ của Công ty Cổ phần BCLand, đơn vị sở hữu khu đất hơn 6ha tại Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM. Năm 2018, Capital Land đã mua với miếng đất giá 1.380 tỷ đồng, gồm 100 căn nhà ở gắn liền với đất và dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
CapitaLand không còn xa lạ ở Việt Nam, bởi đây là thị trường đầu tư lớn thứ ba tại Đông Nam Á, sau Singapore và Malaysia. Không chỉ phát triển bất động sản tại TP.HCM, CapitaLand còn mua dự án 0,9 ha tại quận Tây Hồ, Hà Nội để xây dựng một khu phát triển tích hợp.
Theo số liệu cập nhật mới nhất, danh mục đầu tư của CapitaLand tại Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD, bao gồm gần 8.000 căn nhà, hai trung tâm bán lẻ và hơn 4.800 căn hộ dịch vụ trên 7 tỉnh thành là TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Bình Dương và Nha Trang.
Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Thuận Tuấn và Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd, trong liên doanh này Thuận Tuấn có địa chỉ tại 283/26-28 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, TP.HCM. Đây cũng là một doanh nghiệp khá non trẻ khi mới được thành lập 4/7/2018 và hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư. Doanh nghiệp này do ông Phạm Hồng Hoàng là người đại diện pháp luật.
Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd có địa chỉ tại 89 Trịnh Đình Thảo, phường Hoà Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM và mới thành lập ngày 5/11/2018. Người đại diện pháp luật là ONG ALPHA MYRIAD. Golden Wealth Golbal có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Toàn cảnh dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa. |
Công ty Cổ phần Xử lý Ùn tắc Giao thông Môi trường có địa chỉ tại tầng 1, tháp C, tòa nhà D2 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Doanh nghiệp được thành lập vào ngày 13/1/2010 và do ông Hồ Anh Cương là người đại diện pháp luật. Lĩnh vực hoạt động chính là tư vấn giải pháp chống ùn tắc giao thông
Công ty Cổ phần Quy hoạch Kiến trúc Gia Bảo có địa chỉ tại ô số 5, tầng 5, tòa nhà D2 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội được thành lập 25/2/2000 do ông Trần Văn Thành là người đại diện theo pháp luật. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Liên danh Công ty Cổ phần AGR.3000 Việt Nam, Gaudha Putih (Thailand) và Công ty Cổ phần Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân, trong liên doanh này AGR.3000 Việt Nam có địa chỉ tại số 23 Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Doanh nghiệp được thành lập vào 22/12/2014 do ông Nguyễn Hải Bằng là người đại diện pháp luật.
Công ty Thái Thành Vân có địa chỉ tại tầng 8 Tòa nhà Loyal số 151-151 Bis Võ Thị Sáu, phường 6, quận 3, TP.HCM, được thành lập năm 2017 với ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Gaudha Putih là một doanh nghiệp đến từ Thái Lan.
Sunshine Group được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án thuộc phân khúc hạng sang tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang. Bộ sưu tập các dòng sản phẩm hạng sang của tập đoàn này gồm Sunshine Apartment (dự án căn hộ hạng sang, chung cư cao cấp), Sunshine Villas (biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng nội đô), Sunshine Sky Villas (biệt thự trên không), Sunshine Marina (nghỉ dưỡng đa trải nghiệm theo mô hình phức hợp). Các loại hình đều được ứng dụng nền tảng công nghệ để tạo ra các căn hộ thông minh.
Ngoài bất động sản, doanh nghiệp này còn đầu tư vào giáo dục, y tế, thương mại và thương mại điện tử, công nghệ, dịch vụ giải trí… Mới đây, Tập đoàn này còn cho ra đời hệ thống siêu thị Sunshine Mart tại đường Hoàng Mai và Phạm Hùng, Hà Nội.
Còn Tân Hoàng Minh đang sở hữu những khu đất vàng giữa trung tâm và các vị trí đắc địa tại Hà Nội như D'. Le Pont D’or-Hoàng Cầu, D’. Palais Louis-Nguyễn Văn Huyên, D’. Le Roi Soleil-Quảng An, D’. El Dorado-Phú Thượng, Phú Thanh… Tuy nhiên cho đến nay, một số dự án tại Hà Nội ít tiến triển.
Tại TP.HCM, Tập đoàn này cũng từng tham gia đấu giá để sở hữu miếng đất vàng hơn 3.000m2 thuộc 23 Lê Duẩn, quận 1 vào năm 2015. Liên quan đến vụ đấu giá, Tân Hoàng Minh đã phải trả 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm để sở hữu miếng đất. Tuy nhiên sau đó, Tân Hoàng Minh đã chậm nộp tiền theo tiến độ và đến cuối năm 2016 mới hoàn tất nghĩa vụ tài chính này.
Tân Hoàng Minh dự kiến xây dựng Khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ trên diện tích đất đấu giá. Tuy nhiên 2 năm qua, khu đất vẫn chỉ được rào kín, chưa có bất kỳ động thái xây dựng nào khác.
Bitexco ở đâu?
Nên nhớ, dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, TP.HCM thu hồi quyết định.
Sau đó, Tập đoàn Bitexco được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28. Theo quy hoạch mà Bitexco lập, Khu đô thị Thanh Đa-Bình Quới rộng tới 426ha, được quy hoạch đầy đủ các chức năng dành cho dân số khoảng 41.000 - 50.000 người, có cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các khu vực kế cận. Tuy nhiên, dự án bị treo từ đó đến nay.
Cảnh trái ngược ở Thanh Đa với trung tâm quận 1, dù chỉ cách con sông Sài Gòn. |
Đáng chú ý, trong 10 doanh nghiệp tham gia đấu giá lần này lại không có tên Tập đoàn Bitexco. Đại diện của tập đoàn Bitexco cho rằng từ năm 2010, Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Emaar Properties PJSC bắt đầu đề xuất với TP.HCM về quy hoạch dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa.
Tháng 10/2011, Thành ủy TP.HCM đã chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, UBND TP.HCM đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tháng 9/2011 Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý về chủ trương lựa chọn chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ngày 26/11/2015, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 6288/QĐ-UBND về duyệt Kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh cho liên danh Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Emaar Properties PJSC.
Tuy nhiên, đến năm 2016, Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Emaar Properties PJSC đã ký thỏa thuận chấm dứt liên danh và Bitexco đã đề xuất với UBND TP.HCM cho phép Bitexco tiếp tục thực hiện dự án. Ngày 29/6/2017, UBND TP.HCM có công văn số 4015/UBND-DA gửi Thủ tướng Chính phủ về nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa.
Ngày 18/9/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành công văn số 1415/TTg-CN gửi UBND TP.HCM về nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa. Trong đó cho phép UBND TP.HCM xem xét, quyết định xử lý tình huống theo thẩm quyền để tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật… đảm bảo thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 47/TTg-KTN ngày 6/9/2011.
Vị đại diện của Bitexco cho biết, hiện tại Tập đoàn vẫn chờ đợi UBND thành phố xem xét, điều chỉnh quyết định chỉ định nhà đầu tư số 6288/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 được ban hành bởi UBND TP.HCM.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bitexco vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND TPHCM về quyết định 6288/QĐ-UBND cũng như văn bản thông báo về việc TP.HCM quyết định đưa dự án ra đấu thầu rộng rãi, bởi theo các quyết định trước đây thì Bitexco vẫn đang là nhà đầu tư tại Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa.
Nhận định về Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa có tổng vốn đầu tư dự án là 29.992 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 22.742 tỷ đồng. Điều này đòi hỏi Bitexco phải cam kết thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của toàn bộ dự án, không chia giai đoạn.
Để đi tìm lời giải cho việc dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa bị treo 26 năm qua, hãy nhìn vào năng lực của chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Bitexco. Khởi nghiệp từ một công ty dệt nhỏ ở Thái Bình vào năm 1985, Bitexco bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề từ năm 1997 bằng việc mở rộng, đầu tư sản xuất nước khoáng.
Hiện tại, Bitexco có 26 công ty con và công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, bệnh viện, trung tâm thương mại, thủy điện, đường cao tốc, khoáng sản, dầu khí… Quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng để làm một dự án rộng 426 ha như Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa là điều quá tầm với Bitexco.
Vẫn biết, Bitexco đã tạo dấu ấn với công trình 68 tầng Bitexco Financial Tower ở quận 1, TP.HCM. Bitexco cũng có nhiều dự án khác như The Manor TP.HCM, The Manor Hà Nội, The Manor Lào Cai, The Manor Huế, khách sạn JW Marriott Hanoi, Ritz Carlton Sài Gòn, The Manor Central Park ở Hà Nội…
Tuy nhiên, Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa là một dự án quá lớn so với tầm vóc của Bitexco. Xét về quy mô, Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa rộng tới gần 427ha, một dự án siêu khủng mà Bitexco chưa bao giờ tham gia. Hơn nữa, điều kiện địa chất ở đây rất phức tạp. Do đó, dự án này cần một dòng tiền cực lớn để thực hiện. Một mình Bitexco không đủ tầm để triển khai dự án này.
Thực tế, Bitexco đang có nhiều dự án bị chậm tiến độ và dính nhiều tai tiếng. Tại TP.HCM, Bitexco cũng có một dự án khác là Khu đô thị Nguyễn Cư Trinh, thường được gọi là khu tứ giác Mã Lạng cũng trong tình trạng quy hoạch treo hơn 10 năm qua.
Khu Mã Lạng được xem là khu đất vàng bởi nó bao quanh bởi bốn tuyến đường gồm Nguyễn Trãi-Trần Đình Xu-Nguyễn Cư Trinh-Cống Quỳnh ở quận 1. Dự án này phải giải tỏa hoàn toàn 1.424 căn nhà và khoảng 10.000 người. Tuy nhiên hơn 10 năm qua, người dân ở khu vực này phải sống trong thấp thỏm vì không biết đến bao giờ dự án mới triển khai.
Người dân trong dự án ra sao?
Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa chiếm trọn phường 28, quận Bình Thạnh với hàng ngàn người dân. Từ Thanh Đa chạy ra trung tâm Sài Gòn chỉ vài cây số nhưng cuộc sống của người dân ở đâu như miền quê.
Đối lập với những cao ốc chọc trời của quận 1 ở đối diện bên kia bờ sông Sài Gòn là hàng nghìn hộ dân phải sống lay lắt trong những ngôi nhà sập xệ suốt hàng chục năm qua. Họ không thể xây mới nhà, sửa cũng không xong, mỏi mòn chờ dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa bị treo gần 30 năm qua, khiến số phận hàng ngàn con người cũng “treo” theo.
Nhiều phận người đã "treo" theo quy hoạch của dự án. |
Chuyên gia kinh tế Trần Minh Hoàng cho rằng, áp dụng cơ chế đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thì dự án sẽ kéo dài thời gian. Tuy nhiên, đây lại là con đường duy nhất để dự án này được triển khai, tránh gây bức xúc và ảnh hưởng cuộc sống các hộ dân sau khi Bitexco được chỉ định thầu nhưng không đủ năng lực.
“Thanh Đa được đánh giá là một nơi rất tiềm năng, thích hợp cả về vị trí địa lý lẫn những điều kiện kinh tế xã hội để phát triển khu đô thị sinh thái. Thanh Đa chỉ cách trung tâm TP.HCM 5km nhưng vẫn bị treo trong khi những vùng khác như quận 9 xa hơn nhưng lại phát triển. Vấn đề ở đây là khâu quy hoạch, quy mô dự án đòi hỏi quá lớn nhưng chưa tìm ra chủ đầu tư có đủ nguồn lực để thực hiện”, ông Hoàng nói.
Chuyên gia kinh tế này cho biết thêm, quy hoạch dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa đã được lập hơn chục năm qua. Hiện tại, quy hoạch này đã không còn đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.HCM. Do đó, cần xây dựng sự hài hòa giữa các công trình hạ tầng, công trình kinh doanh vừa đáp ứng yêu cầu, bảo đảm tính chất khu đô thị sinh thái vừa có sự chung tay tham gia của người dân.
Trong khi đó, Kiến trúc sư Nam Sơn nêu quan điểm, một nhà đầu tư làm tất cả dự án là tốt nhưng không dễ. Để tối ưu nhất, TP.HCM cần tổ chức chọn nhiều nhà đầu tư cùng tham gia và thực hiện với hình thức hợp tác công tư. Theo đó nhóm nhà đầu tư sẽ liên doanh với Nhà nước để cùng thực hiện dự án.
Ông Sơn cho rằng, người dân cần được tái định cư tại chỗ nên phải có giải pháp chỉnh trang đô thị kết hợp xây mới, làm phân khu phù hợp. Quy hoạch cần phân định phần đất làm khu đô thị, giải quyết câu chuyện đường giao thông hạ tầng kết nối bán đảo với các khu khác... Khu đô thị Thanh Đa-Bình Quới cần có các cây cầu nối liền hạ tầng bán đảo với các quận, huyện của TP.HCM chứ không phải một cây cầu độc đạo như hiện nay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, chủ đầu tư nào, quy hoạch nào cũng cần đền bù thỏa đáng cho người dân Thanh Đa-Bình Quới. TP.HCM phải giải quyết tái định cư theo nguyên tắc dự án có trên 10ha thì phải tổ chức tái định cư tại chỗ. TP.HCM nên cho nhà đầu tư xây một khu nhà ở thương mại trong chính dự án để tái định cư tại chỗ, người dân được hỗ trợ 50% giá trị căn nhà đó.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp